Tin ngân hàng ngày 8/4: Eximbank giải trình với cổ đông việc bán cổ phiếu STB của Sacombank dưới mức giá tối thiểu

10:26 | 08/04/2022

|
NHNN kiểm soát các khoản cấp tín dụng vay vốn để đấu giá đất; Quý 1/2022, ACB ước lãi 4.200 tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng 5,2%; NHNN yêu cầu Eximbank giải trình với cổ đông việc bán cổ phiếu STB của Sacombank dưới mức giá tối thiểu…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật
Tin ngân hàng ngày 7/4: BAC A BANK miễn toàn bộ phí dịch vụ thẻ và ngân hàng điện tửTin ngân hàng ngày 7/4: BAC A BANK miễn toàn bộ phí dịch vụ thẻ và ngân hàng điện tử
Tin ngân hàng ngày 5/4: SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến 11.686 tỷ đồng, tăng 87%Tin ngân hàng ngày 5/4: SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến 11.686 tỷ đồng, tăng 87%

Cảnh báo chiêu trò kêu gọi đầu tư nhận lãi khủng ăn theo mùa dịch

Thời gian gần đây, trên không gian mạng nhiều ứng dụng, dự án kêu gọi đầu tư nhận lãi khủng đã xuất hiện và thu hút nhiều người tham gia.

Tin ngân hàng ngày 8/4: Eximbank giải trình với cổ đông việc bán cổ phiếu STB của Sacombank dưới mức giá tối thiểu
Cảnh báo chiêu trò kêu gọi đầu tư nhận lãi khủng ăn theo mùa dịch

Với lời quảng cáo như: Lợi nhuận cao từ 6 - 8%/ngày, cam kết rút gốc sau 3 tháng; chơi là chắc thắng… một ứng dụng ăn theo mùa dịch với tên gọi "đầu tư các cổ phiếu thuốc điều trị COVID-19" đang thu hút nhiều người tham gia. Mỗi mã chứng khoán trùng tên với một loại vaccine và thuốc kháng virus đang thịnh hành trên thế giới.

Làm nghề giáo viên nhưng nghỉ dịch ở nhà gần 1 năm nay, một cô giáo này đã rót gần 500 triệu đồng trích góp nhiều năm để đầu tư.

"Nó có nhiều vai lắm, có người điện cho tôi nói mở tài khoản, có người nói là bên phòng chống rủi ro", nạn nhân cho hay.

Tương tự, một ứng dụng khác với tên gọi beibeishou.com cũng đang kêu gọi người tham gia mua bán cổ phiếu vaccine COVID-19. Số tiền đầu tư được mời chào cũng không lớn, chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng nhưng lợi nhuận được nhận rất cao lên đến 25 - 30%. Người không đầu tư nhưng chỉ cần vào điểm danh cũng được trả từ 5.000 - 10.000 đồng/lượt.

"Vì ai cũng nghĩ vaccine là rất khan hiếm, nên cơ hội sinh lời sẽ rất cao. Nếu đầu tư không nhanh sẽ mất cơ hội. Tôi quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng", một người tham gia cho hay.

Tuy nhiên theo chuyện gia công nghệ, những website trên có nhiều dấu hiệu bất thường bởi mã nguồn các ứng dụng là không rõ nguồn gốc, thậm chỉ là chứa mã độc, được mua trôi nổi trên thị trường. Vì vậy, người tham gia sẽ đổi diện với những rủi ro mất tiền, hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc điều hành, Công ty An toàn thông tin CyRadar cho hay: "Thực chất về mặt công nghệ các website, các app này đều bị thao túng bởi kẻ tạo ra website".

"Không có một đối tượng lạ nào mà sẵn sàng giới thiệu cho chúng ta một mức lãi suất hàng chục, hàng trăm phần trăm trong một thời gian ngắn trong khi đối tượng không đầu tư mà lại giới thiệu cho chúng ta người rất xa lạ. Người dân hết sức cảnh giác", Thượng tá Lê Văn Dĩnh - Phó trưởng phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cảnh báo.

NHNN kiểm soát các khoản cấp tín dụng vay vốn để đấu giá đất

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)vừa có công văn số 1976/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động; trong đó thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao thực hiện trong năm 2022, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng; trong đó, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.

Công văn cũng nêu rõ để chuẩn bị việc xây dựng phương án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động đến ngày 31/12/2021, thời điểm gần nhất và rà soát tình hình, kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Quý 1/2022, ACB ước lãi 4.200 tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng 5,2%

Sáng 7/4, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, trong quý 1 năm nay, ngân hàng tăng trưởng tín dụng khoảng 5,2% so với cuối năm 2021, huy động vốn tăng 6,2% và lợi nhuận ước khoảng 4.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,74%.

Mảng dịch vụ và bảo hiểm đều tăng trưởng tốt. Thu nhập ngoài lãi đạt khoảng 1.300 tỷ, bancasurance dẫn đầu thị trường. Hiện tỷ lệ CASA của ngân hàng khoảng 27%, với lợi thế về ngân hàng số, mục tiêu cuối năm Casa khoảng 28 - 29% là khả thi.

Trong năm nay ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16% (đầu năm NHNN giao chỉ tiêu 10%), phí dịch vụ và banca cũng sẽ tăng trưởng tốt.

Vừa qua ACB có trích lập dự phòng khoảng 2.300 tỷ đồng do ảnh hưởng của Covid -19, theo ông Từ Tiến Phát nếu tình hình khả quan thì khoản này sẽ hoàn nhập và tạo ra một khoảng thu nhập bất thường cho ACB trong năm nay.

Được biết, trong kế hoạch kinh doanh năm 2022 trình tại đại hội, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 11% lên 588.187 tỷ đồng; Tiền gửi của khách hàng tăng 11% lên 421.897 tỷ đồng; Dư nợ cho vay khách hàng dự kiến tăng 10% lên 398.299 tỷ đồng và Lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức hơn 15.000 tỷ đồng.

Kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 (thực hiện trong năm 2023), lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông kế hoạch chia tỷ lệ 25% trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Yêu cầu Eximbank giải trình với cổ đông việc bán cổ phiếu STB của Sacombank dưới mức giá tối thiểu

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank - EIB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Tin ngân hàng ngày 8/4: Eximbank giải trình với cổ đông việc bán cổ phiếu STB của Sacombank dưới mức giá tối thiểu

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, Eximbank sẽ báo cáo ĐHĐCĐ về kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank dù việc thoái vốn đã được thực hiện cách đây 4 năm.

Cụ thể, ngày 7/5/2018, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản gửi tới Eximbank, trong đó yêu cầu HĐQT Eximbank phải báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất, trong đó, báo cáo đầy đủ việc chuyển nhượng cổ phiếu STB dưới mức giá tối thiểu 13.000 đồng/cp dẫn tới làm giảm thu nhập của Eximbank để Đại hội đồng cổ đông có ý kiến về vấn đề này. Trường hợp Đại hội đồng cổ đông thống nhất thông qua, HĐQT, BKS, Ban điều hành Eximbank phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tự đề xuất xử lý đối với tổ chức/cá nhân có liên quan.

Trường hợp Đại hội đồng cổ đông Eximbank không thống nhất/thông qua hoặc yêu cầu xem xét trách nhiệm đối với nội dung này, HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành Eximbank phải xác định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền hơn 6,3 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế, và phí), đồng thời, xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những thiệt hại/tổn thất gây ra cho ngân hàng.

Mức giá tối thiểu 13.000 đồng/cp được nêu tại Phương án chuyển nhượng của Eximbank trong Văn bản số 5287A/2017/EIB-TGĐ ngày 16/8/2017 và được sự chấp thuận của Cục thanh tra, giám sát Ngân hàng TP.HCM tại văn bản số 1503/Cục II.4.

Văn bản của NHNN từ năm 2018 nhưng Đại hội đồng cổ đông năm 2022 Eximbank mới báo cáo với cổ đông. Từ năm 2018 đến nay, vấn đề này cũng chưa từng được đưa vào nội dung chương trình họp ĐHĐCĐ các năm.

Ngân hàng này cũng liên tục không tổ chức thành công ĐHĐCĐ trong 4 năm qua, mãi đến tháng 2/2022 mới tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần 2.

Ngoài việc báo cáo kết quả thoái vốn khỏi Sacombank, tại ĐHĐCĐ, Eximbank cũng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng khá cao, ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 7,9% lên 179.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 7,4% đạt 147.600 tỷ, dư nợ cấp tín dụng tăng 10% đạt 127.149 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 2.500 tỷ, tăng 107,5% so với năm 2021. Ngân hàng cũng có kế hoạch giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,96% cuối năm 2021 xuống dưới 1,7% trong năm 2022.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 8/4: Eximbank giải trình với cổ đông việc bán cổ phiếu STB của Sacombank dưới mức giá tối thiểu

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn