Bến Tre: Khai thác, phát huy hiệu quả khu, cụm công nghiệp

04:50 | 15/06/2023

|
Qua giám sát hiệu quả kêu gọi đầu tư lấp đầy khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã đánh giá thực trạng, với những kết quả ghi nhận và chỉ ra hạn chế, bất cập. Đồng thời, đoàn có những kiến nghị để phát huy hơn nữa hiệu quả các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.
Bến Tre: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hoa kiểng Cái MơnBến Tre: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hoa kiểng Cái Mơn
Bến Tre: Hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sảnBến Tre: Hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ (bìa phải) thăm công nhân lao động tại Khu công nghiệp Giao Long. Ảnh: Hoàng Trung

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ (bìa phải) thăm công nhân lao động tại Khu công nghiệp Giao Long. Ảnh: Hoàng Trung

Chưa đạt kỳ vọng

Tổng diện tích đất công nghiệp của KCN Giao Long (giai đoạn I và II), KCN An Hiệp và CCN Long Phước 211,88ha. Trong đó, đất cho thuê lấp đầy 196,88ha, còn 15ha đang làm thủ tục cho thuê (CCN Long Phước). Tỷ lệ lấp đầy toàn KCN, CCN đạt 93% diện tích đất công nghiệp. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 196,88ha, triển khai sản xuất 173,02ha, còn 23,86ha chưa đưa vào sản xuất; trong đó, có 7,2ha của Công ty Mía đường Bến Tre dừng sản xuất từ năm 2020 đến nay.

Trình độ công nghệ sản xuất trong KCN đạt mức độ trung bình, giá trị tăng thêm thấp, thâm dụng đất đai còn lớn, còn 38,86ha đất công nghiệp chưa đưa vào sản xuất. Trong đó, có 15ha đang làm thủ tục cho thuê, 23,86ha đã cho thuê nhưng chưa đưa vào sản xuất.

Năm 2022, toàn KCN, CCN đã tạo giá trị sản xuất 21.617,39 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 18.503,6 tỷ đồng; tham gia đóng góp ngân sách 1.080 tỷ đồng, chiếm 22% nguồn thu nội địa ngân sách tỉnh, góp phần quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, xem xét xuất xứ nguồn nguyên liệu sản xuất cho ngành dệt, may; ngành sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu trong KCN thì phần lớn nguồn nguyên liệu này được nhập khẩu và mua ngoài tỉnh. Riêng ngành công nghiệp chế biến dừa, cá tra xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu trong tỉnh; doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất gia công 100%. Toàn khu thì tỷ lệ sản xuất gia công 78%, công nghệ sản xuất phổ biến mức trung bình, thấp; mức thâm dụng lao động, đất đai cao, tạo giá trị tăng thêm cho kinh tế tỉnh chưa đạt kỳ vọng đầu tư.

Toàn tỉnh có 9 CCN được thành lập, tổng diện tích 329,3ha. Có 7 CCN đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 299,4ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 217,2ha; diện tích đất hạ tầng khác 82,2ha. Hiện tại, có 3 CCN đi vào hoạt động đã kêu gọi được DN đầu tư vào sản xuất. CCN Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm có tổng diện tích 73,68ha, diện tích đất công nghiệp 54,25ha, diện tích đất hạ tầng khác 19,43ha. CCN Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc có tổng diện tích 32,71ha, diện tích đất công nghiệp 23,37ha, diện tích đất hạ tầng khác 9,34ha. CCN Thị trấn - An Đức, huyện Ba Tri có tổng diện tích 35,5ha, diện tích đất công nghiệp 25,5ha, diện tích đất hạ tầng khác 10ha.

Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh vừa khảo sát 2 CCN Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm và Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc cho thấy: Tiến độ kêu gọi đầu tư lấp đầy CCN rất chậm. CCN Phong Nẫm cho thuê 33,37/54,25ha tổng diện tích đất công nghiệp của cụm, lấp đầy đạt 61,51% (3 DN đang đầu tư sản xuất). CCN Tân Thành Bình cho thuê 9,11/23,37ha tổng diện tích đất công nghiệp của cụm, lấp đầy đạt 38,98% (1 DN đang đầu tư sản xuất).

Xét trên tổng thể, hiệu quả sử dụng đất tại các CCN còn thấp, suất đầu tư/ha đất công nghiệp thấp và giá trị sản xuất/ha đất công nghiệp không cao. CCN chưa thực hiện tốt thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đô thị vào cụm, nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.

Nguyên nhân những hạn chế do ngân sách chưa đảm bảo kinh phí cho quy hoạch, xây dựng CNN, gồm: Xây dựng hạ tầng thiết yếu cho CCN và công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư. Cơ chế tạm ứng vốn của DN để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch đầu tư còn nhiều bất cập. Giá đền bù giải phóng mặt bằng theo thị trường rất cao (trung bình chi phí giải phóng mặt bằng từ 10 - 12 tỷ đồng/ha) không hấp dẫn nhà đầu tư...

Khai thác hiệu quả khu, cụm công nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Quới - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, qua giám sát, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị, UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành chức năng thực hiện một số nội dung sau: Đối với KCN (gồm CCN Long Phước) cần rà soát lại toàn bộ diện tích đất công nghiệp cho thuê chưa đưa vào sử dụng, buộc DN triển khai xây dựng đưa vào sản xuất theo lộ trình đăng ký đầu tư và kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật các trường hợp bỏ hoang hóa, gây lãng phí đất đai. Đầu tư nâng cấp công suất xử lý nước thải các bể xử lý nước thải tập trung trong KCN, đảm bảo an toàn môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý môi trường của từng DN, đảm bảo chuẩn xả thải vào bể xử lý tập trung và chuẩn xả thải ra môi trường, thực hiện công tác quan trắc môi trường theo quy định pháp luật. Tăng cường quản lý sản xuất của DN trong KCN, nắm chắc tình hình sản xuất, nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý sản xuất, quản lý thuế, thu ngân sách tỉnh. Hỗ trợ thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi giúp DN phát triển sản xuất. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hồi phục phát triển DN sau đại dịch Covid-19. Giúp hỗ trợ DN gắn kết với hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu sạch phục vụ chế biến xuất khẩu. Lấp đầy nhanh diện tích 15ha đất công nghiệp chưa cho thuê tại CCN Long Phước. Xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng đất của Công ty Mía đường Bến Tre trong KCN An Hiệp…

Đối với CCN, hỗ trợ kinh phí cho UBND huyện, thành phố thực hiện phương án phát triển CCN, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 các CCN trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố có CCN được quy hoạch quy mô đạt 70ha/cụm. Tập trung kinh phí hỗ trợ cho các CCN có triển vọng tốt (Phong Nẫm, Tân Thành Bình, Thị trấn - An Đức). Xây dựng hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, trước hết là hạ tầng môi trường cho CCN để đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư lấp đầy, phát triển sản xuất, góp phần vào tăng trưởng ngành công nghiệp tỉnh.

Ngân sách tỉnh xem xét hỗ trợ cho CCN các huyện, thành phố kinh phí giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, khu đô thị vào CCN. Hàng năm, UBND các huyện, thành phố dành một phần nguồn vốn đầu tư công của huyện, thành phố bố trí xây dựng hạ tầng CCN trên địa bàn. Quản lý, sử dụng đất công nghiệp trong CCN đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh trường hợp để DN thuê bao chiếm đất công nghiệp, lãng phí đất. Thực hiện tốt chính sách kêu gọi đầu tư; tích cực phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh quảng bá CCN, tìm đối tác, xúc tiến mời gọi đầu tư vào CCN.

Các KCN, CCN đã thu hút lao động, giải quyết việc làm cho gần 30.808 lao động, trong đó lĩnh vực công nghiệp dệt may xuất khẩu thu hút lượng lớn lao động. Thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng (số liệu năm 2020), góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu nhập dân cư nông thôn.

Nguồn: Khai thác, phát huy hiệu quả khu, cụm công nghiệp

Trần Quốc

baodongkhoi.vn