Tin ngân hàng ngày 3/5: HDBank hoàn thành 26% kế hoạch năm 2022

15:18 | 03/05/2022

|
Nhiều ngân hàng tiếp tục lãi lớn trong quý đầu năm; VPBank và SMBC ký kết hợp tác kinh doanh; Tháng 5/2022, lãi suất ngân hàng nào cao nhất… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 2/5: Hai ngân hàng yếu kém sắp được chuyển giao bắt buộcTin ngân hàng ngày 2/5: Hai ngân hàng yếu kém sắp được chuyển giao bắt buộc
Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Hơn 700.000 tỷ đồng được Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Hơn 700.000 tỷ đồng được "bơm" ra nền kinh tế trong 4 tháng

HDBank hoàn thành 26% kế hoạch năm 2022

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.528 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 26% kế hoạch năm. Thu thuần từ dịch vụ tăng trưởng trên 94%, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,17%.

Tin ngân hàng ngày 3/5: HDBank hoàn thành 26% kế hoạch năm 2022
HDBank hoàn thành 26% kế hoạch năm 2022/

Tại ngày 31/3/2022, tổng huy động vốn đạt trên 340 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt trên 234 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với 31/12/2021 với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính, bao gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tài chính tiêu dùng.

Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, các chuỗi cung ứng và phân phối, hộ gia đình vay vốn sản xuất kinh doanh, các chương trình tín dụng xanh, phát triển năng lượng tái tạo và hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường.

Song song, HDBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân, miễn giảm nhiều loại phí dịch vụ nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Với các chương trình kinh doanh sôi nổi ngay từ quý đầu năm, HDBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 5.122 tỷ, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Trong đó thu nhập thuần từ dịch vụ tăng trên 94% với đóng góp chính từ mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng và dịch vụ thanh toán, cho thấy dư địa tăng trưởng còn nhiều.

Các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 25,4% và 2,1%.

An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với chỉ số chất lượng. Nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,17%, tỷ lệ thấp trong ngành. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) trên 14,2%.

Chi phí hoạt động được tối ưu giúp hệ số chi phí/tổng thu nhập (CIR) đạt 37,6% tốt hơn mức 39,1% của quý I/2021, cho thấy rõ hiệu quả của các chương trình tự động hóa và số hóa công tác vận hành.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh tích cực, HDBank thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng đóng góp hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chăm lo công tác an sinh xã hội cho các hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều ngân hàng tiếp tục lãi lớn trong quý đầu năm

Báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu năm của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho thấy lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Ngân hàng này tiếp tục củng cố vị thế đầu ngành về tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Theo ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank, ngân hàng đã đạt kết quả kinh doanh tốt trong quý I/2022, tỉ suất sinh lời cao và ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ của các phân khúc khách hàng. "Sang quý II, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch, hàng không, các hạn chế đối với các hoạt động kinh tế trong nước đã được dỡ bỏ và nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh. Do đó, tiếp tục có những lý do để lạc quan" - CEO của Techcombank nói.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với các kết quả kinh doanh khả quan khi lợi nhuận trước thuế đạt tới 3.227 tỉ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ. Với mức lợi nhuận này, SHB đã vào tốp 5 ngân hàng cổ phần khối tư nhân có lợi nhuận cao nhất trong quý đầu năm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 vừa được công bố, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đạt lợi nhuận trước thuế 1.795 tỉ đồng, tăng trưởng 61,5% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi đóng góp tăng mạnh khi thu nhập lãi thuần đạt 2.875 tỉ đồng, tăng 40,2% so với cùng kỳ. Đại diện LienVietPostBank cho biết thành quả này đến từ việc tăng quy mô cho vay bán lẻ, thu hồi lãi của các khoản vay cơ cấu nợ do dịch Covid-19 và tối ưu được hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm với những thông tin tích cực như VPBank, MSB, Sacombank, HDBank.

VPBank và SMBC ký kết hợp tác kinh doanh

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã ký kết thành công biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai tập đoàn nói riêng và góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung.

Biên bản ghi nhớ được hai bên ký kết và trao đổi tại Hà Nội dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Đây cũng là một trong những thỏa thuận hợp tác kinh doanh đáng chú ý được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Việt Nam.

Bản MoU này là một bước tiến nữa của SMBC nhằm mở rộng sự hiện diện tại châu Á và củng cố ngân hàng số, một trong những mục tiêu trụ cột SMBC đã đặt ra trong Kế hoạch Quản lý trung hạn bắt đầu từ năm tài chính 2020 và kéo dài đến năm tài chính 2022. Trước đó, vào tháng 10, 2021, SMBC đã bắt tay hiện thực hóa kế hoạch này tại Việt Nam thông qua việc để cho Công ty Tài chính SMBC Consumer Finance, công ty con của tập đoàn, mua lại 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính VPBank SMBC (FE Credit).

Theo đánh giá của SMBC, VPBank là ngân hàng có hiện diện sâu rộng trong phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong những năm gần đây, VPBank đã và đang tập trung vào hoạt động số hóa các sản phẩm và dịch vụ tài chính. Ngân hàng hiện nằm trong top những tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng và lợi nhuận cao nhất.

Thông qua sự hợp tác mới được ký kết giữa hai tổ chức tín dụng, SMBC sẽ có vị thế tốt hơn để áp dụng chuyên môn tài chính, kết hợp với những kinh nghiệm của cả VPBank và SMBC được tích lũy trên thị trường tài chính, để cung cấp cho các khách hàng tại Việt Nam những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Sự kết hợp giữa hai tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam và Nhật Bản lần này sẽ đóng góp vào chặng đường phát triển tiếp theo của lĩnh vực tài chính Việt Nam.

Tháng 5/2022, lãi suất ngân hàng nào cao nhất?

Sang tháng 5, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, trong đó mức lãi suất cao nhất hiện nay lên tới 7,8%/năm đến từ Techcombank. Mức lãi suất này áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 999 tỷ đồng trở lên và sử dụng thêm sản phẩm bảo hiểm tại ngân hàng này.

Tin ngân hàng ngày 3/5: HDBank hoàn thành 26% kế hoạch năm 2022
Mức lãi suất cao nhất hiện nay lên tới 7,8%

Nằm trong top các ngân hàng có mức lãi suất trên 7%/năm còn có SCB với mức lãi suất 7,6%/năm; NamABank với 7,4%/năm; ACB, MSB và VietCapitalBank cùng chung mức lãi suất giao động từ 7 - 7,1%/năm.

VPBank mới đây cũng đã điều chỉnh mức lãi suất huy động tăng thêm 0,2% so với năm cũ, theo đó ngân hàng đã tăng mức lãi tiền gửi cao nhất lên đến 6,9%/năm đối với khách hàng gửi tiết kiệm online từ 50 tỷ đồng trở lên đối với kỳ hạn 36 tháng.

Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank vẫn không có sự điều chỉnh khác biệt nào so với trước đây, trong đó Vietinbank vẫn giữ mức lãi cao nhất là 5,6%/năm; 3 ngân hàng còn lại giữ mức 5,5%/năm.

Bên cạnh việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, nhiều ngân hàng hiện tại đã công bố thêm các chương trình khuyến mại, như MSB cũng tăng thêm 0,8% lãi suất khi gửi online so với mức lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy. Theo đó, nếu giao dịch gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng tại ngân hàng này, khách hàng sẽ nhận ngay lãi suất 7%/năm với kỳ hạn 15 tháng và 6,8% với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Đây là mức lãi suất thuộc nhóm cao nhất trên thị trường hiện nay.

MB cũng điều chỉnh lãi suất tăng 0,2%/năm tại kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng lên lần lượt 2,9% và 3%/năm; lãi suất kỳ hạn 36 tháng cũng tăng từ 6,4%/năm lên 6,6%/năm. Theo đánh giá của giới chuyên gia, diễn biến lãi suất huy động tăng do tác động từ nhiều yếu tố.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng bứt tốc ngay từ những tháng đầu năm kéo theo biên lợi nhuận thay đổi. Tính đến cuối tháng 3/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 5,04% (trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt 2,16%).

Điều này phần nào giải thích cho việc thanh khoản hệ thống có phần căng thẳng hơn trong thời gian vừa qua. Thể hiện rõ nhất ở chỉ báo lãi suất VND liên ngân hàng không còn loanh quanh 1%/năm mà nhảy lên vùng 2%/năm.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 3/5: HDBank hoàn thành 26% kế hoạch năm 2022

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn