Khánh Hòa: Thoát nghèo từ nuôi dê

10:00 | 11/08/2024

|
Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tập quán canh tác lạc hậu nên nhiều năm nay, lãnh đạo TP. Cam Ranh luôn đau đáu câu chuyện thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Raglai ở xã Cam Thịnh Tây. Vậy mà mấy năm nay, nhờ nuôi dê, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Nhân đàn dê, nâng cao thu nhập

Chúng tôi ghé nhà ông Mang Cương và vợ là bà Thị Khanh ở thôn Thịnh Sơn (xã Cam Thịnh Tây) lúc nhá nhem tối. Sở dĩ chúng tôi chọn thời điểm này bởi đây là lúc vợ chồng ông Cương mới có ở nhà sau khi lùa đàn dê từ trên núi về chuồng. Theo lời kể của ông Cương, trước kia, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã, kinh tế khó khăn do không có việc làm ổn định, con gái ông suýt phải bỏ học. Năm 2019, gia đình ông được UBND TP. Cam Ranh chọn để hỗ trợ 3 con dê giống (trị giá khoảng 10 triệu đồng). Từ ngày nhận dê, cứ sáng ra, ông Cương lùa dê lên rẫy ăn cỏ, chiều lùa về chuồng. Thấm thoát đến nay đã 5 năm, gia đình ông đã nhân đàn và bán được 2 lần. “Tôi không nhớ chính xác thời điểm nhưng có một lần tôi bán 8 con được gần 50 triệu đồng, giữa năm nay tôi lại mới bán 7 con được hơn 40 triệu đồng. Hiện nay, đàn dê của gia đình còn 7 con. Ngoài ra, gia đình còn có 3 con bò được mua từ tiền bán dê. Mỗi lần bán dê, tôi lại mua thêm bò hoặc gửi tiết kiệm. Nhờ vậy, kinh tế gia đình dần ổn định, trả hết nợ nần và lo cho 2 con ăn học. Năm ngoái, tôi mạnh dạn dỡ bỏ căn nhà cũ nát rồi vay thêm ngân hàng để xây căn nhà mới khang trang. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước mà gia đình tôi mạnh dạn phát triển kinh tế, dần thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống”, ông Cương cho hay.

Khánh Hòa: Thoát nghèo từ nuôi dê
Nhờ nuôi dê đã giúp gia đình ông Mang Cương thoát nghèo.

Rời nhà ông Cương, ông Mang Lộc - công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã Cam Thịnh Tây đưa chúng tôi đến rẫy nhà bà Thị Yên (82 tuổi) ở cùng thôn Thịnh Sơn. Hiện nay, bà Yên đang ở cùng con gái Thị Mí và một cháu gái mới học xong lớp 12. Cũng như gia đình ông Cương, năm 2019, gia đình bà Yên được thành phố chọn hỗ trợ 3 con dê giống. Sau khi dê sinh sản, nuôi lớn là bà Yên lại bán dê đực lấy tiền mua thêm dê cái về nuôi. Đến nay, đàn dê của gia đình bà Yên đã nhân lên gần 20 con, trị giá cả trăm triệu đồng.

Ông Mang Lộc cho biết, đời sống của người dân xã Cam Thịnh Tây nhiều năm nay gặp khó khăn do đất rộng nhưng chủ yếu là đồi núi, cằn cỗi, thiếu nước tưới, sản xuất phụ thuộc vào nước mưa. Xuất phát từ đặc điểm này, UBND xã Cam Thịnh Tây xác định, lựa chọn mô hình “nuôi dê sinh sản” để tỉnh hỗ trợ; đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về kỹ thuật nuôi. Nhờ mô hình triển khai hiệu quả đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân Raglai, giúp nhiều gia đình thoát nghèo.

Mô hình phù hợp với đồng bào

Theo báo cáo của UBND xã Cam Thịnh Tây, thời điểm năm 2019, xã cấp phát 345 con dê với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng cho 115 hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh. Sau khi cấp dê cho các gia đình, UBND xã đã thành lập tổ kiểm tra để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện mô hình “nuôi dê sinh sản”; đồng thời phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ kiểm tra thường xuyên đến nhà người dân để kiểm tra, hỗ trợ các hộ gia đình về kiến thức, kỹ năng nuôi dê.

Ông Mang Duyên - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây cho biết, trong số hộ nghèo, cận nghèo tham gia thực hiện mô hình, đến nay, có 105 hộ đã thoát nghèo và 5 hộ đã thoát cận nghèo. Tính đến nay, đàn dê của các hộ từ 345 con dê giống, đã nhân lên được 715 con. Các hộ đã bán 2.014 con dê đực và dê già để phục vụ cuộc sống gia đình. Hiện nay mô hình “nuôi dê sinh sản” trên địa bàn xã rất hiệu quả, mỗi con dê sinh sản từ 4 đến 6 con/năm. Mô hình phát triển đã từng bước góp phần cho các hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Ông Duyên cho biết, mô hình “nuôi dê sinh sản” trên địa bàn xã Cam Thịnh Tây được người dân rất đồng tình. Sau khi được hỗ trợ dê giống, người dân đã chủ động xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, chủ động đầu tư chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Cơ quan chuyên môn thành phố và của địa phương cũng tích cực theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc trong chăn nuôi, tiêm chủng phòng bệnh nên các hộ đã chăn nuôi dê đúng phương pháp, nhân đàn mở rộng quy mô chăn nuôi… Thông qua mô hình này, nhận thức của đồng bào dân tộc Raglai đã thay đổi tích cực, chịu khó sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Hướng tới giảm nghèo bền vững

Cam Thịnh Tây là xã vùng ĐBDTTS nằm ở phía tây nam của TP. Cam Ranh, cách trung tâm thành phố 15km. Toàn xã có 1.526 hộ với 6.036 khẩu. Trong đó, hộ ĐBDTTS là 1.508 hộ với 5.972 nhân khẩu (chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai), chiếm tỷ lệ 98,51% dân số toàn xã. Với đặc thù là xã có đông đồng bào Raglai sinh sống, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới không đạt kết quả như mong đợi. Nhiều năm nay, TP. Cam Ranh luôn tìm các giải pháp để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ triển khai hiệu quả mô hình “nuôi dê sinh sản”, đến nay toàn xã chỉ còn 53 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,03%) và 20 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 1,31%).

Khánh Hòa: Thoát nghèo từ nuôi dê
Đàn dê của gia đình bà Thị Yên.

Với những kết quả đã đạt được từ mô hình “nuôi dê sinh sản” trong giai đoạn 2019 - 2024, trong giai đoạn 2024 - 2029, địa phương sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ phát triển chăn nuôi, sản xuất, thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Từ kết quả của mô hình “nuôi dê sinh sản”, UBND xã Cam Thịnh Tây sẽ xác định, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với năng lực, nhận thức của đồng bào và thế mạnh của địa phương, tiến tới hình thành các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất chuỗi, đặc biệt hỗ trợ giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, nhờ có sự định hướng ngay từ đầu của lãnh đạo các cấp và các cơ quan chuyên môn, đến nay, có thể khẳng định mô hình “nuôi dê sinh sản” tại xã Cam Thịnh Tây là mô hình thích hợp nhất đối với vùng ĐBDTTS. Mô hình này được kỳ vọng sẽ tạo nên đòn bẩy giúp nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo đồng bào Raglai. “Mục tiêu của TP. Cam Ranh là đến năm 2029, thu nhập bình quân của ĐBDTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS giảm xuống dưới 5%; có 80% số hộ nông dân ĐBDTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa… Vì vậy, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung giải quyết cơ bản về đất ở, đất sản xuất, đảm bảo nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đồng thời thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với ĐBDTTS để giúp người dân đầu tư cho sản xuất, phát triển kinh tế" - ông Hiền cho biết.

Nguồn: Thoát nghèo từ nuôi dê

Văn Kỳ

baokhanhhoa.vn