Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: NHNN hạ trần lãi suất huy động

11:35 | 02/04/2023

|
Lãi suất liên ngân hàng tiếp đà giảm sâu về hơn 1%; Năm 2023, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận 6,300 tỷ đồng; Hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt trên 2%; Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế 22,000 tỷ đồng trong năm 2023… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 1/4: Tỷ lệ nợ xấu của HDBank thấp so với toàn ngànhTin ngân hàng ngày 1/4: Tỷ lệ nợ xấu của HDBank thấp so với toàn ngành
Tin ngân hàng ngày 31/3: Phát hiện nhiều sai phạm về bảo hiểm liên kết với ngân hàngTin ngân hàng ngày 31/3: Phát hiện nhiều sai phạm về bảo hiểm liên kết với ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất huy động

Ngân hàng Nhà nước cuối ngày 31/3 thông báo giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5,5% một năm. Quyết định giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 3/4.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất huy động
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1% xuống 0,5% một năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống 5,5% một năm. Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5% xuống 6% một năm.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.

Ngoài việc giảm trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành. Trong đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5,5%, áp dụng từ đầu tuần tới.

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động trong gần 3 năm gần đây. Còn hai lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 9 và 10 năm ngoái, trần lãi suất huy động đã tăng 0,3-1% một năm.

Trước đó, hôm 14/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm 1% các loại lãi suất điều hành gồm tái chiết khấu và cho vay qua đêm. Giảm lãi suất điều hành, theo Ngân hàng Nhà nước là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới". Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong họp báo thường kỳ ngày 31/3, đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá tác động từ cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng gần đây tại Mỹ và châu Âu "không tác động nhiều đến hệ thống ngân hàng trong nước".

Tình hình thanh khoản, chất lượng tài sản, chuẩn mực quản trị của hệ thống đã nâng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn 2008. "Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự cần biện pháp can thiệp gì tới thị trường khi đệm thanh khoản ở mức tốt, các nhà băng hiện nay có thể chống chọi được với cú sốc", đại diện cơ quan điều hành đánh giá.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp đà giảm sâu về hơn 1%

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 23/3, lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ còn 1,34%/năm, tương đương giảm 0,21 điểm % so với phiên ngày 22/3 và giảm hơn 5 điểm % từ mức khá cao tại thời điểm đầu tháng 3 (6,38%/năm). Đây cũng là mức thấp nhất kể tháng 7/2022.

Tương tự, lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng cũng giảm 0,06 - 0,16 điểm %, xuống lần lượt 1,82%/năm và 4,38%/năm. Trong khi lãi suất tại kỳ hạn 2 tuần tăng trở lại 0,45 điểm % so với phiên 22/3.

Lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm sau khi NHNN có động thái cắt giảm lãi suất điều hành. Ngày 20/3, lãi suất liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm đã bất ngờ giảm xuống dưới mức 3%/năm.

Trên thị trường mở, ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 24/3, NHNN tiếp tục chào thầu mua kỳ hạn giấy tờ có giá kỳ hạn 28 ngày, song không có thành viên nào tham gia đấu thầu. Đây là phiên thứ tư liên tiếp NHNN "ế" vốn trên thị trường mở.

Bên cạnh đó, NHNN cũng dừng phát hành tín phiếu mới hút tiền từ 13/3 sau hơn một tháng được sử dụng liên tục nhằm hỗ trợ thanh khoản.

Trên thị trường 1 (thị trường huy động dân cư), nhóm những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất như saigonbank, Kienlongbank, BaoViet Bank, Vietbank... đã điều chỉnh hạ lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống còn 8,8-8,9%/năm.

Tương tự, HDBank cũng thông báo điều chỉnh lãi suất từ ngày 23/3, trong đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng hình thức tiết kiệm online giảm từ 9%/năm xuống 8,8%/năm. Trước đó, Viet Capital BankDongA Bank, VietABank, NCB... cũng giảm mạnh lãi suất nhiều kỳ hạn với bước giảm từ 0,3-0,65%/năm.

Năm 2023, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận 6,300 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông, trình phê duyệt nhiều kế hoạch quan trọng. Ngân hàng sẽ tổ chức Đại hội ngày 21/4 tới đây.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: NHNN hạ trần lãi suất huy động
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, năm 2023, MSB đặt ra kế hoạch kinh doanh thận trọng thể hiện qua các chỉ tiêu tài chính trình Đại hội đồng cổ đông: Tổng tài sản 230,000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 6,300 tỷ đồng; dư nợ tín dụng dự kiến 141,700 tỷ đồng, tùy theo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ; nợ xấu duy trì dưới 3% theo quy định. Chia sẻ về kế hoạch này, đại diện ngân hàng cho biết: “Đánh giá 2023 vẫn là năm khó khăn với nền kinh tế, kịch bản tích cực còn khá dè dặt, MSB đặt mục tiêu ưu tiên là phát triển bền vững, tập trung công tác quản trị vững mạnh, tiếp tục gia tăng hàm lượng số hóa trong sản phẩm - dịch vụ, giữ vững vị thế là ngân hàng thấu hiểu khách hàng và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam”.

Cũng tại Đại hội, MSB sẽ trình Đại hội đồng cổ đông phương án sáp nhập thêm một ngân hàng. Từ những thay đổi của thị trường, kế hoạch kinh doanh của MSB cũng linh hoạt chuyển đổi để phù hợp và thích ứng. Việc sáp nhập mang tới hiệu quả hoạt động cao hơn cho ngân hàng khi tận dụng được nền tảng công nghệ, nguồn lực giao dịch hay mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch… Bên cạnh việc tăng trưởng quy mô cũng như thúc đẩy nguồn vốn, ngân hàng có thể điều tiết chi phí tổng thể hợp lý hơn khi giảm thiểu sự trùng lặp trong cơ cấu vận hành, cắt giảm chi phí quản lý và hoạt động. Nếu M&A thành công, 2 bên có thể khai thác được những lợi thế của nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

“Dựa trên kinh nghiệm sáp nhập trước đây với MDB, hi vọng kế hoạch này sẽ nhận được sự đồng thuận từ Đại hội đồng cổ đông, mở ra tương lai mới cho ngân hàng. Sáp nhập không đơn thuần là phép cộng giá trị, với kế hoạch được nghiên cứu kĩ càng để tận dụng tối đa lợi thế, giá trị MSB sau đây sẽ lớn hơn, chất lượng hơn phép cộng số học đó” - đại diện MSB chia sẻ.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của MSB sẽ được tổ chức ngày 21/4 tới đây tại Hội sở ngân hàng - số 54A Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội.

Hết quý 1, tăng trưởng tín dụng đạt trên 2%

Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 3 đã đạt trên 2%.

Số liệu cụ thể của NHNN thống kê đến 28/3 cho biết, tăng trưởng tín dụng đạt 2,06%. Số liệu này cao hơn so với số liệu công bố về tăng trưởng tín dụng do Tổng cục Thống kê đưa ra cách đây ít ngày.

NHNN cho biết, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp. Trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn tiếp diễn. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2023.

Tuy nhiên, sự kiện phá sản một số ngân hàng tại Mỹ khiến triển vọng tăng lãi suất của FED trở nên khó lường hơn khi Fed phải cân nhắc giữa kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính. Diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHNN khi vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá.

Hiện tại, NHNN vẫn tiếp tục định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tháng 2/2023, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế 22,000 tỷ đồng trong năm 2023

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ với kế hoạch kinh doanh 2023, không chia cổ tức, phát hành cổ phiếu ESOP...

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: NHNN hạ trần lãi suất huy động
Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế 22,000 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, Techcombank đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng đạt 511,297 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp hơn 1.5%. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Techcombank đề ra cho năm 2023 là 22,000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022.

Với lợi nhuận sau thuế dùng để trích lập các quỹ năm 2022 gần 17,907 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tính đến ngày 01/01/2023 gần 40,137 tỷ đồng.

Techcombank dự kiến trích gần 32,676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Trong đó, gồm 5% lợi nhuận sau thuế (tương đương 895 tỷ đồng) và trích bổ sung 31,781 tỷ đồng. Techcombank cho biết việc trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp.

Bên cạnh đó, Techcombank cũng sẽ trích gần 1,791 tỷ đồng (10% lợi nhuận sau thuế) cho quỹ dự phòng tài chính và 38 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi.

Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại có thể phân phối gần 23,539 tỷ đồng, duy trì dưới hình thức lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

HĐQT dự trình ĐHĐCĐ không chia cổ tức năm 2022 nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.

Ngoài ra, Techcombank cũng dự kiến phát hành cổ phần theo Chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của Ngân hàng năm 2023. Cụ thể, Techcombank sẽ phát hành thêm gần 5.3 triệu cp ESOP, tỷ lệ 0.1499%, giá phát hành 10,000 đồng/cp. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của TCB được nâng từ 35,172 tỷ đồng lên 35,225 tỷ đồng.

Thời gian phát hành sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, dự kiến trong năm 2023.

Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến được sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của Techcombank.

Techcombank cũng sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Techcombank dự kiến tổ chức vào ngày 22/4 tại Hà Nội.

Nguồn:Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: NHNN hạ trần lãi suất huy động

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn