Cà Mau: Tìm giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp hiệu quả, bền vững

19:15 | 05/08/2023

|
“Hiện nay, công nghiệp chế biến lâm sản trong khu vực chưa phát triển. Tại Cà Mau chỉ có các cơ sở gia công nhỏ lẻ, chưa có các nhà máy có công suất lớn đi vào hoạt động và tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người trồng rừng. Chính vì vậy, chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trong trồng, khai thác, chế biến lâm sản; đầu ra của sản phẩm rừng trồng chưa ổn định”, ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, nêu tại Hội thảo tham vấn các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, chiều 4/8.
Cà Mau: Lạc quan bước qua nghịch cảnhCà Mau: Lạc quan bước qua nghịch cảnh
Cà Mau: Máy bay làm nôngCà Mau: Máy bay làm nông
Cà Mau: Tìm giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp hiệu quả, bền vững
Hội thảo tham vấn các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức chiều 4/8, có sự tham dự của các nhà khoa học đến từ Bộ NN&PTNT, các viện nghiên cứu, viện khoa học...

Đến năm 2022, Cà Mau có trên 23.500 ha rừng tại khu vực U Minh Hạ được chuyển đổi từ trồng rừng tràm truyền thống sang lên liếp trồng rừng theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng. Keo lai ở U Minh Hạ sinh trưởng tương đối nhanh, rừng trồng 5 năm tuổi trữ lượng bình quân biến động từ 200m3/ha đến 260m3/ha.

“Với diện tích trên 91.600 ha đất rừng sản xuất (có rừng 55.900 ha) thuộc 2 hệ sinh thái chính là ngập mặn và ngập lợ, đây là khu vực có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ chế biến lâm sản. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp và hộ dân đã đầu tư trồng rừng sản xuất, tạo ra vùng nguyên liệu lớn tập trung, tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm rừng trồng đang gặp nhiều khó khăn, do tại tỉnh chưa có nhà máy chế biến gỗ có công suất lớn đáp ứng với vùng nguyên liệu”, ông Trần Văn Thức nêu thực tế.

Ông Trần Văn Thức phân tích: “Tiềm năng lâm nghiệp là rất lớn, nhưng các điều kiện đầu ra còn nhiều hạn chế, làm cho lợi thế kinh tế rừng của địa phương chưa thật sự phát triển. Hiện nguồn lâm sản hằng năm đạt từ 500-600 ngàn m3, khả năng tăng lên 1 triệu m3/năm, cần có giải pháp và định hướng phát triển hiệu quả, bền vững”.

Hàng loạt những khó khăn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế lâm nghiệp, từ chất lượng và nguồn giống cây trồng còn nhiều hạn chế; kinh tế du lịch từ lâm nghiệp còn nhiều vướng mắc về khung hành lang pháp lý; chuỗi giá trị lâm nghiệp chưa thật sự thông suốt, chưa phát huy tiềm năng cây rừng gỗ lớn; việc chuyển đổi và giao đất rừng kinh tế còn nhiều khó khăn… được các đại biểu phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ tại Hội thảo.

Cà Mau: Tìm giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp hiệu quả, bền vững

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ) đề xuất mô hình sinh kế bền vững trong sản xuất kết hợp với rừng ngập mặn Cà Mau.

Thảo luận, tham luận tại Hội thảo, các nhà khoa học đến từ Bộ NN&PTNT, các Viện nghiên cứu, Viện khoa học, các đơn vị nêu cơ sở khoa học về chất lượng và giá trị trồng gỗ lớn, giảm chi phí sản xuất; cần cải tiến hoạt động sản xuất lâm nghiệp gắn với môi trường sinh thái, ứng phó thiên tai; phát huy thị trường giá trị tín chỉ cabon và chia sẻ lợi ích, tiềm năng thị trường chế biến gỗ…

Cà Mau: Tìm giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp hiệu quả, bền vững
Tiềm năng kinh tế rừng sẽ ngày càng được phát huy khi phát triển du lịch sinh thái thông qua các hoạt động trải nghiệm, mang lại nhiều ý nghĩa về văn hoá - kinh tế - giáo dục… (Trong ảnh: Hoạt động chạy xe đạp xuyên rừng U Minh Hạ tại Sự kiện Hương rừng U Minh được tổ chức vào tháng 4/2023),

Theo quy hoạch, đến năm 2030, vùng rừng U Minh hạ chuyển đổi từ trồng rừng quảng canh sang trồng rừng thâm canh với diện tích 29.000 ha, bao gồm: rừng cây keo lai khoảng 12.000 ha, rừng cây tràm các loại 17.000 ha (rừng gỗ lớn loài cây keo lai chiếm khoảng 10% diện tích rừng trồng keo). Đối với khu vực rừng ngập mặn, tập trung phát triển mô hình rừng - tôm bền vững theo hướng chứng nhận tôm sinh thái (hữu cơ) theo tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích 38.000 ha, sản phẩm gỗ khai thác cung cấp nguyên liệu cho chế biến./.

Nguồn: Tìm giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp hiệu quả, bền vững

Trần Nguyên

baocamau.com.vn