OPEC trong một thế giới đang thay đổi (Bài 2)

11:00 | 10/03/2024

|
Quyền lực của OPEC đã suy yếu trong bối cảnh chia rẽ từ chính nội bộ nhóm. Thực tế cho thấy những tranh cãi giữa các thành viên OPEC đôi khi chuyển thành xung đột.
OPEC trong một thế giới đang thay đổi (Bài 1)OPEC trong một thế giới đang thay đổi (Bài 1)
OPEC tự tin có thể giành lại thị phần dầu mỏ ở Ấn ĐộOPEC tự tin có thể giành lại thị phần dầu mỏ ở Ấn Độ
OPEC trong một thế giới đang thay đổi (Bài 2)

Những rạn nứt bên trong

Quyền lực của OPEC đã suy yếu trong bối cảnh chia rẽ từ chính nội bộ nhóm. Một phần trong số này được thúc đẩy bởi các cuộc tranh giành quyền lực trong khu vực. Một yếu tố khác được thúc đẩy bởi sự khác biệt về quan điểm về chiến lược và mức giá mục tiêu. Trong những năm 1980, các hội nghị của OPEC thường có đặc điểm là sự bất đồng giữa những người ủng hộ giá, những người thúc đẩy sản lượng cao hơn và giá thấp hơn, so với những người có "quan điểm diều hâu" về giá, điển hình là từ các quốc gia thành viên có dân số đông và luôn chịu áp lực về ngân sách.

Trong lịch sử, phe bồ câu là những quốc gia giàu có hơn trong OPEC sẵn sàng chấp nhận mức giá thấp hơn nếu điều đó giúp duy trì vị thế thống trị của họ trên thị trường dầu mỏ – Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait – trong khi phe diều hâu bao gồm Iran vào những năm 1980; Iraq dưới thời nhà lãnh đạo Saddam Hussein và Libya.

Thực tế cho thấy những tranh cãi giữa các thành viên OPEC đôi khi chuyển thành xung đột. Ví dụ, Iran và Iraq đã tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Trong khi Iran cáo buộc các nước láng giềng Ả Rập giữ giá dầu ở mức thấp giả tạo để giúp đỡ Iraq, cả Iraq và Iran đều không rời OPEC.

Theo chuyên gia năng lượng Daniel H. Yergin, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay của OPEC là cuộc xâm lược Kuwait năm 1990 của Iraq. Trong cuốn sách The Prize, Yergin viết rằng lần đầu tiên "chủ quyền và sự sống còn của quốc gia chứ không chỉ giá dầu" đang bị đe dọa. Cuộc xâm lược đã loại bỏ 4 triệu thùng dầu khỏi thị trường thế giới và khiến giá cả tăng vọt.

Khi đó, các quốc gia thành viên khác lo ngại rằng Iraq sẽ sớm tấn công Ả Rập Xê-út, cũng như sẽ có các hành động thay vì giữ thái độ trung lập như họ đã từng làm trong Chiến tranh Iran-Iraq. Khi liên minh quân sự tập hợp lại, hầu hết các thành viên còn lại của OPEC đều tăng sản lượng để bù đắp sản lượng bị mất từ ​​các mỏ dầu của Kuwait và Iraq.

OPEC trong một thế giới đang thay đổi (Bài 2)

Vì lý do đó, giới lãnh đạo Riyadh đã khuyến khích Chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận năm 2015 về chương trình hạt nhân của Iran và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Iran. Chính quyền Joe Biden đang đàm phán với Tehran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đó. Sản lượng không cân xứng của Ả Rập Xê-út - khi khai thác khoảng một phần ba tổng lượng dầu thô của toàn khối đã khuấy động cuộc thảo luận về mức độ ảnh hưởng thực sự của các thành viên khác của OPEC, cũng như sức mạnh tổng thể của chính nhóm này. Một số nghiên cứu kinh tế đã phát hiện ra rằng giá dầu sẽ thấp hơn nếu OPEC không tồn tại.

Căng thẳng với Mỹ

Kể từ năm 1973, OPEC thường có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Mỹ. Các đời Tổng thống Mỹ kể từ Nixon đều ủng hộ việc độc lập về năng lượng, mặc dù các nhà kinh tế vẫn tiếp tục tranh luận về giá trị của mục tiêu đó.

OPEC trong một thế giới đang thay đổi (Bài 2)

Những người ủng hộ nói rằng việc ít phụ thuộc hơn vào dầu của OPEC sẽ làm giảm thâm hụt thương mại và khiến nền kinh tế Mỹ trở nên kiên cường hơn trước những biến động giá dầu. Nhiều ý kiến cho rằng ít nhất nó sẽ cho phép Mỹ chuyển trọng tâm ra khỏi Trung Đông. Tuy nhiên, OPEC vẫn tiếp tục đóng vai trò là lá chắn hữu ích.

Tổng thống Jimmy Carter đã cố gắng khơi dậy bóng ma của OPEC để khuyến khích người Mỹ giảm tiêu thụ nhiên liệu. Tổng thống Trump thì đưa ra nhận định rõ ràng hơn, khi gọi OPEC là tổ chức độc quyền và yêu cầu nhóm này có các biện phaps giúp hạ nhiệt giá. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ còn đe dọa cho phép các vụ kiện chống độc quyền chống lại OPEC và các quốc gia thành viên.

Về phần mình, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cũng đổ lỗi cho OPEC vì đã không tăng sản lượng đủ nhanh để đối phó với giá dầu tăng cao, gián tiếp góp phần gây ra lạm phát kỷ lục ở Mỹ.

Thách thức của các lựa chọn thay thế

Hầu hết các thành viên OPEC coi giá dầu cao là một lợi ích ngắn hạn. Tuy nhiên, mức giá cao tương tự có thể thúc đẩy các nước nhập khẩu đầu tư vào các nguồn nhiên liệu thay thế, một động lực đang được trở thành xu thế.

Thách thức nổi bật nhất đối với OPEC ngày nay đến từ các loại dầu đặc biệt, chẳng hạn như năng lượng từ đá phiến, đã trở nên sẵn có nhờ những tiến bộ công nghệ gần đây.

OPEC trong một thế giới đang thay đổi (Bài 2)

Năm 2009, sau gần 40 năm sản lượng dầu thô của Mỹ sụt giảm, việc khai thác dầu từ đá phiến và cát đã giúp tăng sản lượng. Trong thập kỷ kể từ đó, sản lượng của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi. Cuộc cách mạng đá phiến dường như đã khiến OPEC bất ngờ. Vào năm 2015, OPEC đã phản ứng với "phong trào bẻ gãy thủy lực" bằng cách đẩy giá xuống, cho rằng việc khai thác đá phiến sẽ không còn hiệu quả về mặt kinh tế. Nhưng các công nghệ mới đã cho phép các công ty Mỹ khai thác lượng dầu bị mắc kẹt trước đó với chi phí giảm, đưa Mỹ trở thành nhà khai thác dầu lớn nhất thế giới trong những năm gần đây.

Sản lượng dầu tại Mỹ giảm vào năm 2020 do các biện pháp ngăn chặn đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu dầu, nhưng sau đó đã phục hồi trở lại. Và mặc dù Tổng thống Joe Biden đã cam kết cấm khoan mới trên đất liên bang, chính quyền của ông vẫn tiếp tục phê duyệt giấy phép với tốc độ kỷ lục.

Để chống lại điều này, OPEC đã hợp tác với Nga và một số nhà xuất khẩu lớn khác để điều phối khai thác và ổn định giá cả.

Vào tháng 7 năm 2019, OPEC đã chính thức thành lập liên minh OPEC+ mới bất chấp sự phản đối của Mỹ, vì Washington lo ngại thỏa thuận này sẽ làm tăng ảnh hưởng của Moscow đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Quan hệ đối tác cũng tạo ra căng thẳng mới cho các đồng minh của Mỹ trong liên minh dầu mỏ, những người hiện đang phải đối mặt với các yêu cầu cạnh tranh từ Washington và Moscow.

Thật vậy, xích mích giữa Nga và Ả Rập Xê-út đã lên đến đỉnh điểm khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Riyadh đã thúc đẩy các thành viên OPEC+ giảm sản lượng tại cuộc họp ở Vienna vào đầu tháng 3. Tuy nhiên, Nga - lo ngại về việc thị phần bị giảm và thất vọng trước các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào công ty dầu mỏ hàng đầu Rosneft - đã từ chối điều này. Để đáp lại, Riyadh đã khởi xướng một cuộc chiến về giá bằng cách tăng cường khai thác - một chiến lược mà nước này đã sử dụng thành công trong quá khứ - để buộc Moscow trở lại bàn đàm phán.

Tổng thống Mỹ lúc bây giờ là ông Donald Trump, bày tỏ lo ngại về thiệt hại mà giá dầu chạm đáy sẽ gây ra cho ngành công nghiệp Mỹ, đã can thiệp và cố gắng làm trung gian hòa giải, và đến đầu tháng 4, các nước OPEC+ đã tạm thời đồng ý cắt giảm sản lượng tới 20 triệu thùng mỗi ngày.

Về lâu dài, sự ra đời của xe điện chạy bằng nguồn năng lượng tái tạo là mối đe dọa hiện hữu đối với OPEC.

Tại Mỹ, Tổng thống Biden đã kêu gọi đầu tư lớn vào sản xuất năng lượng sạch. Và khi mối lo ngại về biến đổi khí hậu chiếm vị trí trung tâm trong những năm tới, OPEC có thể bị ảnh hưởng.

Nhìn về tương lai

Dự trữ dầu đá phiến khổng lồ của Mỹ đã không hoàn toàn cách ly người tiêu dùng Mỹ khỏi sự biến động giá do OPEC gây ra. Những thay đổi về mức độ khai thác của Mỹ là kết quả của hàng chục quyết định độc lập của các công ty năng lượng tư nhân và có thể mất vài tháng trước khi người tiêu dùng cảm nhận được bất kỳ sự điều chỉnh nào. Điều đó có nghĩa là khi có những thay đổi đột ngột về điều kiện thị trường, OPEC có thể đạt được sức mạnh thị trường đáng kể, nếu chỉ trong thời gian ngắn, để tác động đến giá cả.

OPEC trong một thế giới đang thay đổi (Bài 2)

Cuộc chiến giá cả Nga - Ả Rập Xê-út năm 2020 đã chứng minh tính dễ bị tổn thương của các nhà khai thác Mỹ. Khi giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ, điều này càng gây căng thẳng cho ngành công nghiệp Mỹ vốn đang phải vật lộn với ảnh hưởng của đại dịch; ít nhất một nhà khai thác đá phiến lớn của Mỹ, Whiting Petroleum, đã tuyên bố phá sản.

Các thành viên OPEC có giá hòa vốn tương đối cao, chẳng hạn như Algeria, cũng dễ bị ảnh hưởng bởi giá dầu thấp kéo dài, so với Nga hay Ả Rập Xê-út, cả hai đều có giá hòa vốn thấp và dự trữ ngoại hối đáng kể.

Vào năm 2022, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và các lệnh trừng phạt khắc nghiệt do phương Tây áp đặt để đáp trả đã khiến giá dầu toàn cầu tăng vọt và làm mới sự chú ý đến vai trò của OPEC. Tháng 3 năm đó, Tổng thống Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Vào thời điểm đó, giá dầu toàn cầu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, ở mức hơn 130 USD/thùng dầu thô Brent.

Do đó, nhiều nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và một số đảng viên Đảng Dân chủ đã kêu gọi Mỹ tăng cường hoạt động khoan dầu. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng khai thác đá phiến của Mỹ, vốn đã sụp đổ trong thời kỳ giá sụt giảm do đại dịch gây ra, sẽ mất nhiều tháng để trở lại đà tăng .

Một số chuyên gia và chính trị gia cho rằng việc tăng giá gần đây nhấn mạnh sự cần thiết của việc Mỹ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng tái tạo, nhưng điều này cũng sẽ mất thời gian và Mỹ có thể buộc phải quay sang OPEC để mua dầu.

Tổng thống Biden được cho là đang cân nhắc chuyến thăm Ả Rập Xê-út, và vào tháng 3, các quan chức cấp cao của Mỹ đã thực hiện chuyến đi đầu tiên tới Venezuela kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Caracas vào năm 2019.

Trong khi đó, sự chia rẽ trong nội bộ OPEC có thể vẫn tồn tại. Điển hình như, vào năm 2019, Qatar đã chính thức rút khỏi OPEC, thể hiện sự không đồng tình với sự thống trị của Ả Rập Xê-út đối với tổ chức này và một lệnh phong tỏa Qatar do Ả Rập Xê-út dẫn đầu.

Mặc dù lệnh phong tỏa đã kết thúc vào năm 2021, Qatar cho biết họ sẽ không tái gia nhập khối. Nếu Riyadh tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại quyết đoán hơn, việc duy trì sự gắn kết của nhóm có thể là một thách thức.

Đối với OPEC và đối tác Nga, khả năng này, kết hợp với sự gia tăng của dầu đá phiến, sự độc lập về năng lượng ngày càng tăng của Mỹ và các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu, báo trước một thời kỳ bất ổn kéo dài.

Nguồn: OPEC trong một thế giới đang thay đổi (Bài 2)

Minh Quân

nangluongquocte.petrotimes.vn