Hà Giang: Kết nối “huyết mạch” giao thông về thôn, bản ở Vị Xuyên

14:00 | 25/08/2024

|
Những tuyến đường giao thông (GT) khó khăn về các thôn, bản, đặc biệt là thôn biên giới, thôn thuộc các xã trong lộ trình “về đích” Nông thôn mới (NTM) năm 2025 trên địa bàn huyện Vị Xuyên đang được đầu tư mở mới, nâng cấp, cứng hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Toàn huyện Vị Xuyên có trên 2.067 km đường GT, trong đó 3 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 87 km; 18 tuyến đường huyện dài 344,5 km; 168 tuyến đường xã dài 572,6 km; 258/261 thôn có đường ô tô đến trung tâm, còn 3 thôn: Nà Sát (Thanh Thủy), Lũng Cáng (Thuận Hòa), Lùng Vài (Minh Tân) do tuyến đường kết nối đến trung tâm phải đi qua cầu treo nhỏ, yếu nên chưa đi được ô tô. Có 231/261 thôn có đường GT đến trung tâm được đầu tư cứng hóa. Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ huyện Vị Xuyên (khóa XXIV) về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng GT giai đoạn 2021 - 2025 xác định mục tiêu 100% thôn biên giới có đường GT đến trung tâm đạt chuẩn NTM, hoàn thành tiêu chí GT trong xây dựng NTM tại 8 xã. Mục tiêu hoàn thiện hạ tầng GT nông thôn cho thôn chưa có đường, thôn biên giới và thôn thuộc các xã “về đích” NTM năm 2025 cũng là 1 trong 2 nội dung đột phá mà Đoàn công tác số 06 của BTV Tỉnh ủy theo Quyết định 1340 theo dõi, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với Đảng bộ huyện Vị Xuyên lựa chọn hỗ trợ huyện thực hiện trong năm 2024 - 2025 để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.

Hà Giang: Kết nối “huyết mạch” giao thông về thôn, bản ở Vị Xuyên
Lãnh đạo huyện Vị Xuyên và các đơn vị tài trợ khởi công xây dựng cầu Trung Sơn, xã Thượng Sơn (Vị Xuyên).

Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, huyện Vị Xuyên tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương huy động, lồng ghép các nguồn lực, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả với mục tiêu đến năm 2025 có 100% thôn có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm; 100% thôn biên giới có đường GT đạt tiêu chí NTM; tăng cường duy tu, bảo dưỡng các công trình GT sau đầu tư tại các xã NTM.

Trong năm 2024 - 2025, huyện tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo 130 km đường GT nông thôn các loại tại các xã dự kiến hoàn thành tiêu chí GT trong xây dựng NTM gồm: Thanh Thủy, Ngọc Linh, Cao Bồ, Thanh Đức, Kim Linh, Lao Chải, Xín Chải, Ngọc Minh; xây dựng hệ thống cầu, đường đến trung tâm các thôn Lùng Vài, Lũng Cáng, Nà Sát; cứng hóa hệ thống đường GT đến 11 thôn thuộc các xã Bạch Ngọc, Minh Tân, Thanh Thủy, Ngọc Linh, Cao Bồ, Kim Linh, Ngọc Minh, Xín Chải; cứng hóa đường GT tại các thôn biên giới Nậm Ngặt (Thanh Thủy), Hoàng Lỳ Pả (Minh Tân), Nhìu Sang, Nậm Lầu (Xín Chải), Bản Phùng (Lao Chải). Tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư thực hiện đột phá kết cấu hạ tầng GT là 156 tỷ đồng, cân đối và ưu tiên phân bổ nguồn vốn từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh và nguồn xã hội hóa.

Sau 2 tháng triển khai kế hoạch đột phá kết cấu hạ tầng GT năm 2024 - 2025, phong trào xây dựng đường GT phát triển rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Toàn huyện xây dựng trên 5 km đường GT tại các xã dự kiến hoàn thành tiêu chí GT trong xây dựng NTM gồm: Thanh Thủy, Ngọc Linh, Thuận Hòa, Quảng Ngần. Xây dựng gần 8 km đường GT tại các xã đã đạt chuẩn NTM; khởi công xây dựng cầu Lũng Cáng (Thuận Hòa), cầu Trung Sơn (Thượng Sơn), cầu thôn Phai (Bạch Ngọc), cầu Pác Tà, thôn Lùng Thiềng, xã Minh Tân từ nguồn xã hội hóa và đối ứng của huyện; nhân dân hiến đất, đóng góp tiền và ngày công xây dựng đường GT. Trong tháng 7, nhiều đợt mưa, lũ liên tiếp xảy ra trên địa bàn huyện gây sạt lở 157 vị trí với tổng khối lượng đất, đá trên 15.830 m3, làm hư hỏng 6 cầu, cống. Huyện đã huy động lực lượng “4 tại chỗ” khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo GT thông suốt, cấp trên 2,5 tỷ đồng cho các xã Minh Tân, Thuận Hòa, Thượng Sơn, Phương Tiến, Quảng Ngần khắc phục sạt lở.

Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh chia sẻ: “Mặc dù còn nhiều khó khăn trong thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng GT tại các thôn, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của Đoàn công tác số 06, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành của các đơn vị thiện nguyện, nhà hảo tâm, chung tay của người dân, chỉ trong thời gian ngắn, việc xây dựng các tuyến đường GT và cầu tại các thôn trên địa bàn huyện đạt kết quả khả quan. Tiếp nối tinh thần ấy, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong xã hội về nhiệm vụ xây dựng đường GT; tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đầu tư xây dựng cơ bản; đôn đốc các xã, thị trấn làm tốt các tuyến đường bê tông từ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh; các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đảm bảo chất lượng, hiệu quả; tăng cường kết nối, kêu gọi đầu tư hạ tầng GT từ nguồn xã hội hóa”.

Nguồn: Kết nối “huyết mạch” giao thông về thôn, bản ở Vị Xuyên

Biện Luận

baohagiang.vn