Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Tái diễn rao bán nhà ở xã hội trái phép qua mạng

15:18 | 12/06/2022

|
Quảng Bình cập nhật thông tin các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; Đồng Nai duyệt quy hoạch phân khu hơn 1.700 ha tại TP Biên Hòa; Bình Dương thông qua quy hoạch 1/5000 Khu công nghiệp VSIP III; “Cụm công nghiệp” không phép tồn tại hàng chục năm… là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
Tin bất động sản ngày 11/6: Hải Phòng yêu cầu tháo dỡ Khu du lịch trái phép trên đất nông nghiệpTin bất động sản ngày 11/6: Hải Phòng yêu cầu tháo dỡ Khu du lịch trái phép trên đất nông nghiệp
Tin bất động sản ngày 10/6: Dự án The Muse Đà Nẵng của Tập đoàn Đông Đô chưa đủ điều kiện huy động vốnTin bất động sản ngày 10/6: Dự án The Muse Đà Nẵng của Tập đoàn Đông Đô chưa đủ điều kiện huy động vốn

Tái diễn rao bán nhà ở xã hội trái phép qua mạng

Hiện nay, tình trạng rao bán nhà ở xã hội trên mạng diễn ra khắp nơi, kể cả dự án của các công ty bất động sản có thương hiệu trên thị trường.

Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Tái diễn rao bán nhà ở xã hội trái phép qua mạng
Tái diễn rao bán nhà ở xã hội trái phép qua mạng

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc xử lý đối với những thông tin rao bán các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Xây dựng Vĩnh Long, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai gồm: Nhà xã hội tại khu tái định cư phường 4, TP Vĩnh Long (do Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ vận tải Lợi My 2 làm chủ đầu tư); Nhà ở xã hội khu công nghiệp Hòa Phú (do Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ Hồng Trung làm chủ đầu tư); Nhà ở xã hội Khu công nghiệp Bình Minh và Nhà ở xã hội HQC Hòa Phú tại xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ (do Công ty CP TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông làm chủ đầu tư).

Cả 4 dự án trên đều chưa đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai, tuy nhiên đã có một số đối tượng phát tờ rơi rao bán và đăng tín rao bán trên các trang mạng xã hội không đúng quy định.

Ngày 29/4/2022, Thanh tra Sở Xây dựng có văn bản gửi Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Vĩnh Long về việc xem xét, kiểm tra xử lý các thông tin đăng tải chưa chính xác trên các trang mạng xã hội về dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Trên thực tế, tình trạng rao bán nhà ở xã hội trái phép đang diễn ra ở nhiều nơi. Trong đó, một dự án của Tập đoàn Sungroup là nhà ở xã hội Sun Home Đà Nẵng từng bị quảng cáo và rao bán trái phép trên nhiều website bất động sản với mức giá chỉ từ 500 triệu đồng/căn. Trên những trang mạng này, dự án được giới thiệu với những lời lẽ hấp dẫn như sổ đỏ vĩnh viễn, mua bán tự do, có thể vào ở ngay.

Để cảnh báo người mua tránh sập bẫy môi giới , Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã có văn bản phản hồi đến công dân.

Trong khi đó, tại Đăk Lắk thông qua kiểm tra mới phát hiện nhiều trường hợp ở tại căn hộ nhưng lại không đúng tên người đăng ký mua.

Hay gần nhất, tại dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang, hồi tháng 3/2022, dù chưa đủ điều kiện mua - bán, Sở cũng chưa duyệt giá bán, song đã được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, đẩy nguy cơ về phía khách hàng.

Quảng Bình cập nhật thông tin các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị

Ngày 9/6, Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết cơ quan này vừa cập nhật thông tin các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 38 dự án nhà ở thương mại (NOTM), đô thị, tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà phố. Trong đó, TP. Đồng Hới có 20 dự án, huyện Bố Trạch có 5 dự án, huyện Quảng Trạch có 4 dự án, thị xã Ba Đồn có 3 dự án, huyện Lệ Thuỷ có 2 dự án và huyện Quảng Ninh có 4 dự án.

Trong số 38 dự án, có 15 dự án đã được cho phép chuyển quyền sử dụng đất cho người mua tự xây dựng nhà ở. Bao gồm 4 dự án được chuyển quyền sử dụng đất 1 phần dự án: Khu NOTM phía Bắc đường Trần Quang Khải TP Đồng Hới, Khu NOTM phía Đông Nam huyện lỵ mới Quảng Trạch, Khu NOTM Dinh Mười III, Khu NOTM phía Tây huyện lỵ mới Quảng Trạch.

Và 11 dự án được cho phép chuyển quyền sử dụng đất với toàn bộ dự án: Khu NOTM Mỹ Cảnh, Khu NOTM tại phường Đức Ninh Đông, Khu NOTM Trường Thịnh, Khu NOTM Phú Hải (TP. Đồng Hới); Khu NOTM xã Phú Trạch, Khu NOTM xã Thanh Trạch, Khu NOTM xã Trung Trạch; Khu NOTM xã Lý Trạch, xã Nhân Trạch - KĐT Seoul Village (huyện Bố Trạch); Khu NOTM phường Quảng Phong, Khu NOTM phường Quảng Phong giáp mương Tiên Lang, Khu dân cư phía Nam TDP Mỹ Hoà (thị xã Ba Đồn).

Có 2 dự án đủ điều kiện huy động vốn thông qua hình thức hợp tác, góp vốn kinh doanh: Khu NOTM phía Tây mương Phóng Thuỷ (Đồng Hới), Khu NOTM thị trấn Nông trường Lệ Ninh (huyện Lệ Thuỷ).

Và 4 dự án đủ điều kiện huy động vốn bằng hình thức bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai: Khu NOTM phía Nam đường Trần Hưng Đạo, KĐT Bảo Ninh 1, KĐT Bảo Ninh 2, dự án Tổ hợp nhà phố thương mại Shophouse kết hợp kinh doanh dịch vụ thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng tại phường Hải Đình (TP Đồng Hới).

Số còn lại gồm 17 dự án chưa đủ điều kiện mua bán giao dịch hay huy động vốn bằng các hình thức được pháp luật cho phép.

Theo Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết, việc cập nhật và bổ sung thêm thông tin các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh giúp người dân biết được tình trạng pháp lý, điều kiện giao dịch ở các dự án từ đó đưa ra phương án đúng đắn khi tham gia mua bán, góp vốn; đồng thời, giúp lành mạnh hoá thị trường, hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp huy động vốn tại các dự án chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Đồng Nai duyệt quy hoạch phân khu hơn 1.700 ha tại TP Biên Hòa

UBND tỉnh Đồng Nai duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Phân khu B4 tại phường Long Bình, phường Tân Biên, phường Tân Hòa, TP Biên Hòa.

Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Tái diễn rao bán nhà ở xã hội trái phép qua mạng
Đồng Nai duyệt quy hoạch phân khu hơn 1.700 ha tại TP Biên Hòa

Phân khu B4 có diện tích 1.716 ha, trong đó phường Long Bình khoảng 1.399 ha, phường Tân Biên khoảng 222 ha và phường Tân Hòa khoảng 95 ha. Quy mô dân số khoảng 142.000 - 146.000 người.

Đây là phân khu thành phần thuộc khu vực trung tâm của khu đô thị trung tâm mở rộng phía Đông, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển nhà ở, công nghiệp, dịch vụ và không gian, cảnh quan môi trường,...

Phân khu có các chức năng: trung tâm công cộng thương mại dịch vụ đô thị, khu phát triển hỗn hợp, khu công nghiệp và khu ở cải tạo chỉnh trang gắn với hệ thống công viên cây xanh đảm bảo mục tiêu xanh hóa đô thị.

Phân khu B4 được chia làm 3 tiểu khu, gồm 12 ô quy hoạch để kiểm soát phát triển.

Trong đó, Tiểu khu 1 gồm một phần phường Long Bình về phía Tây khu vực lập quy hoạch. Diện tích khoảng 495 ha, được chia làm 5 ô quy hoạch với dân số khoảng 93.200 người. Chức năng chính là khu ở, khu trung tâm công cộng dịch vụ đô thị, khu cây xanh, khu quân sự...

Tiểu khu 2 gồm một phần các phường Tân Biên và phường Tân Hòa về phía Bắc khu vực lập quy hoạch. Diện tích khoảng 318 ha, được chia làm 3 ô quy hoạch với dân số khoảng 47.500 người. Chức năng chính là khu ở, khu trung tâm công cộng dịch vụ đô thị, khu cây xanh...

Tiểu khu 3 gồm một phần phường Long Bình về phía Đông Nam khu vực lập quy hoạch. Diện tích khoảng 900 ha, được chia làm 4 ô quy hoạch với dân số khoang 19.400 người. Chức năng chính là khu công nghiệp, khu ở, khu trung tâm công cộng dịch vụ đô thị, khu cây xanh...

Về giao thông, quy hoạch phân khu xác định quỹ đất bố trí các nút giao thông khác cao độ. Trong đó, định hướng các nút giao khác mức tổ chức tại nút giao giữa đường Quốc lộ 1A với đường trục chính khu công nghiệp Amata, đường Bùi Văn Hòa; giữa đường sắt với Quốc lộ 1A, đường Võ Văn Mén, đường D13-LB.

Bình Dương thông qua quy hoạch 1/5000 Khu công nghiệp VSIP III

Mới đây, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X đã tổ chức Kỳ họp thứ 5 (chuyên đề) thông qua nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III).

Theo đó, khu vực quy hoạch VSIP III nằm tại phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên và xã Tân Lập thuộc huyện Bắc Tân Uyên. Phía Bắc giáp tuyến đường ĐT.746 và đất dân cư hiện hữu thuộc phường Hội Nghĩa và xã Tân Lập; phía Nam giáp đường Vành đai 4 theo quy hoạch Vùng TP HCM; phía Đông giáp đất dân cư xã Tân Lập - huyện Bắc Tân Uyên và phía Tây giáp đất cao su thuộc CTCP cao su Phước Hoà.

Quy mô lập quy hoạch là 1.000 ha với khoảng 43.000 - 45.000 người lao động.

VSIP III là khu công nghiệp sản xuất công nghiệp tập trung đa ngành nghề, trong đó, ưu tiên khai thác các loại hình công nghiệp công nghệ cao, được đầu tư xây dựng hiện đại với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các khu chức năng đồng bộ. Các khu chức năng trong khu vực quy hoạch gồm khu nhà máy, kho tàng; khu hành chính, dịch vụ; khu cây xanh, mặt nước; khu công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật và các khu chức năng phụ trợ khác.

Khu công nghiệp VSIP III đã được tổ chức khởi công trong tháng 3. Đây là dự án thứ 3 của VSIP tại Bình Dương và là dự án thứ 11 tại Việt Nam, đóng góp quan trọng, thúc đẩy Bình Dương trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong quý I với tổng số vốn 2,32 tỷ USD (gấp 5 lần cùng kỳ).

Nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 VSIP III là nội dung quan trọng, mang tính cấp thiết, đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn khách quan. Điều này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, khẩn trương xây dựng và sớm đưa VSIP III đi vào hoạt động.

Hoài Đức (Hà Nội): “Cụm công nghiệp” không phép tồn tại hàng chục năm

Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Tái diễn rao bán nhà ở xã hội trái phép qua mạng
“Cụm công nghiệp” không phép tồn tại hàng chục năm

Mặc dù, không được cấp phép, thế nhưng hơn 4 hecta đất nông nghiệp vùng bãi ven sông Đáy (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) lại được xây dựng thành nhà xưởng, kho bãi, biến thành "cụm công nghiệp" Lại Dụ hoạt động hàng chục năm qua...

Hình thành và đi vào hoạt động từ những năm 1993, nhưng tới nay đã gần 30 năm trôi qua, khu nhà xưởng sản xuất với tên thường gọi Cụm công nghiệp Lại Dụ (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) vẫn chưa được cấp phép, không quy hoạch thành cụm công nghiệp chính quy.

Hay nói cách khác “cụm công nghiệp” Lại Dụ xây dựng trái phép và tồn tại trên đất nông nghiệp vũng bãi từ hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Theo khảo sát của PV cho thấy, “cụm công nghiệp” Lại Dụ nằm trên khu vực đất bãi trồng cây hàng năm, sát ngay con sông Đáy, với gần 40 nhà xưởng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, gia công hàng hóa, kho bãi… rộng hàng nghìn m2.

Tất cả những công trình kể trên đều được xây dựng kiên cố bê tông cốt thép. Trong khi đó, giá thuê nhà xưởng, kho bãi tại đây thường dao động 30 - 40.000 đồng/m2.

Đây là khu vực hành lang thoát lũ sông Đáy và được quy hoạch thành vùng đất bãi trồng cây nông nghiệp hàng năm. Nhưng trên thực tế, khu vực hành lang thoát lũ này gần như đã được bê tông hóa toàn bộ.

Đường nhựa trải thảm nối dài tới đâu, nhà xưởng, kho tập kết được người dân xây dựng đến đó. Khắp khu đất bãi ven sông Đáy giờ nhộn nhịp, ồn ã tiếng xe tải ra vào vận chuyển hàng hóa. Tiếng máy móc sản xuất, tiếng nhân công lao động… như bao khu công nghiệp, cụm công nghiệp được cấp phép hoạt động khác.

Trong khi đó theo nhiều người dân sinh sống tại thôn Lại Dụ (xã An Thượng), thời gian từ đầu năm 2021 cho tới nay, tình trạng xây dựng trái phép tại “cụm công nghiệp” Lại Dụ diễn ra nhiều và công khai hơn.

Nhà xưởng, kho bãi tại “cụm công nghiệp” Lại Dụ đều xây dựng không phép và cách trụ sở UBND xã An Thượng không xa. Nhưng không hiểu vì lý do gì, những hoạt động sản xuất rầm rộ là vậy vẫn ngang nhiên diễn ra trong suốt một thời gian dài, qua hàng chục năm, mà chính quyền địa phương không hề có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.

Được biết, hiện diện tích xây dựng trái phép mà “cụm công nghiệp” Lại Dụ vi phạm trên đất nông nghiệp vùng bãi đã chiếm tới hơn 4 hecta.

Nguồn: Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Tái diễn rao bán nhà ở xã hội trái phép qua mạng

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn