Cần Thơ: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển công thương

10:30 | 22/04/2023

|
Qua 3 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh và chỉ tiêu kế hoạch trong lĩnh vực công thương đã không đạt được mức cao như kỳ vọng, thậm chí còn bị sụt giảm. Ðặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp và kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu chung của cả nước và tại nhiều địa phương đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Trước thực tế đó, Bộ Công Thương cùng các địa phương đã và đang tích cực vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành...
Cần Thơ: Khởi công xây dựng 100 căn nhà Đại Đoàn kếtCần Thơ: Khởi công xây dựng 100 căn nhà Đại Đoàn kết
Cần Thơ: Trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương”Cần Thơ: Trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương”
Cần Thơ: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển công thương
Thu mua bưởi phục vụ xuất khẩu tại Cơ sở Hương Miền Tây ở tỉnh Bến Tre.

Xuất khẩu giảm mạnh

Trong quý I-2023, lĩnh vực phát triển công thương tại nhiều địa phương tiếp tục đạt những kết quả rất đáng khích lệ, đóng góp vào phát triển chung của ngành Công Thương. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), thương mại nhiều địa phương vẫn có mức tăng trưởng cao, có 48/63 địa phương đạt mức tăng trưởng dương trong quý I-2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì xuất siêu 4,07 tỉ USD, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ngành Công Thương còn đối mặt với không ít kkhó khăn và hạn chế. Ðáng chú ý, IIP và kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã có sự sụt giảm đáng kể so cùng kỳ. Mức tăng trưởng các chỉ tiêu ngành Công Thương tại nhiều địa phương cũng thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ. Nguyên nhân do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đầu ra sản phẩm khó khăn, ít dự án đầu tư mới được triển khai. Tình hình kinh tế toàn cầu gặp khó và bị suy giảm, đặc biệt là tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến xuất khẩu và chỉ số IIP... Theo Bộ Công Thương, trong quý I-2023, IIP của nước ta giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 6,8% so năm trước). Có 48 địa phương có IIP tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 79,17 tỉ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 75,1 tỉ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tháo gỡ khó khăn

Nhằm tháo gỡ các khó khăn phát triển công thương, Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị trực tuyến khối công thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu năm 2023. Tại hội nghị, Bộ Công Thương cùng các bộ ngành Trung ương, địa phương và đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đã cập nhật, cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu. Ðồng thời, trao đổi, thảo luận, làm rõ nguyên nhân các kết quả đạt được và kịp thời nắm bắt, nhận diện các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, trong sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, từ đó đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời.

Nhiều địa phương đã kiến nghị Bộ Công Thương kịp thời rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo thuận lợi cho địa phương trong thu hút đầu tư phát triển các khu và cụm công nghiệp, phát triển chợ và cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ. Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, công nghệ mới, tiếp cận thông tin thị trường và xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa… Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đề nghị: "Bộ Công Thương sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 68/2017/NÐ-CP và Nghị đinh 66/2020/NÐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp nhằm tạo thuận lợi trong quản lý và thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp. Quan tâm hỗ trợ địa phương tận dụng các hiệp định thương mại tự do để phát triển xuất khẩu hiệu quả và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào các chuỗi cung ứng, phân phối hàng trên thế giới…".

Trong quý I-2023, IIP của TP Cần Thơ ước tăng 3,73% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 25,18% kế hoạch và tăng 5,75% so với cùng kỳ năm trước… Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp ở Cần Thơ vẫn còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt giá nhiều loại nguyên nhiên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng. Lãi suất tiền vay còn cao và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Xuất khẩu nhiều loại nông sản gặp khó do nhu cầu trên thị trường thế giới giảm… Bên cạnh quan tâm tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để phát triển xuất khẩu, Cần Thơ cũng đang tích cực tăng cường công tác xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các địa phương trong vùng và các vùng miền khác trong nước, cũng như với quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kiến nghị: "Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp ÐBSCL, cũng như doanh nghiệp TP Cần Thơ xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như gạo, thủy sản, nông sản thực phẩm chế biến và hàng may mặc. Ðẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã tham gia vào hiệp định thương mại tự do. Ðồng thời, sớm hướng dẫn trong công tác quản lý nhà nước đối với các trạm nạp điện cho ô tô điện. Sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2003/NÐ-CP và Nghị định số 114/2009/NÐ-CP về phát triển và quan lý chợ do hiện nay cần có các quy định để quản lý và phát triển các chợ như chợ đêm, chợ văn hóa…".

Ðể thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển công thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị lãnh đạo các sở công thương, lãnh đạo các địa phương và đơn vị có liên quan tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của lãnh đạo Ðảng, nhà nước, của các bộ ngành và cấp ủy, chính quyền tại địa phương. Khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của mỗi địa phương để kịp thời tích hợp vào quy hoạch của tỉnh, thành phố và quy hoạch của quốc gia. Tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, dự án trên địa bàn. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công thương, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách địa phương, cũng như kịp thời đề xuất với Trung ương ban hành những cơ chế, chính sách để gỡ khó cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển công thương. Quan tâm quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt theo các chuẩn đáp ứng yêu cầu của các thị trường, tạo thuận lợi xuất khẩu chính ngạch…

Nguồn: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển công thương

Khánh Trung

baocantho.com.vn