Bến Tre: “Cô Dừa” theo đuổi đam mê ứng dụng dầu dừa vào mỹ phẩm

08:07 | 21/10/2023

|
Năm 2016, khi Tỉnh ủy phát động Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh, chị Ngô Thị Kiều Dương, sinh năm 1980, đến từ tỉnh Tây Ninh, đã bắt đầu gia nhập cộng đồng khởi nghiệp Bến Tre với các sản phẩm đầu tiên từ dầu dừa. 7 năm trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, chị được biết đến với tên gọi ấn tượng là “Cô Dừa” và thương hiệu dừa LABO với khoảng 20 dòng sản phẩm chăm sóc da, tóc và cho gia đình.
Bến Tre: “Cô Dừa” theo đuổi đam mê ứng dụng dầu dừa vào mỹ phẩm
Chị Ngô Thị Kiều Dương ứng dụng công nghệ vào sản xuất các sản phẩm từ dầu dừa.

Nghiên cứu và ứng dụng

Là thạc sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học và có 15 năm công tác tại Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu thuộc Bộ Công Thương, chị Ngô Thị Kiều Dương đã tham gia và chủ nhiệm rất nhiều dự án về cây có dầu, trong đó nổi bật là cây dừa.

Các dự án gần nhất mà chị thực hiện là chọn tạo và khảo nghiệm một số giống dừa mới ở một số tỉnh phía Nam; sản xuất rượu cao độ từ mật hoa dừa; nghiên cứu hoàn thiện dữ liệu khoa học và hồ sơ pháp lý công nhận giống dừa sáp; khai thác và phát triển nguồn gen cây dừa; phát triển giống dừa chất lượng cao; giải pháp đa lợi ích giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Việt Nam và các nước Đông Dương bằng phát triển nhiên liệu sinh học…

Với những đóng góp quan trọng cho quốc gia, chị được xếp vào danh sách những cán bộ nguồn tiềm năng. Thế nhưng, những hạn chế, khó khăn chung là việc ứng dụng công nghệ đã nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Với chị, điều này quả thực vô cùng ức chế, vì thành công trong nghiên cứu, thực nghiệm mới chỉ là bước đầu. Để có thành công thực sự là phải ứng dụng các nghiên cứu đó vào thực tiễn ngay. Đó cũng là lý do mang tính quyết định để chị chọn lựa bước ra khỏi môi trường nghiên cứu của viện, bắt đầu với hướng đi riêng cho mình là bỏ phố về quê, sáng lập Công ty cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long.

Từng nghiên cứu rất nhiều dự án về dừa có quy mô cấp quốc gia, nên khi bước ra khởi nghiệp, chị có nhiều thuận lợi hơn trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm. Có thể kể đến dòng sản phẩm đầu tiên mà chị xem là khá thành công và muốn đánh mạnh vào thị trường là dầu dừa đuổi muỗi, thương hiệu LOMOS. Sản phẩm chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên, như từ dầu dừa, kết hợp với sả, chanh và các thảo dược khác, vừa giúp đuổi muỗi, vừa đảm bảo an toàn cho da của em bé. Hiệu quả bước đầu là sản phẩm vào được khá nhiều các cửa hàng bán thuốc.

Tuy nhiên, sau một thời gian khởi nghiệp, chị nhận thấy hạn chế của dòng sản phẩm này là phụ thuộc nhiều vào thời tiết, doanh số bán ra hạn chế, lợi nhuận không đủ bù vào các khoản truyền thông, marketing. Chị tiếp tục ra nhiều dòng sản phẩm khác từ dầu dừa để chăm sóc da bằng công nghệ thủy phân, cùng với đó là thay đổi thương hiệu sao cho phù hợp với dòng sản phẩm chính của công ty.

Bản lĩnh tiếp nối đam mê

Khó khăn nhất đối với chị có lẽ là giai đoạn doanh nghiệp khởi nghiệp phải đương đầu với dịch Covid-19. Thời gian này, Công ty cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long gần như co cụm lại hoàn toàn và chỉ còn duy nhất 1 nhân sự làm từ “a - z”, đó là chị. Đôi lúc, chị cảm thấy tinh thần của mình bị suy sụp vì kinh doanh không thành công. Chị tự bật ra câu hỏi cho bản thân: “Tại sao người khác làm được, còn mình thì không?” Vậy là chị lò mò lục soạn, phân tích tất cả những thông tin liên quan về sản phẩm dừa ở các nước mà chị từng đến tham quan và học tập, trong đó có Ấn Độ và Thái Lan.

Bến Tre: “Cô Dừa” theo đuổi đam mê ứng dụng dầu dừa vào mỹ phẩm
Chị Ngô Thị Kiều Dương sản xuất 20 sản phẩm chăm sóc da, tóc và gia đình từ dừa và kết hợp các loại thảo dược.

Sau dịch Covid-19, chị cho công ty vận hành trở lại theo hướng vừa gia công, vừa ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất sản phẩm, tạo ra dòng sản phẩm mới từ dừa nhưng mang lại giá trị và hiệu quả hơn cho người tiêu dùng. Đó là công nghệ NANO vật lý. Theo chị, đây là công nghệ mới lần đầu tiên ứng dụng vào sản xuất sản phẩm dừa tại Việt Nam, việc cắt nhỏ phân tử dầu dừa hơn sẽ giúp đưa dầu dừa qua lỗ chân lông, tẩm thấu sâu vào trung bì của da dễ dàng hơn. Khắc phục được những nhược điểm của dầu dừa trước nay là gây bết, bít lỗ chân lông, dẫn đến dễ nổi mụn, hay da đầu có gàu.

Công nghệ NANO được chị ứng dụng ngay và đồng loạt vào 20 dòng sản phẩm từ dầu dừa cùng các loại thảo dược tốt cho sức khỏe và phổ biến ở nông thôn như sả, chanh, gừng, chúc, nghệ, tràm, hoa hồng…

Một số sản phẩm thương hiệu Dừa LABO như: dầu dừa nano, dầu dừa nano massage oil, dầu dừa dạng nước dưỡng da mặt, gel dưỡng môi, del dịu mát da, sữa tắm gội, muối bùn tắm, dầu gội hoa bưởi, nước dưỡng tóc hoa bưởi, dầu gội cau gừng… Sản phẩm đang được kinh doanh trong các hệ thống nhà thuốc, hệ thống siêu thị, spa trong nước như: Pharmacity, Kidsplaza, Finelife, Japana, Kalin Spa, Tóc Việt… Đặc biệt, sản phẩm đang được chú trọng trên hệ thống thương mại điện tử trong và ngoài nước như Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok shop tại Việt Nam và Lào.

Thay đổi lớn nhất của công ty là ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chứ mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp ngay từ đầu vẫn là đeo đuổi các liệu pháp truyền thống của Việt Nam mà trong dân gian ngày xưa hay dùng rất tốt cho sức khỏe. Qua đó nhằm đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chăm sóc da, tóc và gia đình tốt nhất hoàn toàn từ thiên nhiên, từ nông sản nông thôn của chúng ta”.

(Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long

Ngô Thị Kiều Dương)

Nguồn: “Cô Dừa” theo đuổi đam mê ứng dụng dầu dừa vào mỹ phẩm

Cẩm Trúc

baodongkhoi.vn