Tin ngân hàng ngày 24/5: Cổ đông ngoại giúp ngân hàng tăng cường năng lực tài chính và quản trị

14:59 | 24/05/2023

|
Xử lý nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm tài chính; Bảo hiểm Agribank bồi thường cho khách hàng bị lừa đảo trực tuyến; SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 23/5: TP HCM thu hút nguồn lực từ kiều hối bằng cách nào?Tin ngân hàng ngày 23/5: TP HCM thu hút nguồn lực từ kiều hối bằng cách nào?
Tin ngân hàng ngày 22/5: Ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu trước hạnTin ngân hàng ngày 22/5: Ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu trước hạn

Cổ đông ngoại giúp ngân hàng tăng cường năng lực tài chính và quản trị

Theo giới chuyên môn, các ngân hàng Việt Nam đang sử dụng đòn bẩy cao và chịu áp lực huy động vốn. Do vậy, tăng cường nguồn vốn của các ngân hàng là rất quan trọng đối với sự bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam.

Tin ngân hàng ngày 24/5: Cổ đông ngoại giúp ngân hàng tăng cường năng lực tài chính và quản trị
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Mặt khác, lộ trình giảm tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn được tạm hoãn trong giai đoạn dịch COVID bùng nổ, nhưng mọi thứ đã đi qua. Mức tỉ lệ tối đa giảm xuống còn 34% vào tháng 10/2022 và sẽ tiếp tục giảm còn 30% từ tháng 10/2023. Do đó, các ngân hàng có thể sẽ cần huy động thêm nguồn vốn trung và dài hạn trong thời gian tới.

Ngoài ra, việc bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp các ngân hàng thay đổi tích cực về tài chính, mà còn tạo điều kiện để nâng cao khả năng công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Theo ban lãnh đạo VPBank, khoản đầu tư của SMBC sẽ mang lại cho ngân hàng 35,9 nghìn tỉ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỉ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỉ đồng. Qua đó, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Vietcombank. Điều này cho phép VPBank có đủ sức mạnh tài chính để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng ở tất cả các phân khúc chiến lược.

“Bộ đệm vốn lớn cho phép ngân hàng thực hiện hóa các tham vọng của ngân hàng và các công ty trong hệ sinh thái”, Phó Tổng Giám đốc VPBank Lưu Thị Thảo nhấn mạnh.

Bên cạnh có một bước nhảy vọt về quy mô vốn, ban lãnh đạo VPBank nhận định những bí quyết và năng lực kinh doanh trên khắp thế giới của SMBC sẽ đưa ngân hàng trở thành một ngân hàng có năng lực quản trị rủi ro, cung cấp dịch vụ tài chính tốt nhất Việt Nam.

Tương tự, Ban lãnh đạo SHB cũng kỳ vọng với tiềm lực tài chính vững mạnh, công nghệ hiện đại - tiên tiến, kinh nghiệm quản trị lâu năm và sản phẩm dịch vụ đa dạng, các định chế nước ngoài với tư cách là cổ đông SHB sẽ hỗ trợ, đồng hành với ngân hàng để phát huy các thế mạnh sẵn có và nâng cao năng lực điều hành, mở rộng và phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, tiện ích cho khách hàng.

Xử lý nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm tài chính

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị kỷ luật kiểm điểm nghiêm khắc với những đơn vị làm sai nguyên tắc, chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ vụ việc ở một số tổ chức..

Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Tài chính gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung "xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân sai phạm tài chính đối với quyết toán ngân sách năm 2020" theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tính đến ngày 31/3/2023.

Theo đó, 1.444 tổ chức đã bị Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý. Bộ Tài chính đã tiến hành xử lý 1.295 tổ chức, đang xử lý 127 tổ chức và chưa xử lý 22 tổ chức.

Đối với cá nhân, 2.735 người đã bị Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý. Theo đó, Bộ Tài chính đã xử lý 2.519 cá nhân, đang xử lý 200 người và 16 người chưa xử lý.

Hình thức kỷ luật đối với các tổ chức làm sai nguyên tắc là kiểm điểm nghiêm khắc, một số tổ chức chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ vụ việc. Đồng thời, thu hồi số tiền phải nộp ngân sách do chi sai chế độ.

Số tổ chức đang xử lý là những đơn vị đến nay chưa nộp đủ số tiền phải nộp theo kết luận của đoàn kiểm toán và thanh tra, hoặc chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý, chưa có kết luận điều tra. Tuy vậy, theo báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương thì các tổ chức này sẽ nộp đủ số tiền phải nộp trong đầu năm 2023.

Theo Bộ Tài chính, việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là đối với người đứng đầu, trong việc để xảy ra sai phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước đã được thực hiện theo kết luận kiểm toán, thanh tra.

Đáng nói là số trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý vốn, tài sản nhà nước niên độ 2020 tăng mạnh so với niên độ 2019. Cụ thể, tập thể vi phạm từ 640 tổ chức trong niên độ 2019 tăng lên 1.444 tổ chức ở niên độ 2020, tức tăng 125,63%; cá nhân từ 1.198 lên 2.735 người, tăng 128,3%.

Bảo hiểm Agribank bồi thường cho khách hàng bị lừa đảo trực tuyến

Bảo hiểm Agribank vừa chi trả cho khách hàng sử dụng tài khoản của ngân hàng bị lừa đảo qua mạng với số tiền bồi thường 34,425 triệu đồng.

Sau khi thực hiện các bước xác minh, Bảo hiểm Agribank vừa tiến hành các thủ tục bồi thường cho ông Nguyễn Hữu Trí trú tại Khương Trung, Thanh Xuân Hà Nội - bị đối tượng giả mạo danh tính lừa đảo qua mạng, yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản của bên thứ ba.

Theo quy tắc bảo hiểm Bảo an tài khoản, sau khi trừ số tiền miễn thường, ông Trí được chi trả 34,425 triệu đồng đối với giao dịch được chuyển đi từ tài khoản Agribank.

Việc lừa đảo ngày càng tinh vi của các tội phạm công nghệ cao là mối nguy hại lớn đối với người dân. Dù được khuyến cáo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn có không ít trường hợp mắc bẫy như ông Trí.

Trước đó, ngày 11/4, ông Trí bị lừa đảo, thực hiện hai giao dịch chuyển khoản, trong đó có một giao dịch từ tài khoản Agribank với số tiền là 35 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, ông Trí phát hiện bị lừa nên đã trình báo công an phường Khương Trung và công an quận Thanh Xuân. Do có tham gia bảo hiểm Bảo an tài khoản tại Agribank nên ông cũng gọi tới đơn vị này để thông báo.

"May mắn là tôi đã tham gia sản phẩm bảo hiểm Bảo an tài khoản của Bảo hiểm Agribank nên được chi trả số tiền bồi thường bảo hiểm chuyển đi từ tài khoản Agribank, giúp giảm bớt thiệt hại bị lừa đảo", ông Trí cho biết

Bảo hiểm Bảo an tài khoản là sản phẩm bảo vệ khách hàng có tài khoản thanh toán tại Agribank trước những trước các rủi ro lừa đảo trực tuyến như: bị kẻ xấu mạo danh cơ quan chức năng, tổ chức tín dụng, tổng đài chăm sóc khách hàng...; người dùng đăng nhập vào các trang web giả mạo và bị lộ thông tin; bị tấn công bởi các phần mềm độc hại/virus...

Ngoài ra, Bảo hiểm Agribank còn bồi thường cho người được bảo hiểm các chi phí và thu nhập bị thiệt hại khi trở thành nạn nhân của trộm cắp danh tính trực tuyến như: chi phí thủ tục hồ sơ và công chứng theo yêu cầu của cơ quan quản lý, chi phí bưu chính, thu nhập bị mất trong thời gian nghỉ việc để khôi phục danh tính, phí đơn xin vay khi đăng ký lại các khoản vay do bị ảnh hưởng bởi việc mất cắp danh tính, chi phí mở lại thẻ tín dụng…

SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan (thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG, Nhật Bản) thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHBFinance).

Hai bên sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại sau 3 năm theo thỏa thuận đã ký.

Tin ngân hàng ngày 24/5: Cổ đông ngoại giúp ngân hàng tăng cường năng lực tài chính và quản trị
SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Như vậy, sau hơn một năm kể từ khi SHB và Krungsri ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào tháng 8/2021, hai bên đã hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết để tổ chức tín dụng hàng đầu Thái Lan này chính thức nắm giữ 50% vốn điều lệ tại SHBFinance.

Đồng thời, SHBFinance sẽ được chuyển đổi từ Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội thành Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội theo Quyết định và Giấy phép mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 25/4 vừa qua.

Ông Đỗ Quang Vinh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SHB cho biết giao dịch này sẽ mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB, tạo thêm nguồn lực để ngân hàng tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm. Đặc biệt, SHB sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa cho quá trình chuyển đổi số, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho SHB tại khu vực.

Với SHBFinance, sự tham gia trực tiếp của Krungsri - một định chế tài chính hàng đầu trong khu vực với nhiều kinh nghiệm - được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực mới và toàn diện cho SHBFinance trong việc đẩy nhanh thực hiện các kế hoạch trung và dài hạn theo các chuẩn mực quốc tế, cũng như trong chiến lược phát triển một công ty tài chính có thế mạnh hàng đầu Việt Nam về công nghệ và số hóa.

Với Krungsri, thông qua khoản đầu tư tại SHBFinance, ngân hàng Thái Lan này sẽ mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, cũng như tăng cường hoạt động kinh doanh tại khu vực. Bổ sung SHBFinance vào danh mục đầu tư, ngân hàng Krungsri đã củng cố vững chắc sự hiện diện tại 5 quốc gia ASEAN, đạt được những bước tiến lớn trong việc thực hiện cam kết kết nối nhu cầu của khách hàng trên toàn khu vực.

Nguồn:Tin ngân hàng ngày 24/5: Cổ đông ngoại giúp ngân hàng tăng cường năng lực tài chính và quản trị

Huy Tùng (T/h)

kinhtexaydung.petrotimes.vn