Tin ngân hàng ngày 22/3: VPBank ngừng cung cấp biến động số dư qua SMS, nhiều người dùng bất ngờ

10:09 | 22/03/2022

|
Phó chủ tịch Techcombank Đỗ Tuấn Anh xin từ chức; OCB và HDBank trở thành nhà tạo lập thị trường tham gia giao dịch trái phiếu Outright; VIB huy động thành công 260 triệu USD khoản vay hợp vốn quốc tế từ các định chế tài chính…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật
Tin ngân hàng ngày 21/3: Agribank đấu giá bán khoản nợ của Doanh Nghiệp Tư Nhân Thanh Tùng để xử lí nợ xấuTin ngân hàng ngày 21/3: Agribank đấu giá bán khoản nợ của Doanh Nghiệp Tư Nhân Thanh Tùng để xử lí nợ xấu
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng chuẩn bị có biến động lớn về nhân sự cấp caoTin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng chuẩn bị có biến động lớn về nhân sự cấp cao

VPBank ngừng cung cấp biến động số dư qua SMS, nhiều người dùng bất ngờ

"Nhằm tiết kiệm chi phí cho khách hàng cũng như nâng cao trải nghiệm ngân hàng số, qua đó, giúp khách hàng chủ động và dễ dàng quản lý tập trung tất cả những biến động số dư của tài khoản, kể từ 14/3/2022, VPBank sẽ chính thức dừng cung cấp dịch vụ gửi thông báo biến động số dư qua SMS và thay thế bằng dịch vụ báo biến động số dư hoàn toàn miễn phí trên ứng dụng VPBank NEO", thông báo của VPBank mới đây cho biết.

Tin ngân hàng ngày 22/3: VPBank ngừng cung cấp biến động số dư qua SMS, nhiều người dùng bất ngờ
VPBank ngừng cung cấp biến động số dư qua SMS, nhiều người dùng bất ngờ

Điều đáng nói, thông báo được ngân hàng gửi đi trên ứng dụng ngân hàng số, không được đăng tải trên website hay gửi tin nhắn khiến nhiều người dùng không nắm được sự thay đổi này.

Chị Yến (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngày 14, 16/3, chị không nhận được tin nhắn biến động số dư nào, kể cả tiền chuyển đi và chuyển đến. "Người ta chuyển tiền cho mình, xác nhận là đã chuyển nhưng mình không thấy biến động số dư nên vẫn khăng khăng không nhận được. Phải khi vào trong App mới thấy tiền đã được cộng thêm".

Đem thắc mắc gọi lên tổng đài, chị Yến được giải đáp là do ngân hàng tự động hủy dịch vụ biến động số dư qua SMS, và thay đổi này đã được thông báo trên App. Nếu khách hàng vẫn muốn sử dụng dịch vụ thì cần vào phần cài đặt trên ứng dụng để đăng ký và chịu phí 12.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT).

Nhiều khách hàng cho rằng, khi có thay đổi quan trọng như vậy, ngân hàng cần thông báo email, tin nhắn SMS cho khách hàng thay vì thông báo trên App sẽ khó tiếp cận được thông tin, gây bất tiện trong giao dịch.

Được biết, trước đó, từ 12/5/2021, VPBank đã tăng phí SMS Banking thêm 2.000 đồng/tháng lên 12.000 đồng/tháng/thuê bao (chưa bao gồm VAT). Thời gian qua, VPBank cũng nhiều lần khuyến khích khách hàng chuyển đổi hình thức thông báo biến động số dư qua ứng dụng thay vì SMS banking để tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù phải trả phí, nhiều khách hàng vẫn muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ biến động số dư qua SMS vì tiện lợi, có thể nhận thông báo tức thì ngay cả khi không có Internet. Nhiều người dùng cũng không có thói quen vào ứng dụng thường xuyên để kiểm tra về biến động tài khoản.

Phó chủ tịch Techcombank Đỗ Tuấn Anh xin từ chức

Techcombank vừa cho biết Hội đồng quản trị ngân hàng đã nhận được đơn xin từ chức Phó Chủ tịch HĐQT của ông Đỗ Tuấn Anh.

Theo Ngân hàng, Hội đồng Quản trị tôn trọng quyết định cá nhân của ông Đỗ Tuấn Anh và sẽ trình Đại Hội Đồng Cổ Đông Thường niên năm 2022 của Techcombank, dự kiến vào cuối tháng 4/2022, thông qua phương án từ nhiệm và miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT Techcombank của ông Đỗ Tuấn Anh.

Trước đó, ông Tuấn Anh đã rời ghế Phó tổng giám đốc Techcombank từ giữa tháng 7/2020 nhưng vẫn là Phó chủ tịch HĐQT của nhà băng này, đồng thời rút dần vai trò điều hành trực tiếp. Đến tháng 8/2021, ông được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Tập đoàn KDI Holdings.

Ông Đỗ Tuấn Anh (sinh năm 1973) tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý tài sản đầu tư tại Đại học tổng hợp Quản lý Singapore và cử nhân Ngoại ngữ - Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Ông có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Techcombank và các tổ chức, doanh nghiệp khác.

Trên hành trình 15 năm đảm nhận các cương vị lãnh đạo tại Techcombank, ông Tuấn Anh đã tham gia dẫn dắt và thực hiện quá trình chuyển đổi chiến lược và xây dựng văn hóa tổ chức của ngân hàng trong hai giai đoạn chiến lược 2009-2014 và 2014-2019. Ông từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng gồm Trợ lý cao cấp HĐQT, Trưởng Ban Kiểm soát, Giám đốc Khối Chiến lược, Thành viên HĐQT, Quyền Tổng Giám đốc (2013-2015); Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng kiêm Phó Tổng Giám đốc (2015-2020) kiêm Giám đốc Khối Quản trị Ngân hàng.

OCB và HDBank trở thành nhà tạo lập thị trường tham gia giao dịch trái phiếu Outright

Mới đây, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết vừa chào đón thêm 2 ngân hàng mới tham gia Thỏa thuận tạo lập thị trường cho giao dịch Outright năm 2022.

Quyết định được đưa ra sau khi VBMA hoàn tất các thủ tục đánh giá và xét duyệt các điều kiện đối với các thành viên VBMA đăng ký tham gia MMA 2022. Theo đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) sẽ chính thức trở thành 2 nhà tạo lập thị trường mới trong năm 2022 này.

Giao dịch mua bán thông thường (Outright) là giao dịch Trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu TPCP cho một bên khác và không kèm theo cam kết mua lại TPCP.

Điều kiện để trở thành nhà tạo lập thị trường đối với TPCP bao gồm:

Thứ nhất, là ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Thứ hai, có vốn chủ sở hữu thực có trên báo cáo tài chính được kiểm toán của ba năm liền kề trước năm đăng ký làm nhà tạo lập thị trường không thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của pháp luật liên quan.

Thứ ba, có thời gian hoạt động tối thiểu là 03 năm. Trường hợp tổ chức nhận sáp nhập hoặc hình thành sau chia, tách, hợp nhất thì thời gian hoạt động được tính cả thời gian trước khi chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất.

Thứ tư, tham gia mua công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường sơ cấp và giao dịch trên thị trường thứ cấp với khối lượng tối thiểu do Bộ Tài chính quy định trong từng thời kỳ.

Với sự tham gia của ngân hàng OCB và ngân hàng HDBank, số lượng các nhà tạo lập thị trường của VBMA năm 2022 là 15 nhà tạo lập thị trường. Theo đó danh sách các nhà tạo lập thị trường năm nay là các ngân hàng:

VIB huy động thành công 260 triệu USD khoản vay hợp vốn quốc tế từ các định chế tài chính

Mới đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Quốc tế (VIB) công bố thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 260 triệu USD nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cá nhân kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh tài trợ vốn mua, sửa chữa nhà cho khách hàng cá nhân.

Tin ngân hàng ngày 22/3: VPBank ngừng cung cấp biến động số dư qua SMS, nhiều người dùng bất ngờ
Đại diện ADB, VIB, UOB và các bên tại lễ công bố

Theo thỏa thuận, đây là khoản vay tín chấp có thời hạn 3 năm, bao gồm khoản vay trực tiếp trị giá 100 triệu USD từ ADB và khoản vay hợp vốn trị giá 160 triệu USD do ADB và ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đồng thu xếp từ 9 định chế tài chính hàng đầu Châu Á.

Với thỏa thuận này, VIB và các đối tác sẽ đẩy mạnh tài trợ vốn cho các cá nhân để mua hoặc sửa chữa nhà ở và tài trợ vốn cho hoạt động kinh doanh của các cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), bao gồm các SME do phụ nữ làm chủ. Trong khuôn khổ thỏa thuận, VIB cũng hợp tác với ADB triển khai chương trình Hỗ trợ kỹ thuật dành cho các nữ doanh nhân với ngân sách 500.000 USD từ Quỹ sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (WE-FI). Đây là khoản hỗ trợ kỹ thuật đầu tiên của ADB cho một ngân hàng Việt Nam nhằm thúc đẩy tinh thần kinh doanh của phụ nữ.

Việc huy động thành công nguồn vốn nước ngoài góp phần khẳng định uy tín thương hiệu VIB trên thị trường tài chính quốc tế. Riêng tại Việt Nam, VIB liên tiếp dẫn đầu ngành về hiệu quả hoạt động nhờ nền tảng vận hành, số hóa và quản trị rủi ro vững chắc, hiệu quả, chuyển đổi thành công sang mô hình ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp với tỷ trọng cho vay bán lẻ gần 90% danh mục tín dụng, cao gấp đôi trung bình ngành.

Lũy kế 5 năm 2017 - 2021, lợi nhuận trước thuế của VIB tăng 11 lần; vốn và tổng tài sản đều tăng tốt gấp 3 lần. Từ năm 2018 đến nay, VIB liên tục thuộc top đầu ngành và vượt xa trung bình ngành về hiệu quả hoạt động với tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2021 đạt 31%, gấp 1,7 lần so với trung bình ngành ở mức 18%.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 22/3: VPBank ngừng cung cấp biến động số dư qua SMS, nhiều người dùng bất ngờ

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn