Tin bất động sản ngày 4/11: Hà Nội quán triệt không lấp ao, hồ để làm nhà ở, khu đô thị

15:09 | 04/11/2022

|
Lâm Đồng chấm dứt hoạt động Dự án Nhà máy sản xuất bao bì và may công nghiệp; Sóc Trăng bố trí 1.000 tỉ đồng chi phí GPMB cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Thái Nguyên khởi công và động thổ 3 Cụm công nghiệp quy mô 160 ha… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 3/11: Đề xuất xử phạt chủ đầu tư khu du lịch Bãi Tranh Island tại Nha TrangTin bất động sản ngày 3/11: Đề xuất xử phạt chủ đầu tư khu du lịch Bãi Tranh Island tại Nha Trang
Tin bất động sản ngày 2/11: VICEM đề xuất tiếp tục đầu tư tháp nghìn tỉ “bỏ hoang” hơn chục nămTin bất động sản ngày 2/11: VICEM đề xuất tiếp tục đầu tư tháp nghìn tỉ “bỏ hoang” hơn chục năm

Hà Nội: Quán triệt không lấp ao, hồ để làm nhà ở, khu đô thị

Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội. Ban Chấp hành đảng bộ Thành phố cho rằng, tình trạng úng ngập xảy ra thường xuyên trên địa bàn thành phố có nguyên nhân khách quan là do Hà Nội có quá trình đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư gia tăng nhanh chóng; cùng với đó là tình hình biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, gây ra những đợt mưa lớn bất thường trái quy luật, lượng mưa hằng năm ngày càng có sự giao động lớn, khó dự báo.

Tin bất động sản ngày 4/11: Hà Nội quán triệt không lấp ao, hồ để làm nhà ở, khu đô thị
Hà Nội quán triệt không lấp ao, hồ để làm nhà ở, khu đô thị/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Bên cạnh đó, những nguyên nhân chủ quan là sự vào cuộc thiếu quyết liệt, chưa sâu sát của cơ quan quản lý dẫn đến hệ thống thoát nước của thành phố vẫn chưa được hoàn chỉnh; việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn thiếu đồng bộ; Quy hoạch hệ thống thủy lợi và quy hoạch thoát nước đô thị của thành phố Hà Nội đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn từ 2009 - 2013, nhưng việc đầu tư các công trình tiêu, thoát nước đô thị và nông thôn của Thành phố theo quy hoạch còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Ngoài ra, Sông Nhuệ và một số con sông khác trên địa bàn Thành phố chưa được cải tạo, nạo vét, kè sông; và việc lấp hồ ao để xây dựng các dự án cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng úng ngập trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua.

Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố yêu cầu quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, khu cụm công nghiệp...

Đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư, địa phương xây dựng các khu công viên cây xanh có hồ điều hòa để tăng khả năng tiêu thoát nước đô thị khi xảy ra mưa lớn. Bên cạnh đó, cần lưu ý việc khớp nối hệ thống thoát nước tại các khu đô thị mới, các khu dân cư... phải được thực hiện đồng bộ với hệ thống thoát nước chung của Thành phố.

Lâm Đồng chấm dứt hoạt động Dự án Nhà máy sản xuất bao bì và may công nghiệp

Công ty cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu Tấn Phát vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư trong thực hiện dự án theo Luật Đầu tư năm 2020.

Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Tấn Phát nộp lại bản chính Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 6053618352 do Ban quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng cấp lần đầu ngày 10/9/2020, chứng nhận thay đổi lần thứ nhất ngày 20/10/2020.

Cùng với đó, Ban quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty này thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng thuê lại đất với Công ty Phát triển hạ tầng Lộc Sơn - Phú Hội; đồng thời thực hiện việc thanh lý tài sản (nếu có) để bàn giao lại đất cho Công ty Phát triển hạ tầng Lộc Sơn - Phú Hội.

Nhà đầu tư có trách nhiệm tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động và hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư liên quan đến các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Ban quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 35/QĐ-KCN ngày 2/11/2022 về việc chấm dứt hoạt động của Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất bao bì và may công nghiệp tại KCN Lộc Sơn. Tại Quyết định số 35/QĐ-KCN, Ban quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Công ty này đã vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư trong thực hiện dự án theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.

Sóc Trăng bố trí 1.000 tỉ đồng chi phí GPMB cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

UBND tỉnh Sóc Trăng mới đây đã triển khai bàn giao hồ sơ thiết kế cắm mốc GPMB Dự án thành phần 4, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Theo đó, dự án có tổng chiều dài 58,4km, đi qua các huyện: Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và TP. Sóc Trăng. Điểm đầu dự án giao km131 + 300 kết nối đoạn qua Hậu Giang, đầu phạm vi nút giao với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp; điểm cuối Cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Dự án thành phần 4 có tổng mức đầu tư 11.120 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 1.958 tỉ đồng.

Về tiến độ hiện tại, Chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng) cho biết đã tổ chức cắm được khoảng 24km mốc GPMB, đang chuẩn bị phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm mốc GPMB.

Lãnh đạo các địa phương cam kết sau khi bàn giao hồ sơ thiết kế cắm mốc GPMB thì địa phương sẽ đẩy nhanh công tác GPMB của dự án đúng theo tiến độ đã cam kết.

Sóc Trăng yêu cầu bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/6/2023 để dự án khởi công đúng tiến độ. Công tác bàn giao mặt bằng dự kiến hoàn thành trước 31/12/2023. Phía Lãnh đạo tỉnh cam kết bố trí 1.000 tỉ đồng (tối thiểu 50%) chi phí GPMB để đảm bảo tiến độ dự án.

Dự án đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027…

Được biết, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) có tổng chiều dài khoảng 188,2 km, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công với tổng vốn đầu tư hơn 44.500 tỉ đồng.

Trong đó, tuyến đi qua địa phận tỉnh An Giang có chiều dài hơn 56km, TP Cần Thơ hơn 37km, tỉnh Hậu Giang hơn 37km và tỉnh Sóc Trăng hơn 56 km. Giai đoạn 1 dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục. Thống kê sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.205ha.

Thái Nguyên khởi công và động thổ 3 Cụm công nghiệp quy mô 160 ha

Cụm công nghiệp (CNN) Tân Phú 1, Tân Phú 2 thuộc TP.Phổ Yên và CCN Lương Sơn thuộc TP Sông Công được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (thành viên thuộc Tập đoàn đầu tư Sài Gòn SGI) làm chủ đầu tư từ ngày 15/4.

Tin bất động sản ngày 4/11: Hà Nội quán triệt không lấp ao, hồ để làm nhà ở, khu đô thị
Thái Nguyên khởi công và động thổ 3 Cụm công nghiệp quy mô 160 ha/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cả ba dự án có tổng quy mô diện tích trên 160ha với mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng và sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2023. Trong đó, CCN Tân Phú 1 có diện tích 74,5ha, CCN Tân Phú 2 có diện tích 56,5ha.

Với lợi thế có trục kết nối giao thông với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, từ CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2 chỉ mất 30 phút để di chuyển đến sân bay Nội Bài, 1 giờ để đến trung tâm TP Hà Nội và 2 giờ đến Cảng nước sâu Cái Lân, Quảng Ninh hay cảng Đình Vũ, Hải phòng.

CCN Tân Phú 1, Tân Phú 2 và CCN Lương Sơn sẽ phát triển thành các cụm logictics và khu vực hóa chuỗi cung ứng, nhằm thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng. Dự án sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Được biết, trên địa bàn TP Thái Nguyên hiện có 19 CCN đã và đang được đầu tư hạ tầng.

Nguồn: Tin bất động sản ngày 4/11: Hà Nội quán triệt không lấp ao, hồ để làm nhà ở, khu đô thị

Huy Tùng (t/h)

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/