Tin ngân hàng ngày 17/3: Yêu cầu ngân hàng thương mại "thu xếp vốn" cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

12:18 | 17/03/2022

|
VietABank tăng vốn điều lệ lên gần 5.400 tỷ đồng; Áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy; MSB là ngân hàng có khối lượng giao dịch ngoại tệ lớn nhất Việt Nam…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật
Tin ngân hàng ngày 16/3: VPBank và AIA Việt Nam nâng hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền lên 19 nămTin ngân hàng ngày 16/3: VPBank và AIA Việt Nam nâng hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền lên 19 năm
Tin ngân hàng ngày 15/3: HSBC “thu xếp vốn” cho Vingroup hiện thực hóa cam kết xanhTin ngân hàng ngày 15/3: HSBC “thu xếp vốn” cho Vingroup hiện thực hóa cam kết xanh

Yêu cầu ngân hàng thương mại "thu xếp vốn" cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện một số giải pháp trong năm 2022 như sau:

Tin ngân hàng ngày 17/3: Yêu cầu ngân hàng thương mại  "thu xếp vốn" cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Yêu cầu ngân hàng thương mại cân đối vốn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

NHTM phải chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công Thương), nhất là các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm (danh sách công bố theo Quyết định của Bộ Công Thương) để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

NHTM cũng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cấp tín dụng; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định pháp luật.

Việc xem xét, thẩm định và quyết định cấp tín dụng, tăng thêm hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nêu trên thực hiện theo cơ chế tín dụng hiện hành. Trong trường hợp phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện thì kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để được xem xét xử lý.

Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại chỉ đạo sát sao trong toàn hệ thống; tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có đủ điều kiện theo quy định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác tín dụng.

Đối với các ngân hàng phát sinh dư nợ, định kỳ hàng tháng yêu cầu báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (thông qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tình hình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu).

VietABank tăng vốn điều lệ lên gần 5.400 tỷ đồng

Mới đây, Thống đốc NHNN Quyết định sửa đổi Điều 2 Giấy phép thành lập và hoạt động số 55/GP-NHNN ngày 31/5/2019 do Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Việt Á như sau: “Vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á là 5.399.600.430.000 đồng. (Năm nghìn ba trăm chín mươi chín tỷ sáu trăm triệu bốn trăm ba mươi nghìn đồng)”.

Quyết định nêu rõ, Ngân hàng TMCP Việt Á có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung).

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và là một bộ phận không tách rời của Giấy phép thành lập và hoạt động số 55/GP-NHNN ngày 31/5/2019 do Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Việt Á.

Quyết định số 949/QĐ-NHNN ngày 02/6/2021 của Thống đốc NHNN về việc sửa nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Việt Á hết hiệu lực thi hành kể từ ngày ký Quyết định này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 cũng như kết quả kinh doanh năm 2021 cho thấy, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của VietABank đạt 844 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2020. So với kế hoạch Đại hội cổ đông giao trong kỳ họp thường niên 2021 (658 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2021) thì kết quả đạt được của VietABank đã vượt 28% chỉ tiêu.

Áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy?

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã “bơm” 1.019 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm, trong khi đó có 968 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Nhờ vậy, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành được nâng lên gần 1,7 nghìn tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm nhiệt, nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước đó.

Kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,25% (giảm 12 điểm cơ bản) và kỳ hạn 1 tuần 2,38% (giảm 1 điểm cơ bản). Các kỳ hạn dài hơn gần như không có nhiều thay đổi, dao động từ 2,42% đến 2,61%.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, về tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 25/2 đạt 2,52% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 1,82% được Chính phủ công bố trong cuộc họp thường kỳ tháng 2 trước đó. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn thấp hơn mức 2,74% ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay, tương đương giảm 23 nghìn tỷ đồng.

Chuyên gia của SSI Research đánh giá, tín dụng tăng chậm lại trong tháng 2 do hai nguyên nhân chính, yếu tố mùa vụ và tác động của Thông tư 16/2021/TT-NHNN đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố số liệu tăng trưởng huy động tính đến 25/2, với mức tăng 1,29% so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 11,1% so với cùng kỳ). Nhìn chung, tăng trưởng huy động vốn đã cải thiện so với giai đoạn nửa cuối năm 2021 nhưng vẫn chưa hồi phục về mức tăng trưởng trước dịch, phản ánh môi trường lãi suất thấp đã và đang được duy trì trong 2 năm trở lại đây.

Chuyên gia của SSI Research kỳ vọng huy động vốn có thể tăng trong thời gian tới do xu hướng tăng của lãi suất huy động có khả năng thu hút lượng tiền gửi lớn hơn.

“Trong tuần qua, chúng tôi quan sát thấy lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn (MBB và TCB), với mức tăng 20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi và lạm phát” – chuyên gia SSI Research cho hay.

MSB là ngân hàng có khối lượng giao dịch ngoại tệ lớn nhất Việt Nam

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa vinh dự nhận giải thưởng danh giá Ngân hàng có Khối lượng giao dịch ngoại tệ FX Matching cao nhất 2021 từ Refinitiv – Tổ chức thuộc Sở Giao dịch chứng khoán London - London Stock Exchange Group – trao tặng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp MSB nhận được giải thưởng từ tổ chức uy tín này.

Tin ngân hàng ngày 17/3: Yêu cầu ngân hàng thương mại  "thu xếp vốn" cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
MSB là ngân hàng có khối lượng giao dịch ngoại tệ lớn nhất Việt Nam

Giải thưởng ghi nhận sự đóng góp của MSB trong thế mạnh truyền thống là kinh doanh ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng với vai trò là nhà tạo lập thị trường, tiên phong trong áp dụng công nghệ dẫn đầu tương lai hướng đến số hóa, tự động hóa để nâng cao hiệu quả và phù hợp với tiến trình phát triển chung của thị trường tài chính toàn cầu.

Là một trong những ngân hàng đang số hóa mạnh mẽ, với quan điểm chuyển đổi số hướng trải nghiệm về dịch vụ, sự tiện ích của khách hàng, hoạt động ngoại hối khuyến khích khách hàng giao dịch online như Internet banking, Mobile banking MSB đã liên tiếp có sự tăng trưởng cả về thứ hạng và quy mô, năm 2021, MSB đã tiếp tục tăng 3 bậc lên top 12 ngân hàng có doanh số giao dịch ngoại hối lớn nhất Việt Nam và giữ vững vị thế top 3 trên thị trường liên ngân hàng.

Dưới sự phát triển và cạnh tranh gay gắt từ việc mở rộng của các thành viên tham gia và quy mô thị trường, MSB vẫn giữ vững được vị thế và vai trò của mình cũng thể hiện nội lực mạnh mẽ của MSB với định hướng duy trì vị thế dẫn đầu và nhà tạo lập thị trường.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 17/3: Yêu cầu ngân hàng thương mại "thu xếp vốn" cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn