Tin bất động sản ngày 14/4: Đề nghị công an điều tra dự án khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc

11:00 | 14/04/2023

|
Bắc Giang mở rộng KCN Yên Lư thêm 208ha; TPHCM chấp thuận đề xuất lấy “đất vàng” Quận 1 làm nhà vệ sinh; Lâm Đồng tiến hành rà soát các dự án chậm đưa đất vào sử dụng…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 13/4: Giao dịch nhà đất tại Khánh Hòa có dấu hiệu phục hồiTin bất động sản ngày 13/4: Giao dịch nhà đất tại Khánh Hòa có dấu hiệu phục hồi
Tin bất động sản ngày 12/4: Hà Nội yêu cầu tháo gỡ định giá đất cho các dự ánTin bất động sản ngày 12/4: Hà Nội yêu cầu tháo gỡ định giá đất cho các dự án

Đề nghị công an điều tra dự án khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc

Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành dự thảo kết luận thanh tra, trong đó đề nghị công an vào cuộc điều tra dấu hiệu sai phạm của chủ đầu tư.

Tin bất động sản ngày 14/4: Đề nghị công an điều tra dự án khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc
Dự án Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Chiều 13/4, ông Nguyễn Đức Tiến, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết đã có tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét ban hành kết luận thanh tra toàn diện dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), do Công ty CP Tư vấn Đầu tư nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO (gọi tắt là Công ty STO) làm chủ đầu tư.

Ông Tiến xác nhận trong dự thảo kết luận thanh tra, Thanh tra tỉnh đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh vào cuộc điều tra về các dấu hiệu sai phạm của chủ đầu tư.

"Quá trình thanh tra cho thấy chủ đầu tư dự án là Công ty STO có nhiều vi phạm về việc chuyển nhượng dự án, hợp đồng góp vốn không đúng quy định. Ngoài ra, chủ đầu tư thực hiện hợp đồng với nhiều đơn vị khác triển khai thi công không đúng hợp đồng dẫn đến việc kiện tụng" - ông Tiến cho biết.

Theo tìm hiểu, tháng 11/2009, Công ty STO được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, đến tháng 3/2010 thì phê duyệt đầu tư xây dựng.

Dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được phê duyệt với diện tích lên đến 18,28 ha, tổng vốn đầu tư hơn 708 tỉ đồng. Mục đích xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, công trình dịch vụ và 3.688 căn hộ đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Theo quyết định phê duyệt, dự án được chia làm 3 giai đoạn với thời hạn hoàn thành, đưa vào sử dụng chậm nhất tháng 8/2018. Tuy nhiên, đến nay dự án bỏ hoang nhiều năm và chưa có hạng mục nào được hoàn thiện.

Nhiều năm qua, chủ đầu tư dự án triển khai xây dựng 3 khu nhà ở nhưng khu nào cũng dở dang. Dự án có khoảng 300 lô đất nền và 6 block chung cư nhưng mới chỉ xây dựng thô 2 chung cư, một chung cư đang đổ sàn rồi bỏ hoang, các khung sắt phơi nắng, phơi mưa đã hoen gỉ. Các con đường trong khuôn viên dự án chưa được thảm nhựa, hệ thống nước, điện chưa được đấu nối… Cả dự án rộng hàng chục hecta thì cây cỏ mọc um tùm, nhiều vật liệu xây dựng bị bỏ vương vãi khắp nơi.

Liên quan đến dự án này, từ năm 2021 đến nay, đại diện cho khoảng 300 người góp vốn, đặt cọc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án nhiều lần gửi đơn đến UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng tố đại diện chủ đầu tư "có hành vi lừa đảo" và đề nghị can thiệp để ra sổ cho họ.

Bắc Giang mở rộng KCN Yên Lư thêm 208ha

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) khu công nghiệp (KCN) Yên Lư (phần mở rộng), huyện Yên Dũng.

Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Yên Lư, huyện Yên Dũng. Ranh giới được giới hạn phía Bắc giáp kênh nông nghiệp và dân cư các thôn An Thái; thôn Tân Sơn 1; phía Nam giáp đất nông nghiệp và dân cư các thôn Yên Hà và thôn Yên Thịnh; phía Đông giáp KCN Yên Lư; phía Tây giáp khu dân cư thôn Yên Hà.

Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 208,14ha, trong đó diện tích KCN khoảng 204,85ha, diện tích ngoài KCN (đất giao thông và dân cư hiện trạng) khoảng 3,29ha.

KCN Yên Lư (phần mở rộng) có tính chất là KCN tổng hợp đa ngành, KCN công nghệ cao, công nghiệp không gây ô nhiễm. Trong đó thu hút các ngành công nghiệp theo định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, cụ thể: công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng; công nghiệp điện, điện tử, công nghệ thông tin; công nghiệp cơ khí, lắp ráp chế tạo máy, tự động hóa; các ngành công nghiệp có công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường như: công nghiệp tin học, phần mềm; công nghiệp chế biến sâu nông thủy sản, thực phẩm đồ uống; công nghiệp dược, thiết bị y tế, công nghiệp thủ công mỹ nghệ; công nghiệp hỗ trợ; Logistics, kho vận...

Theo giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan, đường ĐH5B (ĐT398) đoạn đi qua KCN Yên Lư (phần mở rộng) sẽ bố trí đường gom từ 9m - 15m, kết hợp linh hoạt giữa đường gom và đường nội bộ của KCN. Các khu hành chính dịch vụ phục vụ KCN được bố trí phân tán, nằm ở vị trí cửa ngõ KCN, tạo điều kiện thuận lợi khi giao dịch và quản lý điều hành. Khu vực bãi đỗ xe tập trung gồm 2 khu, nằm tại khu vực giữa hai đường điện cao thế. Khu vực cảnh quan xanh, không gian mở gồm các khu vực cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly và không gian mở công cộng khác.

Cây xanh cảnh quan quy hoạch bao quanh ranh giới KCN làm khoảng đệm sinh thái giữa KCN với các khu chức năng khác xung quanh. Các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật bố trí tại các vị trí thuận tiện cho việc vận hành, xả thải.

Đối với các lô đất công nghiệp giáp khu đất ở hiện trạng, công trình công cộng và đất ở quy hoạch mới được xác định đồng thời chỉ giới xây dựng công trình và khoảng cách hành lang an toàn về môi trường.

Những hạng mục chính ưu tiên đầu tư xây dựng bao gồm: Công trình khu hành chính, dịch vụ, kho, nhà xưởng sản xuất; hạ tầng kỹ thuật hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc và khu xử lý nước thải.

TP HCM chấp thuận đề xuất lấy “đất vàng” quận 1 làm nhà vệ sinh

Văn phòng UBND TP HCM vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường tại cuộc họp liên quan đến xây dựng và quản lý nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn.

Theo đó, lãnh đạo TP HCM chấp thuận đề xuất của UBND quận 1 về việc triển khai đầu tư, lắp đặt nhà vệ sinh công cộng tạm thời trên 5 vị trí đất đang để trống. Các khu đất bao gồm: số 135 Nguyễn Huệ, số 2-4-6 Nguyễn Huệ, số 8-12 Lê Duẩn, số 8 Nguyễn Trung Trực, số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Chi phí đầu tư xây dựng 5 cabin khoảng 3 tỷ đồng. Kích thước mỗi cabin dài 7,5m, rộng 4m, được thiết kế bằng vật liệu nhôm giả gỗ, hình dạng U hộp vuông.

UBND quận 1 được giao xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, xác định vị trí, diện tích, hình thức đầu tư, mẫu nhà vệ sinh. Đồng thời, thống nhất với nhà đầu tư cam kết tháo dỡ khi chủ đất triển khai dự án, không bồi thường khi tháo dỡ, không thu phí vệ sinh người sử dụng.

Ngoài ra, nhà đầu tư lắp đặt nhà vệ sinh phải tuân thủ Luật Kinh doanh và Luật quảng cáo, cam kết vận hành và duy trì đảm bảo sạch sẽ, văn minh. Quận 1 hỗ trợ pháp lý lắp đặt điện nước, đấu nối cống thu gom. Những nội dung trên phải được hoàn thành trước ngày 30/4/2023.

UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, hướng dẫn UBND quận 1 lựa chọn nhà đầu tư cho việc triển khai lắp đặt nhà vệ sinh công cộng tạm thời tại 5 vị trí được đề xuất.

Lâm Đồng tiến hành rà soát các dự án chậm đưa đất vào sử dụng

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc khẩn trương rà soát, tổng hợp báo cáo tổng số dự án đã được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Tin bất động sản ngày 14/4: Đề nghị công an điều tra dự án khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, tỉnh này sẽ rà soát các dự án chậm tiến độ, dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án sử dụng đất không đúng quy hoạch, không đúng mục đích sử dụng đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền; các nội dung khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý.

Riêng đối với UBND TP Đà Lạt, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị rà soát, báo cáo thêm các trường hợp thuê đất thuộc khuôn viên nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước của các tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật về đất đai, xử lý các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định.

Trước đó, Lâm Đồng buộc 3 dự án kéo dài hơn thập kỉ phải cam kết tiến độ. Theo đó, các chủ đầu tư các dự án phải cam kết tiến độ đầu tư triển khai, khắc phục hoàn toàn những sai phạm đã vi phạm trước đó. Đặc biệt, không được chuyển nhượng dự án hoặc tài sản trên đất trong thời gian được gia hạn và không hình thành đơn vị ở tại dự án, hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Hết thời gian gia hạn nhưng dự án chưa hoàn thành theo cam kết sẽ bị xử lý.

Nguồn:Tin bất động sản ngày 14/4: Đề nghị công an điều tra dự án khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc

kinhtexaydung.petrotimes.vn