Tin ngân hàng ngày 17/5: Dư nợ cho vay tại công ty tài chính sụt giảm, lợi nhuận phân hóa

14:55 | 17/05/2023

|
Đã "bơm" gần 120.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp TP HCM;OCB đầu tư hệ thống quản lý gian lận trong ngân hàng số đa kênh; Thêm ngân hàng giảm lãi suất huy động… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 16/5: Ngân hàng quốc doanh điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửiTin ngân hàng ngày 16/5: Ngân hàng quốc doanh điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi
Tin ngân hàng ngày 15/5: Chất lượng tín dụng đi xuống, ngân hàng tăng phòng thủTin ngân hàng ngày 15/5: Chất lượng tín dụng đi xuống, ngân hàng tăng phòng thủ

Dư nợ cho vay tại công ty tài chính sụt giảm, lợi nhuận phân hóa

Trong những tháng đầu năm 2023, khó khăn với ngành tài chính tiêu dùng hiện rõ khi dư nợ đồng loạt sụt giảm ở các công ty tài chính.

Tin ngân hàng ngày 17/5: Dư nợ cho vay tại công ty tài chính sụt giảm, lợi nhuận phân hóa
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hầu hết công ty tài chính đều ghi nhận dư nợ cho vay sụt giảm trong quý I năm nay, song song với nợ xấu tăng lên. Tại VietCredit, tổng dư nợ cho vay khách hàng cuối quý I ở mức 4.285 tỉ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Nợ xấu tăng 49% lên 784 tỉ đồng.

Tương tự tại HD Saison, dư nợ tín dụng giảm 7,8% trong 3 tháng đầu năm xuống 15.530 tỉ đồng. Số dư nợ xấu có sụt giảm 36 tỉ so với đầu năm, tuy nhiên tỉ lệ nợ xấu tăng từ 7,1% lên 7,5%.

Từng giữ ngôi vương về lợi nhuận trong nhóm các công ty tài chính tiêu dùng, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) của VPBank đã có một năm 2022 không mấy khả quan khi ghi nhận khoản lỗ trước thuế 3.000 tỉ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2023, FE Credit cũng ghi nhận dư nợ cho vay giảm hơn 10% xuống còn hơn 68.000 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh có sự phân hóa mạnh giữa các công ty tài chính, trong khi FE Credit báo lỗ thì MCredit ghi nhận lợi nhuận 302 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Năm nay, MCredit vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 1.300 tỉ đồng, tăng 8% so với năm ngoái. VietCredit báo lãi trước thuế quý 1/2023 đạt 54,3 tỉ đồng, cao gấp 7 lần cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành 51% kế hoạch cả năm.

Đã 'bơm' gần 120.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp TP HCM

Ngày 16/5, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM được xây dựng từ đầu năm, đã có 20 ngân hàng đăng ký gói hỗ trợ tín dụng, với quy mô đạt hơn 450.000 tỉ đồng cho vay doanh nghiệp.

Gói tín dụng này có lãi suất hợp lý, cũng như tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho doanh nghiệp gắn với việc tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp; cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, với lãi suất ưu đãi; cho vay hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ.

Theo ông Lệnh, việc thực hiện giải ngân gói tín dụng này với các tiêu chí đặt ra của chương trình, sẽ tạo điều kiện hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trên nhiều góc độ: từ chi phí, đến khả năng đáp ứng nhu cầu vốn và việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi.

“Đến nay, chương trình đã giải ngân đạt gần 120.000 tỉ đồng, cho hơn 31.000 khách hàng, bằng 25,8% gói tín dụng các ngân hàng đăng ký trong năm 2023” - ông Lệnh cho biết.

Ngoài ra, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức bằng hình thức hội nghị ký kết vay vốn trực tiếp tại các quận huyện như: Củ Chi, Tân Phú, Gò Vấp, quận 12, quận 4, thành phố Thủ Đức và cấp thành phố theo các chuyên đề: cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, là động lực tăng trưởng kinh tế; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và HTX… đạt 17.000 tỉ đồng, với lãi suất ưu đãi và giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp đã góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm duy trì, phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh…

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi, việc tăng cường chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp gắn với việc thực hiện chính sách lãi suất và cơ cấu lại nợ sẽ tạo chuyển biến tích cực hỗ trợ DN tiếp cận vốn, trả nợ vay ngân hàng khi gặp khó khăn về dòng tiền, tiêu thụ sản phẩm… thuận lợi hơn.

OCB đầu tư hệ thống quản lý gian lận trong ngân hàng số đa kênh

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) hợp tác với IBM triển khai hệ thống quản lý gian lận trên nền tảng IBM® Safer Payments. IBM và đối tác Seatech ứng dụng nền tảng IBM® Safer Payments hỗ trợ OCB giám sát, ngăn chặn và quản lý các hoạt vi gian lận trong hoạt động ngân hàng đa kênh kỹ thuật số của ngân hàng này.

IBM Safer Payment cung cấp năng lực phòng chống rủi ro và gian lận trong thời gian thực. Giải pháp này đã được Tập đoàn công nghệ IBM triển khai tại nhiều tổ chức ngân hàng lớn trên thế giới. Với hoạt động này, OCB hướng đến cam kết là đơn vị chủ động và tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý rủi ro.

Nền tảng này giúp ngân hàng phát hiện, phòng ngừa, giảm thiểu gian lận chủ động với giao diện thân thiện, dễ tùy chỉnh để đáp ứng sự thay đổi thường xuyên của các tình huống gian lận trên thị trường. Cụ thể, nền tảng sử dụng học máy và trí tuệ nhân tạo để phân tích hành vi, mô hình gian lận, cho phép ngân hàng ngăn chặn hoạt động gian lận trước khi nó xảy ra, đồng thời đảm bảo các giao dịch chính xác của khách hàng không bị dừng lại do lỗi.

Ngoài ra, nền tảng này còn giúp OCB xây dựng và ứng dụng các mô hình để ngăn chặn những mối đe dọa gian lận mới xuất hiện, từ đó đề xuất các giải pháp phản ứng phòng chống hữu hiệu.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết, xu hướng gian lận trong hoạt động ngân hàng trên thế giới cũng như Việt Nam đang gia tăng với chiều hướng phức tạp. Việc ngân hàng áp dụng các nền tảng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ là cần thiết để đảm bảo lợi ích của khách hàng và ngân hàng. Với OCB, bên cạnh việc bảo vệ người dùng, đưa lại trải nghiệm tối ưu, an toàn khi sử dụng sản phẩm dịch vụ, nhà băng còn tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giám sát giao dịch, phòng chống gian lận.

IBM đã có kinh nghiệm triển khai thành công hệ thống Fraud management tại nhiều ngân hàng ở châu Úc, New Zealand, châu Âu. Là đối tác của OCB lần này, IBM mong muốn cùng Seatech triển khai thành công Safer Payments, qua đó, giúp ngân hàng thích nghi với các mối đe dọa mới nhanh hơn và phát hiện gian lận với tốc độ và độ chính xác cao hơn, mà không phụ thuộc vào nhà cung cấp hoặc các chuyên gia dữ liệu.

Thêm ngân hàng giảm lãi suất huy động

Theo biểu lãi suất niêm yết mới nhất, HDBank niêm yết lãi suất huy động online kỳ hạn 6 và 12 tháng giảm 0,5% còn 8,1%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 7 đến 11 tháng vẫn được giữ nguyên mức cũ 6,9%/năm.

Tin ngân hàng ngày 17/5: Dư nợ cho vay tại công ty tài chính sụt giảm, lợi nhuận phân hóa
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đáng chú ý, kỳ hạn 13 tháng vốn luôn được HDBank duy trì mức lãi suất 9%/năm, mức cao hiếm hoi trên thị trường, nay cũng giảm xuống còn 8,5%/năm, giảm 0,5% so với mức cũ.

Lãi suất huy động các kỳ hạn dài hơn vẫn được giữ nguyên. Kỳ hạn 15 và 18 tháng đang có lãi suất lần lượt là 7% và 7,1%/năm. Kỳ hạn 24 và 36 tháng giữ mức 6,9%/năm.

Tại Oceanbank, theo biểu lãi suất huy động online mới nhất, lãi suất các kỳ hạn từ 6 đến 15 tháng đồng loạt giảm 0,3%. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 đến 8 tháng hiện ở mức 7,6%/năm, kỳ hạn 9 đến 11 tháng là 7,7%/năm, kỳ hạn 12 đến 15 tháng là 7,8%/năm.

Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 1 đến 5 tháng được Oceanbank giữ nguyên 5,5%/năm. Kỳ hạn 18 tháng trở lên giữ nguyên 8,1%/năm.

Đối với tiền gửi tiết kiệm tại quầy, mức giảm cũng giảm tương ứng. Chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi tại quầy và online là 0,1%.

Theo thống kê, 15 ngân hàng công bố giảm lãi suất kể từ đầu tháng 5, gồm: OCB, Eximbank, VietBank, MSB, VPBank, TPBank, Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, KienLongBank, NamA Bank, NCB, Saigonbank, PVCombank.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 17/5: Dư nợ cho vay tại công ty tài chính sụt giảm, lợi nhuận phân hóa

Huy Tùng (T/h)

kinhtexaydung.petrotimes.vn