Tin ngân hàng ngày 29/7: Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

15:42 | 29/07/2022

|
Tín dụng tăng mạnh nhất 10 năm, Vietcombank có thể được nới room lên 19%; Sacombank đầu tư công nghệ, đổi mới chất lượng Trung tâm Dịch vụ Khách hàng và Telesales; Ngân hàng Bản Việt đạt lợi nhuận 355 tỷ đồng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 27/7: 75% doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được tín dụng chính thứcTin ngân hàng ngày 27/7: 75% doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được tín dụng chính thức
Tin ngân hàng ngày 26/7: Nợ xấu của ABBank gần 1.790 tỷ đồng, tăng 10,7%Tin ngân hàng ngày 26/7: Nợ xấu của ABBank gần 1.790 tỷ đồng, tăng 10,7%

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Lãi suất vay mượn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng, từ mức dưới 0,5% vào giữa tháng 6 năm nay lên hơn 5% một năm.

Tin ngân hàng ngày 29/7: Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh
Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 26/7, lãi suất bình quân liên ngân hàng (nơi các ngân hàng vay mượn nhau) đã tăng mạnh tại tất cả kỳ hạn.

Các ngân hàng đã vay mượn qua đêm gần 278.900 tỷ đồng với lãi suất hơn 5% một năm, tăng hơn 2,2 điểm phẩn trăm so với mức 2,8% cách đó vài ngày. Lãi suất các kỳ hạn khác như 1 tuần, 2 tuần cũng lần lượt lên 4,75% và 3,9% một năm...

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng gấp chục lần chỉ trong một tháng rưỡi khi nửa đầu tháng 6, lãi suất này ở dưới mức 0,5% một năm. Lãi suất các kỳ hạn 1,2 tuần cũng tăng gấp 2-4 lần.

Thanh khoản tiền đồng dư thừa và chênh lệch lãi suất USD so với tiền đồng nới rộng trong bối cảnh đồng đôla Mỹ mạnh lên, đã khiến tỷ giá USD/VND lên cao từ nửa đầu tháng 6.

Để hỗ trợ đồng nội tệ, Ngân hàng Nhà nước vào tuần cuối tháng 6 đã lần đầu tiên tái khởi động kênh hút tiền bằng tín phiếu sau hai năm đóng băng. Qua đó, một lượng lớn tiền đồng bị hút khỏi hệ thống khiến thanh khoản thiếu hụt, là nguyên nhân đẩy lãi suất liên ngân hàng liên tục đi lên.

Tới 22/7, Ngân hàng Nhà nước dừng hút tiền qua kênh tín phiếu. Ngược lại trong một tuần gần đây, nhà điều hành tạm thời đẩy mạnh bơm tiền để hỗ trợ thanh khoản có dấu hiệu căng thẳng, thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn (OMO).

Luỹ kế 4 phiên gần đây, nhà điều hành đã cung ứng cho hệ thống ngân hàng khoảng 45.000 tỷ đồng thông qua hình thức đấu thầu trên thị trường mở, nhưng lãi suất cũng không còn rẻ như trước.

Trong một tuần nay, việc mua kỳ hạn các giấy tờ có giá được Ngân hàng Nhà nước thực hiện thông qua hình thức đấu thầu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất OMO liên tục tăng lên mức 3,9% (27/7) so với mức 2,5% (22/7). Đây là lần đầu tiên lãi suất OMO tăng kể từ tháng 9/2020, phát đi thông điệp chấm dứt thời kỳ nguồn vốn giá rẻ cung ứng cho hệ thống ngân hàng.

Dù Ngân hàng Nhà nước tạm thời đảo chiều bơm tiền hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng vẫn đi lên. Trước diễn biến này, các nhà băng có vốn nhà nước có lợi thế về nguồn vốn rẻ cũng đã không thể đứng ngoài làn sóng tăng lãi suất huy động vốn đã rục rịch trong hai tháng trở lại đây.

Tín dụng tăng mạnh nhất 10 năm, Vietcombank có thể được nới room lên 19%

Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết tăng trưởng tín dụng của Vietcombank tính đến cuối quý 2/2022 đã lên tới 14,4%, tương ứng với mức tăng 6,9% so với cuối quý I. Với mức tăng này thì nhiều khả năng VCB và MBB là 2 ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nửa đầu năm 2022 và đây cũng là mức tăng trước tín dụng nhanh nhất trong 10 năm qua của Vietcombank.

Theo BVSC, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank được dẫn dắt bởi nhóm khách hàng cá nhân với mức tăng khoảng 17% và nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn với mức tăng khoảng 14%. Cuối quý 2/2022, Vietcombank chỉ nắm giữ 11.608 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 1,9% so với cuối năm trước và giảm 0,7% trong quý 2. Tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng của Vietcombank chỉ ở mức 1%.

Nhóm phân tích cho rằng, tăng trưởng tín dụng cả nước trong 6 tháng đầu năm đạt mức 9,34% trong khi kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ vào khoảng 14% thì dư địa hạn mức tín dụng cho các ngân hàng là tương đối hạn chế cho 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, với việc Vietcombank đã đề xuất nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng cũng như là ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế trong 2 năm đại dịch Covid-19 thì nhiều khả năng ngân hàng vẫn sẽ được giao hạn mức tín dụng tích cực với mức ước tính hạn mức tín dụng cả năm vào khoảng 18-19%

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động của Vietcombank đạt mức 4,9% tương ứng tăng 1,1% so với cuối quý I. Đây tiếp tục là mức tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng tín dụng.

Theo BVSC, Vietcombank đã giảm cho vay trên thị trường liên ngân hàng và dành nhiều nguồn vốn hơn cho mục đích cho vay khách hàng. Điều này đã kéo mức LDR thuần lên 92%, là mức cao lịch sử của Vietcombank nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với các ngân hàng thường mại cổ phần khác.

''Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh lạm phát kỳ vọng gia tăng cũng như NHNN có thể cấp thêm hạn mức tín dụng thì Vietcombank có thể gia tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi khách hàng nhưng Vietcombank sẽ chịu ít áp lực gia tăng lãi suất hơn các ngân hàng thương mại cổ phần khác'', BVSC đánh giá.

Theo BVSC, với mức giảm tương đối mạnh của nợ tái cơ cấu thì Vietcombank được hoàn nhập lại khoản trích lập dự phòng của những món nợ tái cơ cấu này. Tuy nhiên, chi phí dự phòng trong quý 2 vẫn cao hơn khá nhiều so với quý 1. Nhiều khả năng Vietcombank đã đẩy mạnh thực hiện trích lập dự phòng để tạo ra bộ đệm tốt hơn cho thời gian tới.

Sacombank đầu tư công nghệ, đổi mới chất lượng Trung tâm Dịch vụ Khách hàng và Telesales

Mới đây, Sacombank đưa vào hoạt động trụ sở mới Trung tâm Dịch vụ Khách hàng và Telesales tại địa chỉ 279 Lý Thường Kiệt, P.15, Q.11, TP Hồ Chí Minh với định hướng tập trung nguồn lực, nâng tầm hoạt động các trung tâm nhằm mang đến khách hàng những trải nghiệm vượt trội theo xu hướng “chăm sóc - bán hàng - chăm sóc”.

Đây là bước khởi tạo quan trọng cho mục tiêu ứng dụng công nghệ cao, tiến tới chuyển đổi số toàn diện công tác bán hàng, chăm sóc khách hàng, cũng như góp phần vào sự thành công của chiến lược chuyển đổi số Sacombank giai đoạn 2022 - 2026.

Mới đây, Sacombank cũng vừa bổ sung thêm hotline 1800 5858 88 miễn phí hoàn toàn cước tư vấn và cước dịch vụ cùng phím bấm được đơn giản hóa nhằm phục vụ khánh hàng tối ưu hơn, đây cũng là một trong những hoạt động của dự án đầu tư công nghệ - đổi mới chất lượng phục vụ của Sacombank. Ngoài việc phục vụ khách hàng 24/7 với đội ngũ chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp qua điện thoại, Trung tâm Dịch vụ khách hàng Sacombank còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo với hệ thống Trợ lý thông minh (Sari) tư vấn cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ phù hợp, gia tăng kết nối và giảm thời gian chờ đợi tiếp nhận cuộc gọi của khách hàng.

Sacombank là một trong số ít ngân hàng thành lập Trung tâm Dịch vụ Khách hàng từ năm 2009 với mong muốn kịp thời lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc, yêu cầu của khách hàng. Năm 2017, Trung tâm Telesales được thành lập nhằm mang sản phẩm dịch vụ Sacombank đến gần khách hàng hơn.

Ngoài tiếp nhận, tư vấn qua điện thoại và trợ lý thông minh (Sari) trên website Sacombank, Trung tâm Dịch vụ khách hàng Sacombank còn giải đáp thông tin cho khách hàng thông qua fanpage chính thức của Sacombank hoặc email.

Ngân hàng Bản Việt đạt lợi nhuận 355 tỷ đồng

Lợi nhuận của Bản Việt tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 22% kế hoạch; tổng tài sản hơn 82.000 tỷ đồng, sau 6 tháng đầu năm.

Tin ngân hàng ngày 29/7: Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh
Ngân hàng Bản Việt đạt lợi nhuận 355 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hoạt động kinh doanh Bản Việt nửa đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Dư nợ tín dụng đạt khoảng 51.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Hạng mục này tăng chủ yếu từ hoạt động tín dụng khách hàng cá nhân (chiếm gần 86% tăng ròng) với các sản phẩm cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất kinh doanh.

Trong kỳ, do diễn biến không thuận lợi của thị trường trái phiếu chính phủ nên thu nhập từ hoạt động kinh doanh này giảm mạnh so với cùng kỳ 2021. Tuy vậy, thu nhập lãi thuần tăng 17%, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 67% nên tổng thu nhập của ngân hàng vẫn tăng 11% so với cùng kỳ.

Chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả. Quy mô ngân hàng mở rộng với 18 đơn vị kinh doanh mới chỉ trong vòng 6 tháng. Tính đến 30/6, tổng tài sản của ngân hàng cán mốc hơn 82.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2021, đạt 85% kế hoạch của cả năm.Tổng huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 76.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Tổng số lượng khách hàng mới tăng trưởng hơn 55% so cùng kỳ, đặc biệt nhờ vào sự đẩy mạnh trên các kênh số.

Tháng 5, hệ thống ngân hàng tự động Digimi+ chính thức đi vào hoạt động. Tính năng nộp, rút tiền mặt bằng căn cước công dân (không chip hoặc gắn chip) lần đầu tiên có mặt trên thị trường, giúp các giao dịch tài chính thuận lợi hơn. Số lượng khách giao dịch thường xuyên và tổng số giao dịch trên kênh trực tuyến tăng gấp ba lần so với năm trước. Hàng tháng, số đăng ký giao dịch trực tuyến tăng gấp 5 lần năm 2021.

Bản Việt đồng thời xây dựng nền tảng hướng đến phát triển bền vững. Quý II/2022, Moody's xếp hạng Bản Việt với triển vọng ổn định. Ngân hàng được Ngân hàng Nhà Nước chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.600 tỷ đồng, lên mức 5.300 tỷ đồng.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 29/7: Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn