Điện Biên không chỉ là điểm đến lịch sử...

07:30 | 05/04/2024

|
Với tầm nhìn chiến lược, tinh thần và trách nhiệm cao trong quy hoạch, ngành du lịch Điện Biên hứa hẹn mở ra thời kỳ mới với nhiều cơ hội phát triển đột phá.
Điện Biên không chỉ là điểm đến lịch sử...
Bản du lịch cộng đồng Nà Sự (Điện Biên). (Nguồn: Đại đoàn kết)

Điện Biên được biết đến là mảnh đất lịch sử gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Nơi đây là tên gọi được vua Thiệu Trị đặt năm 1841 với ý nghĩa là vùng biên cương vững chãi. Từ tên gọi phần nào đã khẳng định vị trí chiến lược của mảnh đất này.

Điện Biên là điểm đến mà bất cứ ai khi đặt chân đến cũng sẽ có cảm giác như đang được đi trên vùng đất của lịch sử, với sự hiển hiện của 31 di tích lịch sử đã được xếp hạng, tiêu biểu như Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng; đền Hoàng Công Chất; các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao…

Sở hữu "mỏ vàng"

Tuy nhiên, bên cạnh thế mạnh du lịch lịch sử, đây còn là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Điện Biên còn được ưu đãi nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ như hồ Pa Khoang, rừng di tích lịch sử Mường Phăng, đèo Pha Đin huyền thoại, cao nguyên đá và hệ thống hang động tại huyện Tủa Chùa, các điểm nước khoáng nóng tinh khiết như Pe Luông, Uva…

Những tài nguyên này có thể coi là “mỏ vàng” để Điện Biên phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch văn hóa kết hợp khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe…

Điện Biên có cộng đồng 19 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng tạo nên bức tranh tổng thể đa sắc màu có sức thu hút, hấp dẫn đối với du khách.

Đơn cử như huyện Tủa Chùa có tiềm năng phát triển du lịch với hệ thống các hang động được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Nơi đây sở hữu quần thể 100 cây chè Tuyết Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại xã Sín Chải được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Hiện tại, huyện đang tập trung khai thác thế mạnh vốn có, đầu tư phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm tạo dấu ấn đặc sắc cho du khách khi ghé thăm.

Đến Tủa Chùa, du khách sẽ được trải nghiệm các nét văn hóa đặc sắc bản địa đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Khèn Mông, xòe Thái, nghề làm giày thêu của người Xạ Phang, nghề thêu trang phục của dân tộc Mông...

Hòa mình vào không gian văn hóa vùng cao đặc trưng ở Hội Xuân, chợ phiên, chợ đêm cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị với du khách.

Còn thị xã Mường Lay đã "hớp hồn" du khách bởi những dãy nhà sàn mái đá tựa lưng vào núi, nằm san sát nhau dọc hai bên sông Đà tạo nên khung cảnh vừa thơ mộng, quyến rũ vừa độc đáo riêng có. Ở nơi giao nhau của 3 con sông gồm: Sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay là địa bàn sinh sống của 9 cộng đồng dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm 70% dân số, chủ yếu là người Thái trắng.

Người Thái nơi đây vẫn lưu giữ những di sản văn hóa, nghi thức truyền thống độc đáo của người Thái trắng như: Lễ hội đua thuyền đuôi én, lễ Kin Pang Then, xòe Thái cổ. Đặc biệt, là nếp nhà sàn lợp bằng đá đen, đây là nét kiến trúc truyền thống được cộng đồng người Thái giữ gìn và bảo tồn bao đời nay.

Thị xã Mường Lay có 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Nghệ thuật xòe Thái và Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng.

Để phát triển du lịch, địa phương này đã khai thác các lợi thế, tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Một số lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc như: Lễ hội đua thuyền đuôi én được khôi phục, phục dựng, thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Điện Biên không chỉ là điểm đến lịch sử...
Bên cạnh thế mạnh du lịch lịch sử, Điện Biên còn là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. (Nguồn: VNE)

Đưa công nghiệp không khói trở thành mũi nhọn

Trong định hướng phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Trong thế chân kiềng đó, các di sản văn hóa của 19 dân tộc tiếp tục đóng vai trò quan trọng phát triển du lịch, đưa ngành công nghiệp không khói sớm trở thành mũi nhọn của tỉnh.

Với quan điểm rõ ràng, Quy hoạch tỉnh Điện Biên xác định, việc phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch.

Tỉnh xác định phát triển du lịch một cách bền vững, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa các dân tộc, gắn phát triển với quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tỉnh đặt ra một số mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn như: Lượng khách du lịch năm 2025 đạt trên 1,45 triệu lượt, trong đó có 300.000 lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân là 15%/năm. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2025 đạt trên 2.380 tỷ đồng, tăng bình quân 15%/năm, đóng góp khoảng 10% GRDP bình quân của tỉnh. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3 ngày.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, lượng khách du lịch đạt trên 2,65 triệu lượt khách, trong đó 600.000 lượt khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân đạt 15%/năm. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2030 đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng bình quân trên 14%/năm. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3,5 ngày, tăng 0,5 ngày so với giai đoạn 2021 - 2025.

Song song với đó, Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ đón trên 7 triệu lượt khách, trong đó trên 1,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 50.000 tỷ đồng, đóng góp trên 15% GRDP bình quân của tỉnh; tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho trên 155.000 lao động…

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường khẳng định, với tầm nhìn chiến lược, tinh thần và trách nhiệm cao trong quy hoạch, ngành du lịch Điện Biên hứa hẹn mở ra thời kỳ mới với nhiều cơ hội phát triển đột phá. Ông tin rằng, tiềm năng, thế mạnh và những lợi thế khác biệt, cùng sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, kết hợp với sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, ngành du lịch Điện Biên sẽ vững vàng cất cánh và vươn xa.

Nguồn: Điện Biên không chỉ là điểm đến lịch sử...

Gia Thành

baoquocte.vn