Cần Thơ: Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc tiến trình CNH, HĐH

10:10 | 19/05/2023

|
Thực hiện tiến trình CNH, HÐH, những năm qua, TP Cần Thơ đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế trong phát triển; kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tuy nhiên, CNH, HÐH của thành phố vẫn tồn tại nhiều bất cập đến từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Từ đó, đòi hỏi Cần Thơ phải chủ động đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến trình CNH, HÐH trong bối cảnh mới. Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ÐMST) là một trong những giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu.
Cần Thơ: Phong Điền tập trung giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểmCần Thơ: Phong Điền tập trung giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm
Cần Thơ: Thay đổi diện mạo nhà chờ, trạm dừng xe buýtCần Thơ: Thay đổi diện mạo nhà chờ, trạm dừng xe buýt

Một góc đô thị Cần Thơ nhìn từ trên cao.

Nhiều bất cập

Tại tọa đàm CNH, HÐH trên nền tảng KHCN mới và ÐMST tại TP Cần Thơ mới đây, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, quá trình thực hiện CNH, HÐH tại Cần Thơ đã có những đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo ra sự tăng trưởng nhanh. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,64% so với năm 2021, đứng thứ 6 cả nước, xếp thứ 2 so với 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với vị trí trung tâm, TP Cần Thơ đang chủ động phối hợp triển khai nhiều dự án trọng điểm; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương và các viện trường, tích cực xúc tiến làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp ngoài nhà nước để kêu gọi đầu tư. Cùng với đó, tăng cường đầu tư, nghiên cứu ứng dụng thành tựu KHCN vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ÐMST, chuyển đổi số và công nghệ số.

Theo nhận định từ các chuyên gia, tiến trình CNH, HÐH của thành phố đã giúp kinh tế - xã hội Cần Thơ có bước khởi sắc, nhưng chưa mang tính đột phá, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ứng dụng KHCN là một trong những điểm mấu chốt thúc đẩy tiến trình CNH, HÐH, song bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, nhìn nhận: "Dù đã được đầu tư, nâng cấp về tiềm lực, cơ sở vật chất so với giai đoạn trước nhưng hạ tầng kỹ thuật về KHCN của thành phố vẫn còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ so với nhu cầu phát triển. Nguồn nhân lực KHCN chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực thế mạnh trong nghiên cứu như nông nghiệp, thủy sản, chế biến... các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ khác còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, hơn 90% doanh nghiệp của thành phố thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn tài chính phục vụ đổi mới công nghệ hạn chế nên tốc độ đổi mới công nghệ chưa đạt yêu cầu".

Nhiều ý kiến cho rằng, tính hạt nhân, trung tâm và động lực phát triển của TP Cần Thơ đối với phát triển kinh tế của vùng ÐBSCL là chưa rõ nét, đóng góp trong GRDP của vùng còn thấp. Năng lực sản xuất một số ngành, sản phẩm quan trọng tăng chậm, các ngành có hàm lượng công nghệ cao có tỷ trọng nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao. Dịch vụ logistics tuy có nhiều tiềm năng nhưng phát triển còn yếu, quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị, các khu vực dự kiến mở rộng đô thị thiếu và chưa đồng bộ; hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chất lượng chưa cao, một số công trình quan trọng chưa được sử dụng hết công suất như cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cảng Cái Cui…

Giải pháp đột phá

Một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: "Tận dụng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. ÐMST, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ: xây dựng thành phố thông minh, tăng trưởng xanh". Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, TP Cần Thơ là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL… Ðiều đó cho thấy, từ Trung ương đến địa phương đều thống nhất nhận thức KHCN và ÐMST là nền tảng của sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.

Góp sức vào tiến trình CNH, HÐH của thành phố thời gian tới, bà Trần Hoài Phương, cho biết: Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các viện, trường, sở, ngành xây dựng và hoàn chỉnh dự thảo Ðề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và ÐMST TP Cần Thơ. Trung tâm này sẽ đóng vai trò là tổ chức đầu mối của thành phố kết nối và khai thác các nguồn lực trong và ngoài thành phố cho hoạt động khởi nghiệp và ÐMST; xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và ÐMST TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL trong các ngành nghề nhất định dựa trên lợi thế của địa phương và vùng. Song song đó, Sở đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp cho KHCN; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, áp dụng các mô hình kinh doanh mới; gắn các hoạt động khởi nghiệp ÐMST với phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương; thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ÐMST, doanh nghiệp KHCN có tiềm năng tăng trưởng cao; tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần tập trung xây dựng hệ sinh thái ÐMST, trong đó, xác định doanh nghiệp là trung tâm; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN và ý tưởng ÐMST. Ðồng thời, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế trong vùng.

Theo các chuyên gia, tiến trình CNH, HÐH của thành phố cần làm tốt vai trò hạt nhân liên kết, thúc đẩy cả vùng ÐBSCL cùng phát triển. Ông Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, cho rằng Ðảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, định hướng lớn để xây dựng và phát triển thành phố. Tuy nhiên, Cần Thơ gặp nhiều khó khăn khi cụ thể hóa những quyết sách này mà nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Vì vậy, Cần Thơ cần quan tâm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch; thúc đẩy sản xuất, chế biến nông sản; thực hiện tốt vai trò hạt nhân liên kết vùng trên cơ sở hài hòa lợi ích, đưa kinh tế - xã hội vùng ÐBSCL cùng đi lên.

Nguồn: Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc tiến trình CNH, HĐH

Mỹ Thanh

baocantho.com.vn