Chuẩn hoá truy xuất nguồn gốc để bảo vệ uy tín sản phẩm hàng hoá

19:08 | 22/10/2024

|
Sau những khó khăn trong việc xây dựng hệ thống khung khổ pháp lý, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện và dần chuẩn hoá hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, tính an toàn cũng như bảo vệ uy tín sản phẩm, hàng hoá.

Sau những khó khăn trong việc xây dựng hệ thống khung khổ pháp lý, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện và dần chuẩn hoá hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, tính an toàn cũng như bảo vệ uy tín sản phẩm, hàng hoá.

Truy xuất nguồn gốc là một quá trình giám sát và theo dõi từng giai đoạn sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh sản phẩm. Mỗi sản phẩm sẽ được gắn một mã số định danh duy nhất, thường được biểu thị bằng mã QR trên bao bì. Người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh để quét mã và truy cập toàn bộ thông tin về quá trình sản xuất, chứng nhận chất lượng cũng như nguồn gốc của sản phẩm.

Chuẩn hoá truy xuất nguồn gốc để bảo vệ uy tín sản phẩm hàng hoá
Nếu như trước đây, những mã QR Code chỉ với những thông tin đơn giản, sơ sài, thì nay đang dần được hoàn thiện và chuẩn hoá để những chiếc tem truy xuất trở nên thực sự có giá trị với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý hỗ trợ truy xuất nguồn gốc

Bối cảnh đổi mới sâu rộng cũng như sự phát triển mạnh mẽ của nhiều dòng sản phẩm hàng hoá, cùng với những đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn của người tiêu dùng và thị trường các nước xuất khẩu. Sự quan tâm của người tiêu dùng và thị trường không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn bao gồm cả thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm cuối cùng đến tay khách hàng, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm,...

Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc nước ta đang tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập, như: Truy xuất nguồn gốc mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và thị trường lớn; Hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia có thể tham gia với các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác.

Việc truy xuất nguồn gốc đòi hỏi tính chuẩn hóa cao, yêu cầu các bên tham gia truy xuất nguồn gốc cần thống nhất dùng chuẩn chung. Trong khi đó, với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã khiến cho việc thống nhất giữa các bên tham gia truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn.

Các giải pháp truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam chưa được kết nối và có sự thừa nhận của quốc tế gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu; Việc khai báo, cập nhật thông tin truy xuất, in và dán tem chưa được kiểm soát; Chưa có chương trình, hệ thống, cơ quan đánh giá chứng nhận các hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khách quan để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng,...

Nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tháng 1 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (gọi tắt là Đề án 100) nhằm xác định những nhiệm vụ cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Sau Đề án 100, các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan. Từ đó, đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng hơn 30 tiêu chuẩn quốc gia liên quan truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, y tế và đồ chơi trẻ em,… Các tiêu chuẩn này là cơ sở để hướng dẫn cho các doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc vào thực tiễn.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực từ ngày 1/6/2024. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xây dựng dữ liệu phải bảo đảm tối thiểu 10 thông tin cơ bản về tên; hình ảnh sản phẩm; tên đơn vị sản xuất kinh doanh; địa chỉ; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có);… Thông tin này được in mã gắn trên bao bì sản phẩm và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Người tiêu dùng có thể tra cứu hạn sử dụng, nguồn gốc của sản phẩm.

Mới đây nhất, ngày 1/10/2024, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia đã chính thức được đưa vào vận hành, và hiện cổng đã có sự kết nối với một số địa phương và hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.

Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia đóng vai trò như cầu nối để kết nối tất cả thành phần tham gia trong chuỗi cung ứng, giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; góp phần hạn chế tình trạng loạn phần mềm, loạn apps truy xuất nguồn gốc...

Cổng này cũng sẽ kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nước và quốc tế; quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế; chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc giữa các hệ thống. Đồng thời thực hiện, giám sát, đánh giá các công việc liên quan quản lý truy xuất nguồn gốc; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc…

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), tại nhiều quốc gia trên thế giới, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm đã trở thành quy định bất thành văn với hàng hóa nhập khẩu và thói quen của người tiêu dùng. Từ đó nâng cao hiệu quả cho sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp khẳng định về sản phẩm, đáp ứng minh bạch thông tin sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong khi tại Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã và đang trở thành vấn nạn đối với xã hội. Mặc dù cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, nhiều doanh nghiệp đưa ra cảnh báo giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm thật giả, nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn len lỏi vào cuộc sống của người dân.

Do đó, truy xuất nguồn gốc được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người tiêu dùng tìm hiểu thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, giúp truy ngược từ sản phẩm về nơi sản xuất ban đầu, qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh.

4 nguyên tắc truy xuất nguồn gốc

Theo quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phải bảo đảm bảo 4 nguyên tắc sau:

Nguyên tắc “Một bước trước - một bước sau”: Bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm, hàng hóa.

Nguyên tắc “Sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.

Nguyên tắc “Minh bạch”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.

Nguyên tắc “Sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.

Truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích

Theo đánh giá của các chuyên gia và các nhà kinh tế, truy xuất nguồn gốc mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và cho chính bản thân các nhà sản xuất.

Việc truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát được chất lượng, độ an toàn và cũng là công cụ cho doanh nghiệp khi gặp vấn đề lỗi sản phẩm đã cung cấp ra thị trường thì có cách thức truy vết, thu hồi sản phẩm.

Đối với người tiêu dùng khi mua và sử dụng sản phẩm đều có nhu cầu tìm hiểu những thông tin nguồn gốc sản phẩm đó như thế nào để phòng tránh trường hợp sử dụng phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng kém chất lượng.

Nếu như trước đây, với các tem, nhãn dán trên sản phẩm, thông tin rất giới hạn, không đầy đủ hoặc thông tin không chính xác. Ngày nay, các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc đã được phát triển rộng rãi để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua chiếc điện thoại thông minh. Từ đó, sản phẩm trên thị trường được kiểm soát chất lượng minh bạch, người tiêu dùng có niềm tin với sản phẩm của doanh nghiệp.

Trước nhu cầu về đa dạng hoá sản phẩm của thị trường, có không ít doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới bị kẻ xấu lợi dụng, trà trộn bán hàng giả, gây mất niềm tin nơi người tiêu dùng, làm giảm uy tín thương hiệu. Do đó, áp dụng truy xuất nguồn gốc chính là con đường ngắn nhất giúp bảo vệ uy tín doanh nghiệp, đồng thời truyền tải mọi thông điệp của nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, để tăng tính cạnh tranh, kích thích hành vi mua hàng, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần mạnh mẽ trong nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước… Đồng thời, áp dụng truy xuất nguồn gốc cũng sẽ giúp hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu sản phẩm phát triển mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp vươn tầm thế giới.

Ngoài ra, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc với mỗi doanh nghiệp không đơn thuần chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn là cách các doanh nghiệp đang chung tay góp sức bảo vệ lợi ích cộng đồng, đẩy lùi hàng giả hàng nhái ra khỏi thị trường.

Nguồn:Chuẩn hoá truy xuất nguồn gốc để bảo vệ uy tín sản phẩm hàng hoá

Thái Đạt

thuongtruong.com.vn