Đà Nẵng: Khuyến nông để trợ lực cho nông dân phát triển kinh tế

17:00 | 01/04/2024

|
Ngành nông nghiệp thành phố đã thực hiện nhiều mô hình khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; nhờ đó từng bước tạo ra chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, giúp nông dân cải thiện thu nhập.
Đà Nẵng: Khuyến nông để trợ lực cho nông dân phát triển kinh tế
Mô hình trình diễn sản xuất các giống lúa mới tại xã Hòa Phong trong vụ hè thu 2023. Ảnh: VĂN HOÀNG

Trình diễn, chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật

Tại thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), vụ hè thu 2023, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai mô hình trình diễn 5 giống lúa mới gồm: ST25, Thiên Hương 6, ĐB18, VNR10, Thơm Hương 31 với tổng diện tích 6ha. Kết quả đánh giá cuối vụ, các giống lúa trên đều cho năng suất, chất lượng ổn định, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu và chống chịu sâu bệnh ở mức khá tốt. Trung tâm đã đề nghị các hợp tác xã khuyến cáo nhân rộng một số giống lúa này.

Theo Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 Nguyễn Sỹ, một số giống lúa qua quá trình sản xuất đại trà đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải thay thế. Vì vậy, việc trình diễn các giống lúa mới có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thay thế những giống lúa bị thoái hóa và làm cơ sở để bổ sung vào cơ cấu giống của địa phương.

Cũng trong vụ hè thu và đông xuân 2023-2024, trung tâm đã triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ và liên kết tiêu thụ. Theo đó, vụ hè thu 2023, trung tâm triển khai mô hình tại 3 xã Hòa Châu, Hòa Phong và Hòa Tiến với tổng diện tích 26ha, các giống ĐT100 và ST25. Năng suất cuối vụ đạt 60 tạ/ha đối với giống ĐT100 và 52 tạ/ha đối với giống ST25. Lợi nhuận thu được sau khi trừ các khoản chi phí khoảng 200.000- 400.000 đồng/sào. Từ mô hình, HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 đã được chứng nhận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 12ha, chứng nhận vùng trồng; đồng thời, sản phẩm gạo chất lượng cao của HTX cũng được công nhận OCOP 3 sao vào cuối năm 2023.

Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 Ngô Văn Sinh cho biết, việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe con người mà còn hình thành những vùng sản xuất lúa có sản phẩm gạo chất lượng cao.... Mặt khác, sản phẩm gạo còn được liên kết tiêu thụ thông qua các kênh của HTX tại cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, trường học...; giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, cải thiện thu nhập của nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Được biết, ngoài các mô hình sản xuất lúa, trung tâm còn triển khai nhiều mô hình khác như thực nghiệm trồng dưa lưới Huỳnh Long, hoa cúc rũ tại Trại thực nghiệm Nông nghiệp Hòa Khương; sản xuất dưa hấu trên đất trồng mía tại xã Hòa Bắc; sản xuất hành hương theo hướng hữu cơ tại xã Hòa Châu; chăn nuôi gắn với an toàn dịch bệnh và gắn liên kết tiêu thụ tại xã Hòa Liên và Hòa Khương; thực nghiệm nuôi cua biển tuần hoàn bảo đảm an toàn sinh học; thực nghiệm sản xuất giống và hỗ trợ nuôi thương phẩm ốc bươu đen sinh thái an toàn sinh học tại xã Hòa Liên và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn)…

Nâng cao hiệu quả khuyến nông

Theo Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố, đa phần các mô hình khuyến nông trong thời gian qua phù hợp theo định hướng phát triển nông nghiệp của Đà Nẵng. Thông qua việc thực hiện các mô hình, trung tâm đã chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng vào trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương; từng bước tạo chuỗi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm đầu ra; cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường.

Bên cạnh đó, nhận thức của nông dân cũng có sự thay đổi tích cực trong việc sản xuất theo hướng hiện đại, tạo ra các sản phẩm an toàn, gia tăng giá trị cho nông sản, sản xuất theo chuỗi liên kết. Nhiều mô hình vừa sản xuất nông nghiệp, vừa phục vụ du lịch được “nông dân trẻ” đầu tư với quy mô lớn. Dẫu vậy, diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng thu hẹp; giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nên lĩnh vực khuyến nông chăn nuôi gặp khó khăn trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất cũng như nguồn nhân lực trẻ cho khu vực nông nghiệp còn hạn chế, đầu ra nông sản chưa ổn định.

Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đặng Văn Hồng cho hay, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình trình diễn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; qua đó, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, gắn với phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chuyên canh, sinh thái kết hợp du lịch, từng bước hỗ trợ hình thành các mô hình liên doanh, liên kết tiêu thụ và xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp thành phố, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP.

Các sở, ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể liên quan cần tăng cường công tác phối hợp để triển khai hiệu quả các hoạt động khuyến nông trên địa bàn. Để tháo gỡ khó khăn về kết nối tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thành phố cần tiếp tục triển khai công tác quy hoạch các vùng sản xuất tập trung hàng hóa; xây dựng thương hiệu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc khi mặt hàng trưng bày tại hội chợ hoặc trung tâm thương mại.

Nguồn: Khuyến nông để trợ lực cho nông dân phát triển kinh tế

Văn Hoàng

baodanang.vn