Bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng Tam phủ

08:05 | 01/03/2024

|
Tín ngưỡng Tam phủ là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Việc thực hành tín ngưỡng Tam phủ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Với nền tảng văn hóa, lịch sử dựa trên các giá trị nhân văn, từ bi, bao dung gắn liền với hình tượng Mẹ, tín ngưỡng Tam phủ hướng con người đến các giá trị chân, thiện, mỹ cần được bảo tồn và phát huy, tuy nhiên, cần gắn liền với việc phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi thực hành biến tướng, méo mó.

Bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng Tam phủ
Các đại biểu tham quan trưng bày giới thiệu về tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc_Ảnh: vnanet.vn

Phát huy mặt tích cực

Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể tại phiên họp của Hội đồng Liên chính phủ diễn ra từ ngày 28-11-2016 đến ngày 2-12-2016 tại Thủ đô Addis Ababa, Ethiopia.

Còn được gọi là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ hay tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng Tam phủ không chỉ thể hiện nhu cầu, khát vọng tinh thần chính đáng của con người về cuộc sống khỏe mạnh, bình an, thịnh vượng, mà còn thể hiện sự trân trọng, kính ngưỡng với hình tượng Mẹ qua hóa thân của các vị thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng và nước. Tín ngưỡng này có nguồn gốc dân gian lâu đời nhưng phát triển mạnh từ thời Hậu Lê thế kỷ thứ XV với truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Tam phủ gắn liền với 3 miền trời, rừng và nước với sự cai quản tương ứng của 3 vị Thánh Mẫu: Mẫu đệ nhất Thiên Tiên, Mẫu đệ nhị Nhạc Tiên, Mẫu đệ tam Thủy Tiên và sau này có thêm phủ thứ tư là miền địa với sự cai quản của Mẫu đệ tứ Địa Tiên. Tứ phủ tượng trưng cho không gian sinh hoạt và mối quan hệ của con người với trời, đất, rừng, nước.

Trời, đất, rừng và nước cung cấp tài nguyên để nuôi sống con người với sự hào phóng, bao dung, yêu thương như tình thương của mẹ dành cho con. Trong lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc Việt Nam nói riêng và các dân tộc trên thế giới, hình tượng người mẹ luôn vừa gần gũi vừa thiêng liêng với tình thương bao la, vô điều kiện.

Thực hành tín ngưỡng Tam phủ trong công nhận của UNESCO bao gồm các hoạt động thờ cúng, tham gia các nghi lễ, nghi thức như hầu đồng nhằm thể hiện sự tôn kính với các vị Thánh Mẫu. Theo UNESCO, “những hoạt động này góp phần duy trì một phần của lịch sử, di sản văn hóa và bản sắc của cộng đồng với một số yếu tố như trang phục, âm nhạc và điệu nhảy truyền thống...

Việc thực hành những giá trị và tín ngưỡng chung trong sự từ bi và gia ân của các Thánh Mẫu xây dựng nền tảng cho quan hệ xã hội, kết nối các thành viên trong cộng đồng. Việc thờ cúng các vị Thánh Mẫu còn góp phần nâng cao vai trò và vị thế của nữ giới trong xã hội”.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh - người có công lớn trong việc UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là di sản phi vật thể của nhân loại - cho rằng, một trong những giá trị lớn của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là sự kết tinh của ý thức lịch sử và ý thức xã hội. Các vị thánh trong đạo Mẫu được lịch sử hóa, là hóa thân của các anh hùng dân tộc như Đức Thánh Trần, ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy...

Ví dụ, ông Hoàng Mười là tướng Nguyễn Xí - một vị tướng giỏi thời vua Lê Thái Tổ; ông Hoàng Bảy - là quan triều đình trấn giữ biên giới. Mặc dù các cứ liệu lịch sử chưa thật vững chắc và những sự hiển thánh, phong thánh mang màu sắc dân gian, huyền bí nhưng hình tượng các vị thánh là anh hùng dân tộc là hình mẫu giáo dục lòng yêu nước, tấm lòng yêu nước thương dân.

Với sự phát triển của đời sống vật chất, đời sống tinh thần cũng được quan tâm nhiều hơn. Những đền, phủ thờ các vị thánh trong tín ngưỡng Tam phủ được xây dựng khang trang, uy nghiêm và trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân. Những ngày đầu xuân hoặc các lễ hội, hàng nghìn người dân tập trung về các đền, phủ nổi tiếng để cầu sức khỏe, bình an.

Những khát vọng tinh thần chính đáng cùng với tâm thức tôn kính, tri ân các vị thánh, các anh hùng dân tộc đều đáng được trân trọng. Tín ngưỡng hay tôn giáo đều hướng con người đến cái thiện, tích thiện để lũy phúc, qua đó chủ động, tích cực cải tạo vận mệnh và xây dựng đời sống tốt đẹp cho bản thân và cộng đồng.

Bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng Tam phủ

Cần phòng ngừa mặt trái

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng Tam phủ gắn liền với việc phòng ngừa, chấn chỉnh những mặt trái. Những mặt trái này vốn dĩ không phải do tự thân tín ngưỡng, mà do sự thực hành không đúng đắn của một số thành viên trong cộng đồng, hoặc do sự biến tướng của tín ngưỡng trước tác động của lối sống thực dụng, đời sống thương mại hóa.

Tín ngưỡng vốn hàm chứa những giá trị tinh thần, phi vật chất, nhưng khi bị ô nhiễm bởi những mục đích, nội dung vật chất, thương mại thì giá trị tinh thần sẽ bị bóp méo. Khi những suy nghĩ, hành vi vật chất thực dụng lấn át suy nghĩ, hành vi thực hành tín ngưỡng, đó là lúc tà tri tà kiến (cái nhìn sai lệch, không bằng trí tuệ mà bằng thương - ghét), mê tín dị đoan xuất hiện.

Việc thực hành tín ngưỡng Tam phủ gắn liền với nghi lễ hầu đồng do các thanh đồng thực hiện. đây vốn là hoạt động tinh thần, mang tính chất biểu diễn âm nhạc và vũ điệu, tạo ra sự kết nối, đồng điệu, tương giao giữa con người và thần linh trong không gian văn hóa tâm linh. Chính trong hoạt động này, các điệu múa, trang phục, ca văn truyền thống được trau chuốt, giữ gìn và phát huy, đem lại sự trải nghiệm tinh thần, văn hóa cho những người tham gia hầu đồng.

Thế nhưng, hiện nay tại một số đền, phủ, hoạt động hầu đồng diễn ra với tính chất thương mại rõ nét, biến tướng thành hoạt động giải trí hay trục lợi. Một số thanh đồng, nhất là cô đồng, cậu đồng trẻ tham gia hầu đồng để đánh bóng bản thân, tìm kiếm lợi ích tiền bạc, hiện tượng “đồng giả”, “đồng đú” xuất hiện.

Tín ngưỡng Tam phủ vốn được xây dựng trên nền tảng văn hóa ngàn đời của dân tộc nhưng trong thực hành của các thanh đồng thiếu hiểu biết văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng này bị biến thành hoạt động cầu cúng đơn thuần. Không ít người lợi dụng danh nghĩa cô đồng, cậu đồng “được ăn lộc thánh” để thực hiện những hoạt động mê tín dị doan, lừa đảo, trục lợi, dẫn dắt người khác vào các hoạt động sai trái, tâm lý cầu may, tâm lý lười biếng, thói lệ thuộc “há miệng chờ sung”.

Việc thực hành tín ngưỡng Tam phủ không phải để cầu lộc, cầu tài mà để bày tỏ lòng tri ân với các vị thánh - hình tượng đại diện cho các giá trị tốt đẹp. Cùng với sự bày tỏ nguyện vọng ấy, mỗi cá nhân tích cực, chủ động kiêng dữ làm lành, đoạn ác tu thiện, làm nhiều việc thiện lành để giúp ích cho đời, cho người, làm theo nguyện hạnh cứu nhân độ thế của các vị thánh.

Việc cô đồng bổ cau xem bói “đúng nhận, sai cãi” ở tỉnh Hải Dương trong năm 2023 là câu chuyện đáng buồn điển hình khi thanh đồng đi vào con đường sai trái, phổ biến tà tri, tà kiến, hoạt động mê tín dị đoan. Không chỉ xem bói, một số thanh đồng thậm chí tổ chức áp vong, gọi hồn, cầu cúng tốn kém, đánh vào tâm lý lo lắng, sợ hãi của mọi người.

Khi có hoạn nạn, trắc trở, con người thường trở nên mất phương hướng và sẵn sàng “vái tứ phương”. Tại không ít các đền, phủ hiện nay, các mâm cúng lớn vô cùng xa hoa, lãng phí được đưa lên với tâm lý “đổi chác” lấy bình an, tài lộc, công danh.

Việc thực hành tín ngưỡng Tam phủ ở nhiều nơi cũng thường kéo theo nạn đốt vàng mã. Việc đốt vàng mã với số lượng lớn không chỉ gây tốn kém tiền bạc mà còn làm ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước. Nếu thực sự kính trọng các miền trời, đất, nước và rừng như không gian sinh sống chung trong tín ngưỡng Tam phủ, mỗi người phải có trách nhiệm và hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống ấy.

Ngày 31-1-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, bao gồm việc vận động người dân không đốt vàng mã tràn lan. Các vị cao tăng đại đức cũng từng cảnh báo, việc đốt vàng mã không mang lại ích lợi gì cho cả người đốt và người được đốt.

Như bất kỳ tín ngưỡng hay tôn giáo nào, tín ngưỡng Tam phủ hướng con người đến việc trân trọng truyền thống, lịch sử của dân tộc, tri ân công lao của các vị tiền nhân, thể hiện sự kính ngưỡng đối với Mẹ, từ đó xây dựng lối sống hiếu đạo, thiện lành.

Chính vì thế, việc thực hành tín ngưỡng Tam phủ hay thờ Mẫu của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Khi hiểu đúng và thực hành tín ngưỡng đúng với tinh thần như thế, các giá trị của tín ngưỡng Tam phủ mới được bảo tồn và phát huy một cách thực chất, không chỉ mang ý nghĩa đặc trưng cho dân tộc Việt Nam mà trở thành giá trị phổ quát của nhân loại./.

Nguồn: Bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng Tam phủ

Vũ Thanh Vân

hssk.tapchicongsan.org.vn