Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Kéo dài thời gian xử lý nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023

12:45 | 26/06/2022

|
Cần có tín dụng vi mô cho người lao động trong khu công nghiệp; Lo ngại tăng phí khi giao dịch ATM bằng căn cước công dân; Tiền gửi thanh toán của người dân lần đầu vượt 1 triệu tỷ đồng; Standard Chartered đánh giá về triển vọng tích cực của ngành ngân hàng Việt Nam… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua.
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tăng cường thanh tra, xử nghiêm các trường hợp ngân hàng ép khách mua bảo hiểmTin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tăng cường thanh tra, xử nghiêm các trường hợp ngân hàng ép khách mua bảo hiểm
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tăng cường thanh tra, giám sát, ngăn trục lợi gói hỗ trợ lãi suất 2% nămTin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tăng cường thanh tra, giám sát, ngăn trục lợi gói hỗ trợ lãi suất 2% năm

Kéo dài thời gian xử lý nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Kéo dài thời gian xử lý nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023
Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu

Trong thời gian kéo dài trên, Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu tại Báo cáo số 174/BC-CP ngày 11/5/2022, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết. Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023).

Nghị quyết cũng nhấn mạnh, các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, bao gồm nguy cơ nợ xấu, lạm phát tăng cao; sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến tích cực… Do đó, Nghị quyết yêu cầu Chính phủ và các cơ quan kiểm soát chặt chẽ lạm phát, nợ xấu và có giải pháp căn cơ, bền vững nhằm định hướng nguồn lực của nền kinh tế vào sản xuất, kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Trần Du Lịch, quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 còn gặp nhiều khó khăn về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, thủ tục thay đổi đăng ký giao dịch bảo đảm khi mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Vì vậy, cần thiết kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết và hoàn thiện các quy định về xử lý nợ xấu.

Cần có tín dụng vi mô cho người lao động trong khu công nghiệp

Bộ Công an cho biết, trong 3 năm vừa qua đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó gần 1.000 vụ cho vay nặng lãi. Nhiều bị hại là công nhân.

Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân cả nước, tín dụng đen cũng là một trong những vấn đề được người lao động phản ánh.

Khi được hỏi vì sao tìm đến tín dụng đen, dù biết hậu quả, nhiều công nhân cho biết vì là người ngoại tỉnh, không có hộ khẩu, không có tài sản thế chấp nên không thể tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thống. Do đó, rất cần những mô hình tài chính vi mô và cơ chế để giúp người lao động không vướng vào bẫy tín dụng đen

Nhu cầu vay chính đáng của công nhân lao động là các gói vay nhỏ nhỏ lẻ cho sinh hoạt hàng ngày như như đóng tiền học cho con cái, giải quyết ốm đau, tiền thuê trọ… và cần có nguồn tín dụng chính thức đáp ứng.

"Hiện nay mức vay theo quy định chỉ giới hạn đến 50 triệu đồng, trong khi nhu cầu của công nhân, người lao động ngày càng gia tăng, vì vậy kiến nghị tăng lên mức 100 triệu đồng. Về tiết kiệm cũng kiến nghị tăng mức trần tiết kiệm tại điểm giao dịch từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng", ông Hoàng Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức tài chính vi mô CEP cho hay.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống pháp luật để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay các khoản như con cái ốm đau, đóng tiền học, thậm chí ma chay, cưới xin... Thậm chí cho vay nóng trong một vài tuần, một vài tháng".

Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy các ngân hàng thương mại cho vay các khoản nhỏ lẻ, không cần thủ tục phức tạp với những khoản tín dụng không lớn để người lao động kịp thời tiếp cận; đồng thời đẩy mạnh các biện pháp công nghệ để người vay tiếp cận những khoản vốn này. Cùng với đó, phối hợp với các cấp chính quyền, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam để người lao động thuận lợi tiếp cận những khoản vốn này.

Lo ngại tăng phí khi giao dịch ATM bằng căn cước công dân

Từ hơn 1 tháng nay, người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip để rút tiền tại một số cây ATM. Tuy chưa nhiều điểm chấp nhận, nhưng người dân có thể sử dụng dịch vụ này tại khoảng 10 cây ATM tại Hà Nội và Quảng Ninh.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Kéo dài thời gian xử lý nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023
Lo ngại tăng phí khi giao dịch ATM bằng căn cước công dân

Rút tiền bằng mã QR của ứng dụng ngân hàng trên điện thoại thông minh, rút tiền bằng nhận diện khuôn mặt hoặc sinh trắc vân tay và hiện là rút tiền bằng thẻ căn cước công dân. Càng nhiều phương thức xác thực thì càng tiện ích, đó cũng là mong muốn của khách hàng.

"Với những người trẻ có nhiều phương thức khác nhau để thanh toán như ví điện tử, chuyển tiền qua ngân hàng hoặc nhận diện khuôn mặt, những cách thức đấy không hề mất phí", một người dân ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết.

Để có thể giao dịch được thẻ căn cước công dân tại cây ATM, mỗi cây cần lắp đặt thêm thiết bị đọc thông tin của con chip gắn trên căn cước công dân. Nếu phủ rộng dịch vụ giao dịch trên, ngân hàng cũng phải tính tới một khoản chi phí không nhỏ.

Toàn hệ thống ngân hàng hiện có hơn 20.000 cây ATM. Trong những năm gần đây, giao dịch qua ATM cũng giảm đáng kể do các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Vì vậy, khoản tiền đầu tư thêm thiết bị cho mỗi cây ATM là một bài toán.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, "Mọi tiện ích cho người dân sử dụng là rất tốt. Tuy nhiên vấn đề là tiện ích có làm tăng chi phí của người dân hay không? Ai bỏ tiền để đầu tư thiết bị đầu cuối của các cây ATM. Nếu không tăng chi phí thì khuyến khích, còn nếu tăng chi phí thì cân nhắc cho phù hợp",

Mỗi năm, Việt Nam lại phát hành thêm khoảng 5 triệu chiếc thẻ ATM mới, với chi phí phát hành khoảng 250 tỷ đồng. Con số này hoàn toàn có thể giảm đáng kể khi nhu cầu mở thẻ giảm xuống vì đã có căn cước công dân gắn chip.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều tiện ích sử dụng cho người dân, như được thanh toán tại các máy POS hay được rút tiền ở bất cứ máy ATM nào của bất kỳ ngân hàng nào...

Tiền gửi thanh toán của người dân lần đầu vượt 1 triệu tỷ đồng

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã ghi nhận xu hướng tăng mạnh trong 2 quý gần đây. Đặc biệt, chỉ tính riêng quý I năm nay, số dư này đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán của người dân vượt mốc 1 triệu tỷ. Thực tế, số dư tiền gửi này đã tăng liên tục từ quý I/2020 đến nay, tuy nhiên, mức tăng bình quân hàng quý trước đó chỉ dưới 10%.

Không chỉ số dư tiền gửi thanh toán của người dân tăng lên, số dư tiền gửi có kỳ hạn của nhóm khách hàng này tại các ngân hàng cũng đã tăng nhanh trong quý đầu năm nay.

Cụ thể, tính riêng tháng 3, số dư tiền gửi ngân hàng của người dân đã tăng hơn 14.000 tỷ đồng, nâng tổng mức tăng trong 3 tháng đầu năm lên 174.000 tỷ, tương đương 3,28%. Hiện tổng số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt khoảng 5,47 triệu tỷ đồng.

Mức tăng này thậm chí còn cao hơn số tăng của cả năm 2021 trước đó với chỉ 3,08%, chưa bằng 1/5 so với mức tăng trưởng của số dư tiền gửi doanh nghiệp (15,73%).

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền gửi của người dân chảy mạnh vào kênh ngân hàng là do mặt bằng lãi suất huy động đã tăng mạnh từ cuối năm 2021 đến nay. Nhiều nhà băng chỉ trong 5 tháng đầu năm nay đã có tới 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động với mức tăng phổ biến 1,5-2%/năm.

Bên cạnh đó, dòng tiền cá nhân chảy vào ngân hàng này cũng đến một phần từ dòng tiền bị rút ra khỏi kênh đầu tư chứng khoán.

Theo đó, trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm liên tục từ đầu năm, thanh khoản thị trường cũng ghi nhận xu hướng giảm mạnh khi chỉ trên 15.000 tỷ đồng trong tháng 5, thấp hơn gần 44% so với tháng 12/2021 và giảm hơn một nửa so với cao điểm thanh khoản thị trường tháng 11/2021.

Standard Chartered đánh giá về triển vọng tích cực của ngành ngân hàng Việt Nam

Đây là nhận định của ông Patrick Lee, Giám đốc khu vực phụ trách Singapore và các thị trường ASEAN, Chủ tịch Hội đồng thành viên Standard Chartered Việt Nam.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Kéo dài thời gian xử lý nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023
Standard Chartered đánh giá về triển vọng tích cực của ngành ngân hàng Việt Nam

Với vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động giao thương quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như với vị thế là một trung tâm sản xuất, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển và mang đến nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn.

Việt Nam là một thị trường năng động và đóng một vai trò quan trọng của mạng lưới hoạt động của Standard Chartered trên toàn cầu, theo ông Patrick Lee.

“Chúng tôi tin rằng, Việt Nam sẽ có vị thế mới trong ASEAN do đây là một thị trường có tiềm năng rất lớn với tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức tốt trong những năm qua và các năm tới. Ngoài ra, triển vọng của ngành ngân hàng tại Việt Nam đang rất tốt”, ông Patrick Lee nói.

Mặc dù đang đứng trước nhiều thách thức lớn chung của nền kinh tế toàn cầu, nhưng ông Patrick Lee cho rằng, nếu nhìn vào vị thế trong ASEAN, Việt Nam có thể hưởng lợi từ những thách thức này.

Cụ thể, khi các doanh nghiệp nước ngoài đa dạng hóa nguồn cung sản xuất, lãnh đạo Standard Chartered tin rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ làn sóng FDI dịch chuyển trên toàn cầu. Thêm vào đó, với môi trường chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư phát triển, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng những năm tới.

“Việt Nam cũng có lợi thế về nhân khẩu học với dân số trẻ, thu nhập và nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên. Đây là những yếu tố tích cực đối với ngành ngân hàng tại Việt Nam”, ông Patrick Lee đánh giá.

Còn bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đang là một ngôi sao sáng trên trường quốc tế. Động lực này chủ yếu đến từ vai trò của Chính phủ trong việc duy trì tăng trưởng ổn định và thế năng động của một nền kinh tế đang phát triển...

Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Kéo dài thời gian xử lý nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn