Cần Thơ: Yêu nghề, nghề chẳng phụ

09:20 | 19/09/2023

|
Là một trong những đặc sản nổi tiếng ở huyện Vĩnh Thạnh, bánh đa không chỉ là món quà quê được người dân địa phương ưa chuộng mà còn có tiếng ở các tỉnh, thành lân cận. Những năm gần đây, thay cho cách làm nghề thủ công truyền thống, nhiều hộ đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, đầu tư máy móc để nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu sản phẩm... Một trong những cá nhân tiên phong là anh Ðỗ Hoàng Giao, chủ cơ sở sản xuất bánh đa, hủ tiếu Nhật Nguyệt, ngụ tại ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh.
Cần Thơ: Ứng dụng nền tảng công nghệ để kết nối, phát triển thị trường bất động sảnCần Thơ: Ứng dụng nền tảng công nghệ để kết nối, phát triển thị trường bất động sản
Cần Thơ: Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền năm 2023 diễn ra từ ngày 25-9Cần Thơ: Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền năm 2023 diễn ra từ ngày 25-9
Cần Thơ: Yêu nghề, nghề chẳng phụ
Anh Ðỗ Hoàng Giao, chủ cơ sở sản xuất bánh đa, hủ tiếu Nhật Nguyệt, đóng gói bao bì sản phẩm bánh đa đồng tiền.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, gia đình anh Giao tất tả phơi những phên bánh đa, hủ tiếu vừa ra lò. Anh Giao cho biết: “Chất lượng bánh đa và hủ tiếu ảnh hưởng khá nhiều từ thời tiết, nên bà con làm nghề cứ phải “trông chừng” để kịp trở từng chiếc bánh”. Vất vả là vậy nhưng khi nhắc đến nghề bánh đa, anh Giao luôn phấn khởi, bày tỏ sự tự hào về nghề truyền thống đã hơn 30 năm của gia đình.

Từng tốt nghiệp cao đẳng ngành điện công nghiệp, nhiều năm trước, anh Giao bôn ba đi lao động xa quê. Anh Giao bộc bạch: “Cả tuổi thơ tôi đã chứng kiến cảnh bố mẹ mình vất vả với nghề, mướt mồ hôi xay bột, tráng từng chiếc bánh, bán nhỏ lẻ để nuôi anh em tôi khôn lớn. Năm 2014, khi quyết định trở về quê hương nối nghiệp gia đình cũng là lúc tôi quyết tâm phải đổi mới”. Nghĩ là làm, anh Giao thuyết phục gia đình hỗ trợ hơn 100 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy tráng bánh công nghiệp cùng các loại máy xay gạo, nạo dừa... Trầy trật suốt 2 năm ứng dụng hệ thống máy, bánh đa vẫn không đạt chất lượng như mong đợi. Anh Giao kể: “Dạo đó, mẻ bánh nào ra lò cũng bị rách vụn, phải bỏ đi. Mẹ tôi lo buồn, sụt tận mấy ký. Bản thân tôi ít nhiều nản lòng nhưng vẫn cố gắng để tìm tòi công thức làm bánh chất lượng. Sau thời gian thử nghiệm, mày mò, tôi đã nghiên cứu thành công công thức pha bột chuẩn, phù hợp với máy tráng bánh công nghiệp. Nhờ vậy, cơ sở mới bắt đầu ăn nên làm ra cho đến nay”. Theo anh Giao, bước quan trọng nhất trong khi làm bánh đa là phải chọn nguyên liệu từ loại tấm ngon, khô xốp; các loại phụ gia như dừa, gừng, mè, bột mì... được pha chế theo liều lượng phù hợp. Nhờ máy móc hiện đại nên anh Giao đã rút ngắn thời gian tráng bánh. Mỗi ngày, anh Giao cho ra lò hơn 1.200 chiếc bánh đa, tăng gấp 3 lần so với cách làm thủ công.

Không dừng lại ở việc làm bánh đa truyền thống, anh Giao chế tạo dây chuyền tráng hủ tiếu công nghiệp. Theo anh Giao, hủ tiếu cũng là nghề truyền thống của gia đình, song do không có điều kiện máy móc, nhân lực nên một thời gian dài bố mẹ bỏ hẳn. Mới đây, từ việc lắng nghe nhận xét, phản hồi ý kiến từ khách hàng, anh Giao còn nghiên cứu sản xuất thêm dòng bánh đa đồng tiền, được công nhận 3 sao OCOP cấp thành phố vào năm 2022. Khác với chiếc bánh đa truyền thống có kích cỡ thật to, bánh đa đồng tiền chỉ nhỏ gọn trong lòng bàn tay; đồng thời mang một hương vị hoàn toàn mới do được anh gia giảm các loại nguyên liệu từ mè, sữa, đường thốt nốt... để phù hợp với thị hiếu của thực khách.

Cùng với việc cải tiến, nâng cao chất lượng bánh, anh Giao đẩy mạnh tiếp thị để khai thác, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ vậy, việc kinh doanh của gia đình “nở nồi”. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất của anh Giao cung ứng cho thị trường 160-170kg hủ tiếu, 28kg bánh đa đồng tiền và trên 1.200 chiếc bánh đa truyền thống, mang về thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Đặc biệt, vào những dịp Tết, cơ sở của anh liên tục “đỏ lửa”, cung ứng cho thị trường số lượng bánh gấp đôi ngày thường, không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. “Yêu nghề, nghề chẳng phụ. Nhờ làm bánh đa, hủ tiếu đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, nuôi con cái khôn lớn. Trên hết, đó là niềm vui được gìn giữ nghề truyền thống của cha ông” - anh Giao phấn khởi chia sẻ.

Nguồn: Yêu nghề, nghề chẳng phụ

Kiến Quôc

baocantho.com.vn