Cà Mau: Thiết thực chăm lo thân nhân người có công

07:15 | 25/04/2023

|
Trong những năm qua, với sự quan tâm, chăm lo của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong tỉnh và toàn xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng ngày càng được nâng cao.
Cà Mau: Truy xuất nguồn gốc đang được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnhCà Mau: Truy xuất nguồn gốc đang được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh
Cà Mau: Gia đình 3 thế hệ gìn giữ và bảo tồn nghề di sảnCà Mau: Gia đình 3 thế hệ gìn giữ và bảo tồn nghề di sản

Toàn tỉnh có hơn 110.880 người có công với cách mạng được công nhận. Trong đó, số đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng trên 16.454 người với kinh phí chi trả mỗi tháng trên 27 tỷ đồng. Qua rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh không còn hộ gia đình chính sách người có công thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Tuy nhiên, đối với nhóm thuộc diện thân nhân chủ yếu của người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh thì hiện nay còn khoảng 359 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), phần lớn các hộ này thiếu hụt các chỉ số của dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, việc làm và các dịch vụ thông tin.

Ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH, cho biết: “Một bộ phận hộ nghèo, cận nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Bên cạnh đó, một số địa phương còn lúng túng trong thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn, triển khai còn chậm; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống”.

Huyện Thới Bình được xem là một trong những điểm sáng trong việc chăm lo cho đối tượng người có công. Hiện toàn huyện có trên 14 ngàn người có công với cách mạng, trong đó hơn 2.700 người được nhận trợ cấp thường xuyên. Trong 5 năm qua, huyện đã thực hiện chi trả ưu đãi trợ cấp hàng tháng, một lần và luân phiên theo quy định trên 361 tỷ đồng cho người có công. Ðồng thời, 100% người có công, thân nhân người có công với cách mạng được hỗ trợ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh theo chính sách hiện hành.

Ông Nguyễn Việt Thống ngụ Khóm 7, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, là thương binh 4/4. Trở về với cuộc sống đời thường, ông gặp không ít khó khăn với nhiều vết thương cứ đau âm ỉ mỗi khi trời trở lạnh. Nhưng với nghị lực bản thân, ông luôn nỗ lực lao động sản xuất, vượt qua khó khăn, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Cà Mau: Thiết thực chăm lo thân nhân người có công
Ðược hỗ trợ vốn và nhà ở, cựu chiến binh Nguyễn Việt Thống yên tâm phát triển kinh tế.

Năm 1975, sau khi xuất ngũ, bắt tay vào phát triển kinh tế, ông làm đủ nghề và tích luỹ ít vốn. Ðược hỗ trợ vay vốn chính sách 15 triệu đồng, ông Thống mua thêm đất làm kinh tế. Ðến nay, ông có hơn 1 ha đất nuôi thuỷ sản, kết hợp trồng thêm 5.000 m2 rau màu các loại. Nhờ chịu khó, siêng năng tìm hiểu các kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi mà mô hình kết hợp của gia đình ông luôn phát triển và cho thu nhập ổn định từ 60-80 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Việt Thống chia sẻ: “Ở đây giờ đường sá được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi buôn bán. Thương lái tự tìm đến nhà thu mua nên đầu ra nông sản rất ổn định, đời sống kinh tế gia đình tôi đã ổn. Về đời sống tinh thần, được địa phương quan tâm, lo lắng các chế độ khi về già, cựu chiến binh như chúng tôi rất vui mừng”.

Trong căn nhà khang trang nằm bên cánh đồng lúa tại Ấp 5, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, ông Lý Hoàng Sơn năm nay đã ngoài 70 không giấu được niềm vui. Gia đình ông là một trong những hộ có công với cách mạng được hỗ trợ nhà ở. Có được căn nhà mới chính là ước mơ cả đời của người thương binh 4/4 này.

Cà Mau: Thiết thực chăm lo thân nhân người có công

“Trước kia nhà cũ, mưa tạt gió lùa; nền thấp, mỗi lần nước lên là ngập, sinh hoạt vất vả lắm. Giờ có căn nhà vững chắc như thế này, tôi yên tâm lắm”, ông Sơn vui mừng chia sẻ.

"Phát huy truyền thống "Ðền ơn đáp nghĩa” cũng như chăm lo tốt nhất đối với người có công và thân nhân của họ, tỉnh tập trung thực hiện công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo đối với các hộ là thân nhân của người có công, thân nhân liệt sĩ nói riêng, như ưu đãi trong việc dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm. Ðặc biệt, huy động nguồn lực xã hội, mạnh thường quân cũng như nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cải thiện tiêu chí thiếu hụt về nhà ở, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội”, ông Từ Hoàng Ân cho biết thêm./.

Nguồn: Thiết thực chăm lo thân nhân người có công

Hữu Nghĩa - Bé Cưng

baocamau.com.vn