Khánh Hòa: Khánh Sơn hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ

10:05 | 15/08/2024

|
Ngày 13-8, UBND huyện Khánh Sơn phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo: "Khánh Sơn hướng đến nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững". Tham dự hội thảo, đại diện các sở, ngành của tỉnh, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà vườn đã có nhiều ý kiến giúp địa phương nhận diện được những vấn đề đặt ra trên đường đưa mũi nhọn kinh tế nông nghiệp Khánh Sơn phát triển theo hướng sản xuất hữu cơ.

Mũi nhọn kinh tế nông nghiệp

Trong khoảng 20 năm qua, huyện đã tìm tòi, phát triển được nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện khi chiếm đến hơn 70% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Trong đó, phát triển cây ăn quả đã tạo bước đột phá, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, toàn huyện có 3.640ha cây ăn quả, sản lượng năm 2024 dự kiến đạt 22.219 tấn. Trong đó, riêng sầu riêng chiếm đến 71% diện tích cây ăn quả, với 2.600ha; diện tích đang cho thu hoạch 1.700ha, sản lượng năm nay ước đạt 17.000 tấn. Nhiều nhà vườn trên địa bàn đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP), với hơn 350ha; có 15 mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích 430ha.

Khánh Hòa: Khánh Sơn hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ
Năm nay, nông dân Khánh Sơn được mùa sầu riêng.

Trong xu thế phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, huyện đang tập trung thực hiện Đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng. Cùng với đó, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ một giá trị sang tích hợp nhiều giá trị; chuyển từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra… Ngoài ra, còn phát triển ngành nông nghiệp gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Ông Bùi Hoài Nam - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn nhìn nhận: “Thời gian gần đây, người dân Khánh Sơn đã từng bước đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, mức độ đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nông nghiệp hữu cơ còn thấp; sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn GAP chưa được nhân rộng, nhất là chưa có mô hình chuẩn trong sản xuất hữu cơ”.

Sẽ xây dựng mô hình thí điểm để nhân rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Các tham luận, ý kiến thảo luận tại hội thảo đã giúp huyện nhận diện được thực trạng, điều kiện thuận lợi, thách thức đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Nhiều ý kiến đã phân tích chuyên sâu, đề xuất các giải pháp về: Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, chuỗi liên kết cung cầu; phát huy mối quan hệ nông nghiệp xanh với du lịch xanh của huyện; việc ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển nông nghiệp hữu cơ; liên kết 4 nhà trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện; phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp huyện; cần thiết phải có những mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với tạo sinh kế bền vững cho người dân; có mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, hiệu quả…

Ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ: Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, địa phương cần xác định đây là vấn đề căn cơ, lâu dài. Trong đó, cần xác định rõ quy trình triển khai

qua các khâu: Chọn vùng sản xuất phải màu mỡ, đầu nguồn nước, nguồn gió, cách ly với vùng sản xuất truyền thống; có các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn chuyển tiếp để trả đất sản xuất trở về trạng thái ban đầu, từ đó giảm dư lượng các hóa chất và cung cấp thêm hữu cơ cho đất. Đối với cây lâu năm tại Khánh Sơn, giai đoạn chuyển tiếp này ít nhất phải mất 3 năm. Bên cạnh đó, cần chú trọng khâu quản lý vật tư đầu vào, chú trọng sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Khó khăn trong vấn đề này là chưa có quy định về danh mục vật tư đầu vào đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, địa phương cần chú trọng khâu liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông), từ đó có chính sách để khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, địa phương cũng cần phải giải quyết được 2 vấn đề trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, gồm: Vận dụng cơ chế, chính sách như thế nào và nông dân có lựa chọn để phát triển nông nghiệp hữu cơ hay không? Ông Hùng cho rằng, địa phương cần có kế hoạch chi tiết để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Từ thực tế sản xuất của mình, các nhà vườn trên địa bàn còn nhiều băn khoăn với định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ của huyện. Đó là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ra sao, bởi nếu giá bán không cao hơn so với sản xuất truyền thống thì khó khuyến khích nông dân tham gia. Nông dân được hỗ trợ như thế nào khi chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ? Việc liên kết các chuỗi sản xuất như thế nào cho hiệu quả?… “Tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ sát sao cho các nhà vườn, cho nông dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất sạch, phát triển nông nghiệp hữu cơ; cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch… từ đó nâng cao giá trị cho các loại cây trồng chủ lực của huyện”, ông Mai Văn Khang - nông dân trồng sầu riêng ở xã Sơn Lâm (Khánh Sơn) nói.

Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Trong thời gian tới, cùng với công tác tuyên truyền, huyện sẽ nghiên cứu để xây dựng, triển khai 1 mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nông dân tìm hiểu hiệu quả, tham quan, học tập; từ đó nhân rộng ra các vùng sản xuất trên địa bàn. Đồng thời, tích cực hỗ trợ hộ nông dân, các hợp tác xã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác hữu cơ, nắm bắt kiến thức về thị trường… Từ đó, các hộ dân sẽ mạnh dạn phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, huyện sẽ có giải pháp để xây dựng liên kết "4 nhà" để sản xuất nông nghiệp tiến bộ, hiệu quả; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường…

Nguồn: Khánh Sơn: Hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ

Hải Lăng

baokhanhhoa.vn