Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Sẽ yêu cầu Temu kê khai nộp thuế, nếu không sẽ thanh tra, xử lý

11:53 | 27/10/2024

|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook… Ông cho biết sẽ yêu cầu thực hiện ngay việc rà soát thuế với sàn thương mại điện tử Temu.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook… Ông cho biết sẽ yêu cầu thực hiện ngay việc rà soát thuế với sàn thương mại điện tử Temu.

Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook

Sáng 26/10, trao đổi bên hàng lang Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã nghe và nhận được nhiều phản ánh từ nhiều phía, trong đó có ý kiến của các đại biểu Quốc hội về sàn thương mại điện tử Temu (Trung Quốc).

Ông Phớc đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo Tổng Cục thuế, đồng thời yêu cầu kiểm tra lại việc lập hồ sơ thu thuế đối với sàn thương mại điện tử Temu đang tiến hành đến bước nào.

Sau khi có chỉ đạo với Tổng Cục thuế, Phó Thủ tướng thông tin sàn thương mại điện tử Temu vừa xuất hiện, quảng cáo khá rầm rộ đối với người tiêu dùng Việt Nam. Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…

"Tổng Cục thuế đang cho kiểm tra dữ liệu và yêu cầu đến kê khai nộp thuế. Trường hợp không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý", Phó Thủ tướng thông tin.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Sẽ yêu cầu Temu kê khai nộp thuế, nếu không sẽ thanh tra, xử lý
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Như Ý

Cũng theo Phó Thủ tướng, hiện có 102 đơn vị đăng ký nộp thuế. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Google, Facebook, Microsoft… trong diện nộp thuế. "Điển hình như ở Hà Nội, vừa qua đã thu được 33 nghìn tỷ đồng tiền thuế", ông Phớc cho hay.

Không bắt kịp xu thế thời đại thì sẽ tụt hậu

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, trước sự phát triển như vũ bão trong thời đại công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI, buộc chúng ta phải thích ứng nhanh, bắt kịp xu thế thời đại, nếu không sẽ tụt hậu, bị bỏ lại phía sau.

“Ngay cả 4 tổng cục, chúng tôi cũng đang chỉ đạo phải thành lập từng nhóm, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo để áp dụng”, ông Hồ Đức Phớc nói.

Trao đổi về nguy cơ doanh nghiệp trong nước “thua ngay trên sân nhà”, sản xuất trong nước dễ bị đè bẹp, Phó Thủ tướng chia sẻ: Ngay từ năm 1996, khi còn làm trưởng phòng tài chính thị xã Cửa Lò (Nghệ An), ông đã có bài viết đăng trên báo, thể hiện quan điểm về vấn đề này. Cụ thể, cần phải ban hành luật về chống bán phá giá, để chống phá giá và độc quyền.

“Tôi ví dụ, có một vài ông kinh doanh, buôn bán xi măng trên cùng một dãy phố. Một ông nhiều vốn, bán xi măng dưới giá thành. Còn một ông ít vốn, phải vay ngân hàng, bán đắt hơn, không ai mua. Người tiêu dùng sẽ mua xi măng của ông bán giá rẻ. Khi ông này thâu tóm được bằng biện pháp đại hạ giá, rồi độc quyền khu vực. Sau đó ông ấy nâng giá lên mà không bị ai cạnh tranh”, ông Hồ Đức Phớc nêu.

“Doanh nghiệp nội buộc phải thích nghi và vươn lên. Bộ Tài chính mà không tập trung phát triển công nghệ thông tin là cũng sẽ tụt hậu ngay”, ông Phớc nói.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Sẽ yêu cầu Temu kê khai nộp thuế, nếu không sẽ thanh tra, xử lý
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…

Theo Phó Thủ tướng, vừa qua số thu ngân sách vượt 940 nghìn tỷ đồng trong 4 năm, vì có những giải pháp sáng tạo. Ví dụ như xuất hoá đơn điện tử, kết nối dữ liệu liên thông, kết nối máy tính tiền, hóa đơn may mắn, hay là xuất hóa đơn từng lần qua bán hàng, chống đầu cơ, chuyển nhượng trong bất động sản, rồi thu thuế sàn thương mại điện tử trong nước, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới…

“Một loạt các giải pháp được chúng tôi đưa ra để không bị trục lợi, thất thu thuế. Chúng tôi cũng phát động trong toàn ngành thuế với gần 40 nghìn người viết phần mềm đối chiếu các lần giao dịch, xác định giao dịch đáng ngờ để đánh giá, kiểm tra”, ông Hồ Đức Phớc cho hay.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết, Tổng Cục Thuế đã có yêu cầu và Temu đã đăng ký thuế.

“Temu phải nộp thuế theo quy định như các đơn vị kinh doanh, nhà cung cấp nước ngoài khác như facebook, google... Họ phải thực hành theo đúng luật đã rồi sẽ hậu kiểm, chia sẻ dữ liệu, xem kê khai có đúng không”, ông Sơn nói.

Lo ngại hàng hóa, doanh nghiệp nội bị đe dọa

Lo ngại hàng giá rẻ bán trên các sàn thương mại điện tử quốc tế, như Temu, Shein tràn vào Việt Nam khi chưa được cấp phép hoạt động, đe dọa hàng hóa, doanh nghiệp nội địa cũng là vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra khi thảo luận tổ về kinh tế, xã hội.

Từ đầu tháng 10, Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa công bố chính thức vào Việt Nam, nhưng người dùng có thể vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Hình thức kinh doanh của các sàn thương mại điện tử như Temu là C2B, tức kết nối trực tiếp người mua hàng với nhà sản xuất. Mô hình bán hàng giá rẻ tận xưởng giúp họ thu hút tập người dùng tìm kiếm sản phẩm giá rẻ.

Trước Temu, những nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc khác như Taobao, 1688, Shein đã tiếp cận thị trường Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nói “sản phẩm giá rẻ nước ngoài tràn vào qua kênh này sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước".

Ông cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, khi để xảy ra hiện tượng các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu chưa xin phép nhưng hoạt động rầm rộ ở Việt Nam.

"Chúng ta cần hành động, phải kiểm soát về chất lượng hàng hóa, chứ không thể buông lỏng", ông Cường nhấn mạnh và đề nghị cơ quan quản lý xem lại giải pháp về hàng rào thuế quan, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước. Cụ thể, cần xem xét, sửa chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng giá trị dưới 1 triệu đồng, khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT).

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu nói không nên cấm các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, như Temu hay Shein. Tuy vậy, theo ông Hiếu, Chính phủ cần rà soát hoạt động này để có biện pháp về thuế, quy tắc xuất xứ, xuất nhập khẩu để đảm bảo thương mại công bằng.

Bởi, cùng một mặt hàng, doanh nghiệp Việt nhập khẩu về sẽ phải nộp thuế, ghi nhãn xuất xứ, nhưng nếu bán qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu hay Shein thì không.

“Cơ quan quản lý rà soát toàn bộ hoạt động này, để có biện pháp phòng vệ thương mại theo luật Việt Nam, quốc tế. Đây là vấn đề lớn, Chính phủ cần có giải pháp ngay", theo lời ông Phan Đức Hiếu.

Thực tế, trước cơn lốc hàng giá rẻ của Temu, nhiều nước dè chừng. Indonesia ra lệnh cấm, Thái Lan tăng thuế còn Âu - Mỹ định siết các quy định hoạt động và nhập khẩu. Với Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhiều người tiêu dùng đều lo ngại về lỗ hổng pháp lý này đang mở đường cho hàng giá rẻ bên ngoài tràn vào nội địa.

Nguồn:Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Sẽ yêu cầu Temu kê khai nộp thuế, nếu không sẽ thanh tra, xử lý

PV

thuongtruong.com.vn