Năm 2024, nên đầu tư vào đâu, như thế nào?

15:03 | 13/02/2024

|
Kênh bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ hay, gửi tiết kiệm sẽ có những biến động và chỉ dần ổn định kể từ tháng 6/2024 trở đi.

Bất động sản

Bước qua tháng 2/2024, số sản phẩm bất động sản bán ra, tỉ lệ cho vay mua nhà còn hạn chế, 2 gói tín dụng dành cho lĩnh vực này (120.000 tỉ đồng và 110.000 tỉ đồng) chưa có tác dụng. Nhưng lĩnh vực này có thể sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024 do kinh tế đang dần phục hồi và Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã được ban hành.

Phân khúc có khả năng sinh lời trong năm nay sẽ là nhà ở có giá thấp. Do các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam nên số sản phẩm bất động sản thương mại, công nghiệp sẽ tăng mạnh, bất động sảndu lịch có thể sẽ khởi sắc hơn, nhưng chỉ nên đầu tư chừng mực.

Vàng

Những tháng cuối năm 2023, giá vàng tăng lên 83 triệu đồng/lượng là do những biến động chính trị, khủng hoảng kinh tế ở nhiều khu vực tên thế giới, do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu hạ lãi suất khiến giá trị USD giảm, đẩy giá vàng thế giới tăng.

Đầu năm 2024, giá vàng giảm khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 24 về quản lý giá vàng. Nhưng mới đây, giá vàng bỗng tăng trở lại. Do đó, nếu Nghị định 24 không được sửa đổi thì trong thời gian tới, giá vàng trong nước sẽ có thể phá mốc kỷ lục 83 triệu đồng/lượng.

Nếu FED tiếp tục giảm lãi suất và căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông không hạ nhiệt, cộng với sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ, giá vàng thế giới sẽ vượt mức 2.100-2.300 USD/oucne, tương đương khoảng 62-66 triệu đồng/lượng (hiện giá vàng thế giới khoảng 59,9 triệu đồng/lượng).

Vàng là tài sản có tính thanh khoản tốt và an toàn cao. Khi các kênh đầu tư khác chưa có điểm sáng thì dù biên lợi nhuận không cao, các nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào vàng. Đây không chỉ là xu hướng trong năm 2023 mà còn tiếp diễn trong năm 2024. Nhà đầu tư cần lưu ý, phải so sánh giá mua và bán, nếu chênh lệch quá lớn thì không nên mua. Không nên đổ tiền quá nhiều vào vàng mà nên phân bổ cho các kênh đầu tư khác; không lướt sóng, không vay vàng để đầu tư vàng hoặc vay tiền để mua vàng do giá vàng luôn biến động khó lường.

Năm 2024, nên đầu tư vào đâu, như thế nào?
Theo dự báo, lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ tăng từ tháng 6/2024 trở đi - Ảnh: Thanh Hoa

Gửi tiết kiệm

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm nhưng trong bối cảnh các kênh khác vẫn trầm lắng thì gửi tiết kiệm vẫn được lựa chọn do tính an toàn, thanh khoản cao.

Trong nửa đầu năm 2024, hoạt động tín dụng có thể chưa khởi sắc, lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhưng nửa sau năm 2024 có thể khởi sắc hơn, nhu cầu huy động vốn tăng thì lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ tăng. Nên gửi tiền với thời hạn đến giữa năm 2024, sau đó gửi trở lại để có lãi suất cao hơn. Nếu có nhu cầu vay vốn thì nên vay lúc này bởi lãi suất tương đối thấp và từ tháng 6/2024 trở đi, lãi suất mới có thể tăng cao trở lại.

Chứng khoán

Là kênh có nhiều biến động trong năm 2024. Hiện tại, chứng khoán đang đạt 1.173 điểm và mức này sẽ duy trì đến tháng 6/2024. Từ tháng 6/2024 trở đi, chứng khoán sẽ ổn hơn, có thể đạt 1.200 điểm do FED có thể sẽ giảm lãi suất, tạo điều kiện cho lãi suất các nước trên thế giới ổn định hơn.

Tuy nhiên, đây là kênh chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Muốn đầu tư, nên trang bị kiến thức tài chính để phân tích tài chính các doanh nghiệp phát hành, tránh đầu tư theo kiểu “bầy đàn”, theo cảm tính.

Nhìn chung, nhà đầu tư nhỏ lẻ nên phân bổ tiền đầu tư theo nhiều rổ, trong đó ít nhất 30% vào tiền gửi ngân hàng do luôn có lãi suất thực dương trên tỉ lệ lạm phát (lạm phát

năm 2024

là 4%), 30% vào chứng khoán, 30 - 40% vào bất động sản.

Nếu có tham vọng, có thể đầu tư vào vàng tối đa 30%. Nên đầu tư vào kênh đảm bảo an toàn vốn, không đầu tư vào kênh có khả năng mất vốn. Chỉ đầu tư vào kênh có tính thanh khoản cao.

Nguồn: Năm 2024, nên đầu tư vào đâu, như thế nào?

Thanh Hoa

www.phunuonline.com.vn