Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Chất lượng nợ xấu giảm, ACB có khả năng mất vốn tăng gần 60%

17:03 | 31/07/2022

|
Dư nợ tín dụng bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng; "Chuyển đổi số ngân hàng Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực"; Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ lao dốc về 0%, Ngân hàng Nhà nước dừng bơm tiền; 6 tháng đầu năm, lợi nhuận HDBank đạt 5.304 tỷ đồng, hoàn thành 54% kế hoạch năm... là những tin tức tài chính, ngân hàng nổi bật tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 30/7: Doanh nghiệp mong được kéo dài nợ hết năm 2022Tin ngân hàng ngày 30/7: Doanh nghiệp mong được kéo dài nợ hết năm 2022
Tin ngân hàng ngày 29/7: Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnhTin ngân hàng ngày 29/7: Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Chất lượng nợ xấu giảm, ACB có khả năng mất vốn tăng gần 60%

Ngân hàng Á Châu (ACB) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng với mức lãi trước thuế 9.028 tỷ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch cả năm và tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý II, ACB ghi nhận lợi nhuận 4.900 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ 2021.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Chất lượng nợ xấu giảm, ACB có khả năng mất vốn tăng gần 60%
Chất lượng nợ xấu giảm, ACB có khả năng mất vốn tăng gần 60%/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Về cơ cấu thu nhập, nguồn thu chủ yếu của ngân hàng này đến từ lãi thuần. Thu nhập lãi thuần tăng 12% so cùng kỳ lên 5.606 tỷ đồng (chiếm hơn 80%), hoạt động dịch vụ đem về khoản lãi hơn 993 tỷ đồng, tăng 12%, chiếm tỷ lệ 14%, lãi từ hoạt động khác ghi nhận trong kỳ đạt 356 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 21 tỷ của năm trước.

Ở các mảng kinh doanh ngoài tín dụng còn lại như ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, ACB đều ghi nhận tăng trưởng âm như kinh doanh ngoại hối giảm 37%, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 59%, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đã khiến ACB phải gánh khoản lỗ gần 227 tỷ đồng.

Trong kỳ, ACB được hoàn nhập hơn 267 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ trích dự phòng hơn 1,386 tỷ đồng. Kết quả, ngân hàng đã thu về 4.914 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 2, tăng 51% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng tương ứng, đạt 3.943 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB ghi nhận 13.800 tỷ thu nhập và lãi trước thuế hơn 9.028 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Đến cuối tháng 6, ACB có tổng tài sản cân đối với nguồn vốn trên 543.700 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, hai chỉ tiêu quan trọng nhất của ngân hàng là tiền gửi khách hàng đạt trên 388.100 tỷ và cho vay khách hàng đạt gần 395.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,2% và 9,3% so với đầu năm.

Theo báo cáo của ACB, đến cuối tháng 6, Công ty Chứng khoán ACBS đang có khoản cho vay giao dịch ký quỹ (margin) hơn 3.400 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm. Nếu loại trừ khoản cho vay margin này, dư nợ cho vay khách hàng của riêng ngân hàng mẹ hiện vào khoảng 392.192 tỷ.

Một điểm trừ trong hoạt động kinh doanh của ACB kỳ này là chất lượng nợ xấu giảm. Nợ xấu của ACB tăng mạnh chủ yếu đến từ việc nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gần 60% so với cùng kỳ và chiếm 73% tổng nợ xấu (2.998,2 tỷ đồng). Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ giảm mạnh nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 0,78% đầu năm xuống còn 0,76%.

Nợ xấu tăng lên khá cao, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng chung hơn 9% (khoảng 236 tỷ đồng) lên mức 2.924 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng

Theo NHNN, dư nợ tín dụng BĐS đến cuối tháng 6/2022 đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng tín dụng toàn hệ thống và tăng 14,07% so với cuối năm 2021, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống và cùng kỳ các năm trước. Tín dụng ngân hàng chỉ giải quyết được các vấn đề trước mắt, tạm thời đối với thị trường BĐS về nguồn vốn cho sự phát triển của thị trường này. Về lâu dài, để phát triển thị trường BĐS lành mạnh, bền vững cần có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn đa dạng, an toàn, hiệu quả, hỗ trợ thị trường BĐS.

Tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào BĐS sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung; do nhu cầu tín dụng đối với lĩnh vực BĐS thường có thời gian vay vốn dài (hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng BĐS có thời gian vay vốn từ 10-25 năm), trong khi nguồn huy động của hệ thống TCTD chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường (80% nguồn vốn huy động của hệ thống TCTD là tiền gửi ngắn hạn), vì vậy TCTD sẽ đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng được nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân.

"Do đó, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thời gian qua, thông qua việc thường xuyên rà soát, hoàn thiện văn bản pháp lý về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD (trong đó có lộ trình điều chỉnh giảm dần tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn), tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, đặc biệt là tín dụng BĐS", NHNN cho biết.

"Chuyển đổi số ngân hàng Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực"

Ngày 28/7, tại buổi họp báo công bố sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngàng ngân hàng, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực, cao hơn cả mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Chất lượng nợ xấu giảm, ACB có khả năng mất vốn tăng gần 60%
"Chuyển đổi số ngân hàng Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực"/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Để triển khai hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác Chuyển đổi số ngành ngân hàng do Thống đốc NHNN làm Trưởng ban, 2 Phó Thống đốc làm Phó Trưởng ban và Thành viên là người đứng đầu các Vụ, Cục chức năng của NHNN và một số ngân hàng thương mại lớn.

Vụ Thanh toán NHNN cho biết, hoạt động đầu tư cho chuyển đổi số đang được các NHTM chú trọng, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).

Hiện đã có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC).

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở Top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% năm 2025.

Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc CMCN 4.0, tạo thuận lợi và thúc đẩy chuyển đổi số; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc cung ứng các sản phẩm số; tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

Cùng với đó, ngành ngân hàng sẽ ưu tiên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số vào hoạt động ngân hàng; ưu tiên phát triển ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, trong đó lấy thanh toán số làm cửa ngõ để kết nối liền mạch với các dịch vụ ngân hàng khác như huy động, cho vay, đầu tư, bảo hiểm... và giao tiếp thuận tiện với các hệ sinh thái số bên ngoài nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với chi phí hợp lý và sự tường minh.

Ngoài ra, cần chú trọng công tác nhân sự, coi nguồn nhân lực có chất lượng là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi số ngân hàng.

Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ lao dốc về 0%, Ngân hàng Nhà nước dừng bơm tiền

Thị trường liên ngân hàng vừa trải qua một tuần sóng gió. Sau khi đột ngột tăng mạnh trước thềm Fed tăng lãi suất, lãi suất đã hạ nhiệt nhanh chóng. Trong phiên giao dịch ngày 30/7, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn.

Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm hiện chỉ còn 0,78%/năm. Trước đó, đầu tuần này, lãi suất cho vay qua đêm đột ngột vọt tăng cao, lên tới 5,01% ngày 26/7 (ngày Fed tổ chức phiên họp chính sách bàn về việc tăng lãi suất). Như vậy, so với phiên giao dịch trước ngày Fed tăng lãi suất, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm tới 84% và trở về mốc cuối tháng 6/2022 - thời điểm thanh khoản hệ thống dồi dào và Ngân hàng Nhà nước liên tục rút tiền về.

Không chỉ lãi suất cho vay qua đêm mà lãi suất cho vay các kỳ hạn khác trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm mạnh dù quy mô giao dịch vẫn tăng (trên 300.000 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch qua đêm). Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 1,49%/năm, kỳ hạn 2 tuần là 2,46%/năm, kỳ hạn 1 tháng là 2,8%/năm. Trong phiên giao dịch ngà 28/7, lãi suất các kỳ hạn tương ứng trên là: 4,7%, 3,1%, 4,48%.

Cùng với việc lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, ngày 30/7, Ngân hàng Nhà nước cũng không thực hiện phiên chào thầu nào trên thị trường mở. Trong 5 phiên chào thầu diễn ra tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bơm ra thị trường 46.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, diễn biến trên thị trường liên ngân hàng tuần qua là do ảnh hưởng của việc Fed tiếp tục tăng lãi suất. Theo đó, thị trường phản ứng tiêu cực trước khi có thông tin chính thức song đã nhanh chóng bình ổn trở lại khi mức tăng lãi suất của Fed không khác biệt so với dự đoán của thị trường.

Ngay sau khi Fed tăng lãi suất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục chống đô la hóa, vàng hóa hiệu quả; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vào sản xuất kinh doanh, phát triển bất động sản khu công nghiệp, nhà ở xã hội.

6 tháng đầu năm, lợi nhuận HDBank đạt 5.304 tỷ đồng, hoàn thành 54% kế hoạch năm

Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank - mã chứng khoán HDB) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 5.304 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ và hoàn thành 54% kế hoạch năm. Thu thuần từ dịch vụ riêng lẻ tăng trên 113%, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Chất lượng nợ xấu giảm, ACB có khả năng mất vốn tăng gần 60%
6 tháng đầu năm, lợi nhuận HDBank đạt 5.304 tỷ đồng, hoàn thành 54% kế hoạch năm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, trong quý 2, toàn bộ các chỉ tiêu kinh doanh của HDBank đều tăng trưởng cao cả về quy mô và chất lượng. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 5.582 tỷ, tăng 31,2% so với cùng kỳ quý 2/2021. Lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 2.776 tỷ, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm tổng thu nhập hoạt động đạt 10.704 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó thu nhập thuần từ lãi tăng 25,8%, thu nhập ngoài lãi tăng 32,6%. Đặc biệt mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục khởi sắc mạnh mẽ với thu nhập thuần gấp hai lần cùng kỳ.

Ngân hàng quản trị hiệu quả chi phí đồng thời ứng dụng công nghệ số để gia tăng năng suất lao động và quản trị rủi ro, giúp chi phí hoạt động 6 tháng đầu năm chỉ tăng 19,4% so với cùng kỳ. Hệ số chi phí hoạt động/tổng thu nhập hoạt động cải thiện lên 37% từ mức 39,4% cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lãi ròng trên vốn chủ sở hữu (ROAE) và lãi ròng trên tài sản (ROAA) đạt lần lượt 25,6% và 2,24%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước.

Các chỉ tiêu an toàn hoạt động được đảm bảo ở mức tốt với hệ số an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) đạt 14,9%, mức cao dẫn đầu toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng lẻ đạt mức an toàn cao 109%.

HDBank đang triển khai kế hoạch tăng vốn được ĐHĐCĐ chấp thuận thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, với tỷ lệ phân phối 25%. Khi hoàn tất vốn điều lệ sẽ tăng từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng. Việc tái đầu tư lợi nhuận tích lũy cho hoạt động kinh doanh giúp HDBank có thêm nguồn lực cho các kế hoạch tăng trưởng cao và gia tăng lợi nhuận theo chiến lược được cổ đông phê duyệt.

Tại ngày 30/6/2022, tổng huy động vốn đạt trên 340 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt trên 245 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với 31/12/2021. Khách hàng khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, các chuỗi cung ứng và phân phối, kinh tế hộ gia đình, tiểu thương, các chương trình tín dụng xanh được HDBank ưu tiên cấp tín dụng.

Nguồn; Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Chất lượng nợ xấu giảm, ACB có khả năng mất vốn tăng gần 60%

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn