Tin ngân hàng ngày 22/7: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MSB tăng hơn 86%

11:22 | 22/07/2023

|
Vì sao 77 khoản nợ trước khi bán cho VAMC Sacombank không trích lập bổ sung dự phòng 2.403,8 tỉ đồng; Agribank dành 25.000 tỉ với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; BVBank tham gia gói tín dụng ưu đãi cho lâm, thủy sản… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 21/7: Quý II, lợi nhuận LPBank giảm hơn 50%Tin ngân hàng ngày 21/7: Quý II, lợi nhuận LPBank giảm hơn 50%
Tin ngân hàng ngày 20/7: PG Bank lãi trước thuế quý II hơn 150 tỷ đồng, tăng 27%Tin ngân hàng ngày 20/7: PG Bank lãi trước thuế quý II hơn 150 tỷ đồng, tăng 27%

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MSB tăng hơn 86%

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) hoàn thành trên 50% mục tiêu lợi nhuận năm với sự tăng trưởng ổn định của thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi.

Tin ngân hàng ngày 22/7: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MSB tăng hơn 86%
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 237.800 tỉ đồng, tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2022. Tổng cho vay khách hàng lũy kế 6 tháng đạt gần 136.600 tỉ đồng, tăng trưởng đạt 13,2% kể từ đầu năm 2023, cao hơn mức trung bình toàn ngành, với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiền gửi khách hàng lũy kế 6 tháng ghi nhận gần 126.300 tỉ đồng, tăng 7,8% so với cuối năm 2022, trong đó tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi ký quỹ có sự tăng trưởng tốt khi tăng lần lượt 24% và 30%.

Tổng thu thuần của MSB trong 6 tháng đầu năm đạt gần 6.400 tỉ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng hơn 86%, tỉ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động đạt trên 31%.

Bên cạnh việc kiểm soát mức tăng trưởng, chi phí của ngân hàng tiếp tục được tối ưu hóa. Chỉ số chi phí trên doanh thu (CIR) tính đến cuối tháng 6 là 30,41%. Nhờ chiến lược điều phối giữa quản lý chi phí và gia tăng hiệu quả sinh lời, lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế 6 tháng của nhà băng này đạt 3.548 tỉ đồng, tương đương 56% kế hoạch năm.

tỉ lệ nợ xấu (NPL) riêng lẻ tại 30/6/2023 kiểm soát ở mức 1,73%. Để đảm bảo các quy chuẩn về an toàn hoạt động và trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu do Covid-19, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho những kịch bản bất lợi hơn trong thời gian tới, ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng đầy đủ cho các rủi ro tín dụng.

Bên cạnh đó, tỉ lệ dư nợ trên huy động (LDR) và tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (Mtlt) cũng được duy trì và củng cố khi lần lượt đạt 68,31% (so với giới hạn 85%) và 31,92% (so với yêu cầu 37%). MSB cũng ghi nhận chỉ số an toàn vốn (CAR) riêng lẻ ở mức cao, đạt 12,7%.

Vì sao 77 khoản nợ trước khi bán cho VAMC Sacombank không trích lập bổ sung dự phòng 2.403,8 tỉ đồng?

Theo kết luận của thanh tra Chính phủ được công bố, 77 khoản vay trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đều phát sinh từ Ngân hàng Phương Nam. Căn cứ hiện trạng tại thời điểm sáp nhập, Sacombank tiếp tục theo dõi và xử lý những khoản vay này. Thực tế sau sáp nhập, nội lực tài chính của Sacombank còn hạn chế lại phải đối diện hàng loạt áp lực từ nợ xấu và tài sản tồn đọng tăng cao, khả năng hoạt động liên tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do đó, Sacombank đã trình NHNN xin được áp dụng một số cơ chế đặc thù về việc bán nợ VAMC, cũng như trích lập dự phòng theo năng lực tài chính để từng bước phục hồi hoạt động kinh doanh lõi, gia tăng nguồn lực để xử lý dần các tồn đọng theo lộ trình.

Trong thời gian chờ NHNN xem xét và trình Chính phủ phê duyệt, Sacombank đã bán cho VAMC các khoản vay này để giảm áp lực phải trích dự phòng ngay theo quy định. Đây là giải pháp tốt nhất mà Sacombank có thể thực hiện nhằm vừa đảm bảo an toàn hoạt động, vừa thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra trước đó theo lộ trình.

Đến nay, đối với các khoản vay đã bán nợ cho VAMC, Sacombank đã trích lập dự phòng đầy đủ theo Kết luận thanh tra và theo quy định. Một số khoản vay không thể khắc phục được, chúng tôi đã trích lập dự phòng 100% trái phiếu VAMC. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiêm túc nhìn nhận thiếu sót của mình, sẵn sàng khắc phục các tồn đọng cũng như kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan

Trong năm nay, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để trích lập dự phòng đủ 100% dự phòng đối với tất cả các khoản nợ đã bán VAMC này. Đồng thời, quyết liệt triển khai các biện pháp như đôn đốc khách hàng thanh toán, bán đấu giá tài sản/khoản nợ, khởi kiện… để xử lý thu hồi nợ.

Agribank dành 25.000 tỉ với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh ra thị trường quốc tế, Agribank triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ Khách hàng xuất, nhập khẩu năm 2023 cung cấp nguồn vốn dồi dào và linh hoạt với quy mô lên tới 25.000 tỉ đồng.

Đối tượng áp dụng của chương trình là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu (xuất khẩu gạo, thịt, thuỷ sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…; nhập khẩu đồ uống, phân bón, máy móc thiệt bị, xăng dầu, hoá mỹ phẩm, vật liệu xây dựng…). Chương trình áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn với phương thức cho vay đa dạng phù hợp với nhu cầu vốn lưu động của từng doanh nghiệp tham gia chương trình.

Lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn. Ngoài ưu đãi về lãi suất, các khách hàng tham gia chương trình còn được hưởng ưu đãi hấp dẫn về tỉ giá mua bán ngoại tệ, phí dịch vụ.

Cùng ngành ngân hàng đóng góp quan trọng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Agribank triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ khách hàng thông qua liên tục tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mới và hiện hữu; triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, cán bộ công nhân viên ngành y tế và cán bộ hưởng lương từ Ngân sách nhà nước.

Để được tư vấn thông tin chi tiết về Chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất nhập khẩu năm 2023 và các chương trình tín dụng ưu đãi khác của Agribank, khách hàng liên hệ các phòng giao dịch của Agribank trên toàn quốc.

BVBank tham gia gói tín dụng ưu đãi cho lâm, thủy sản

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) vừa cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước về việc tham gia hỗ trợ cho các khách hàng thuộc ngành lâm sản, thủy sản, BVBank dành 1.000 tỉ đồng cho vay với mức lãi suất thấp hơn từ 1 – 2% so với biểu lãi suất hiện hành.

Tin ngân hàng ngày 22/7: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MSB tăng hơn 86%
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Như vậy, tính đến ngày 21/7 đã có 13 ngân hàng tham gia gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho Lâm sản và Thủy sản đó là: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, SHB và BVBank. Quy mô của gói tín dụng cũng đã được mở rộng lên 16.000 tỉ.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN "Nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản"; trên cơ sở ý kiến thống nhất và các văn bản đăng ký tham gia của các ngân hàng thương mại; NHNN đã ban hành văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.

Các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.

Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường.

Ngoài dành gói tín dụng ưu đãi cho các khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân thuộc sản xuất, chế biến thuộc hai ngành nghề là lâm sản và thủy sản nói trên, BVBank cũng chú trọng triển khai các sản phẩm cho vay nông nghiệp như canh tác lúa, làng nghề, tín dụng xanh... để đồng hành hộ nông dân, doanh nghiệp nông sản...

Trên thị trường, BVBank là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Từ đầu năm tới nay, nhà băng này đã triển khai 4 đợt giảm lãi suất huy động, qua đó giảm đáng kể mặt bằng lãi suất cho vay tới khách hàng, mức giảm khoảng 1 – 1,5%/năm.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 22/7: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MSB tăng hơn 86%

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn