Tin ngân hàng ngày 5/6: Tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động

14:29 | 05/06/2023

|
Đề xuất sửa đổi gói hỗ trợ lãi suất 2% từ Ngân sách Nhà nước; Kênh trái phiếu chính phủ vẫn được ưu tiên; SeABank lọt top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 3/6: Thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động từ tháng 6Tin ngân hàng ngày 3/6: Thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động từ tháng 6
Tin ngân hàng ngày 2/6: Nhiều ngân hàng thanh lý xe sang và biệt thự để thu hồi nợTin ngân hàng ngày 2/6: Nhiều ngân hàng thanh lý xe sang và biệt thự để thu hồi nợ

Ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa tiếp tục điểu chỉnh giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 7,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh xuống 8,1%/năm, kỳ hạn 36 tháng chỉ còn 7,8%/năm.

Tin ngân hàng ngày 5/6: Tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động
Ngân hàng Quốc Dân tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Nam A Bank thì cho biết từ ngày 5/6 sẽ áp dụng biểu lãi suất mới. Trong đó, lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1 điểm % xuống 7,9%/năm. Kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống 7,8%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng còn 7,6%/năm.

Sau hơn 1 tuần liên tục điều chỉnh giảm, tại kỳ hạn 6 tháng hiện nay chỉ còn 3 ngân hàng trả lãi suất trên 8%/năm là GPBank (8,3%), ABBank (8,2%).

Ở các ngân hàng tư nhân khác, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn 6 tháng nằm trong khoảng 7,2 - 7,8%. Nhóm ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, ACB, SHB hiện huy động mức lãi suất 7,2 - 7,5% cho kỳ hạn này, thậm chí Sacombank và MB chỉ áp dụng lãi suất 6,8% và 6,6%.

Thấp nhất thị trường vẫn là nhóm Big 4 khi niêm yết 5,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng khi gửi tại quầy và khoảng 6%/năm khi gửi online.

Lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn 1 năm đang là 8,5%/năm tại ngân hàng GPBank. Ngoài GPBank, chỉ còn một số ngân hàng niêm yết lãi suất trên mức 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng như ABBank (8,3%), VietABank (8,2%), VIB (8,2%), PVComBank (8,2%), OCB (8,1%), BaoVietBank (8,1%).

Các ngân hàng tư nhân lớn hiện áp dụng mức lãi suất 7,2 - 7,8% cho kỳ hạn 12 tháng. Trong khi nhóm Big4 huy động kỳ hạn này với lãi suất chỉ khoảng 6,8%.

Như vậy, chênh lệch lãi suất kỳ hạn 12 tháng giữa các ngân hàng tư nhân và ngân hàng có vốn nhà nước hiện ở mức khá cao, trong khoảng 0,4 - 1,7 điểm %.

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán VnDirect cho biết, trong tháng 5, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh đã giảm 0,4 điểm % về mức 6,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,6 - 8,2%/năm, giảm gần 0,3 điểm % so với cuối tháng 4.

Tính từ đầu năm 2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng bình quân giảm khoảng 100 điểm cơ bản trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân giảm khoảng 0,8 điểm %.

Đề xuất sửa đổi gói hỗ trợ lãi suất 2% từ Ngân sách Nhà nước

Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có hiệu lực đến hết 31/12/2023. Ngân hàng Nhà nước dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế đến hết năm nay cũng chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng, tương đương chưa đến 6,5% tổng gói, tức là có đến trên 90% ngân sách hỗ trợ khó có thể giải ngân.

Để giúp chính sách phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến đã đề xuất cần có những thay đổi từ gói này, nhằm giúp nguồn tiền ngân sách được sử dụng kịp thời, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế.

Các chuyên gia đề xuất không tiếp tục sửa các tiêu chí, điều kiện để hưởng hỗ trợ lãi suất 2%. Thay vào đó, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, chuyển nguồn ngân sách sang cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện, bởi những vướng mắc hiện nay không dễ tìm ra giải pháp.

"Khả năng phục hồi chỉ ở thời điểm ta quyết định cho vay, còn sau này 2 - 3 năm nữa không biết như thế nào. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đều e ngại việc thanh, kiểm tra. Chúng ta đã nhận diện rõ nguyên nhân thì nên chuyển tiếp hoặc chuyển sang một gói khác để đảm bảo hiệu quả hơn", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nêu quan điểm.

Giả sử năm nay có giải ngân được như dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, vẫn còn hơn 37.000 tỷ đồng nữa. Nhiều kiến nghị cho rằng có thể chuyển nguồn tiền này thành các quỹ bảo lãnh tín dụng, với các điều kiện cho vay thông thoáng hơn, không yêu cầu thế chấp bằng bất động sản để tháo gỡ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Chuyển sang thành lập quỹ bảo lãnh quốc gia, gộp 26 quỹ địa phương lại thành quỹ chung, với nguồn vốn điều lệ ban đầu là 20.000 tỷ đồng cộng với 1.568 tỷ đồng của các quỹ địa phương để cho vay bảo lãnh tín chấp, vì theo quy định hiện tại, vẫn đòi hỏi bảo lãnh có tài sản thế chấp, phải cộng thêm 2% phí bảo lãnh nữa", ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị, nguồn vốn chưa dùng hết có thể chuyển sang các chính sách về tài khóa, hỗ trợ giảm thuế, phí trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.

Kênh trái phiếu chính phủ vẫn được ưu tiên

Trên thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp, tổng giá trị giao dịch tháng 5/2023 đạt 132.568 tỷ đồng, bình quân đạt 6.628 tỷ đồng/phiên, tăng 1,43% so với tháng trước, trong đó: giao dịch thông thường (outright) chiếm 56,69% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, còn lại là giao dịch mua đi bán lại (repos).

Lãi suất giao dịch bình quân của trái phiếu chính phủ do KBNN phát hành giảm nhiều nhất ở các kỳ hạn 25 năm, 25 - 30 năm và 7 năm, giảm tương ứng 36,49%, 22,77% và 14,58% so với cùng kỳ tháng trước, hiện đang đạt mức tương ứng khoảng 3,44%, 3,826% và 2,76%. Trong khi đó, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 - 25 năm có lợi suất giao dịch tăng 1,09% so với cùng kỳ tháng trước và hiện đang đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 4,35%.

Về kỳ hạn giao dịch, các kỳ hạn trung và dài hạn là các kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất toàn thị trường. Theo đó, giao dịch nhiều nhất trong tháng là kỳ hạn 10 năm, 15 năm, và 10 - 15 năm với tỷ trọng so với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường tương ứng là 25,75%; 18,02% và 11,40%.

Theo các chuyên gia của VCBS, giai đoạn này kênh đầu tư trái phiếu chính phủ là đang được cho là kênh đầu tư ưu tiên trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp do nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân thấp do: lãi suất cho vay ở mức cao; hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu chung.

“Với bối cảnh hiện tại, Chính phủ và các cơ quan quản lý đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong đó có thể kể đến các biện pháp liên quan đến kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay. VCBS đánh giá việc hoạt động sản xuất dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiến các biện pháp hỗ trợ cần thêm nhiều thời gian để phát huy hiệu quả. Như vậy, tín dụng sẽ chưa thể sớm tăng nhanh trở lại và kéo theo khả năng lợi suất sẽ còn dư địa để giảm thêm khi các kênh đầu tư thay thế chưa cho thấy được hiệu quả so với tương quan về rủi ro” - chuyên gia của VCBS phân tích.

SeABank lọt top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa lần thứ 3 liên tiếp được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG) trao tặng danh hiệu “Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng” nằm trong hệ thống giải thưởng “Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2022” (Vietnam Outstanding Banking Awards 2022 - VOBA 2022).

Tin ngân hàng ngày 5/6: Tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động
SeABank lọt top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Bên cạnh đó, SeABank cũng đón nhận cùng lúc 2 danh hiệu “Top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam” (Top 50 Vietnam Best Growth) và “Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam” (FAST500). Đây là năm thứ 4 SeABank được vinh danh trong bảng xếp hạng ý nghĩa này.

Năm 2022, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, SeABank cho biết đã chuyển hướng linh hoạt trong hoạt động kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tế, đa dạng hóa nguồn thu, tích cực phát triển mạnh công nghệ số.

Song hành với sự phát triển về kinh tế, SeABank chia sẻ luôn chú trọng đóng góp cho cộng đồng, coi đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngân hàng với rất nhiều hoạt động đa dạng, ý nghĩa và thiết thực.

Riêng trong năm 2022 SeABank cho hay đã đóng góp hơn 16 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội trong nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả thiên tai, gây quỹ từ thiện vì người nghèo, trao tặng học bổng trọn đời phổ thông cho các trẻ em nghèo, trao tặng nhà tình nghĩa...

Với sự tăng trưởng ổn định cùng nhiều đóng góp tích cực cho xã hội và cộng đồng, SeABank cho biết đã được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG) bình chọn và trao tặng danh hiệu “Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng” nằm trong hệ thống giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2022 (Vietnam Outstanding Banking Awards 2022 - VOBA 2022) năm thứ 3 liên tiếp.

Bên cạnh đó, SeABank cũng được Vietnam Report và báo Vietnamnet vinh danh trong “Top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam” và “Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam” ghi nhận sự phát triển bền vững của ngân hàng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: có hoạt động kinh doanh ổn định trong 4 năm liên tiếp; có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm về doanh thu (CAGR) trong 4 năm liên tiếp và hiệu quả kinh doanh (tổng tài sản, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn…) cao, ổn định; chấp hành tốt quy định pháp luật; có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội…

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 5/6: Tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động

Huy Tùng (T/h)

kinhtexaydung.petrotimes.vn