Lâm Đồng: Dạo bước giữa plei Ma Bó

05:00 | 19/07/2024

|
Về với xã Đa Quyn (Đức Trọng, Lâm Đồng), tôi đã được gặp và ấn tượng khá sâu sắc về chị, một người con của dân tộc Churu. Dường như, đối với chị, không tình yêu nào lớn hơn tình yêu plei (làng) Ma Bó - Đa Quyn thân thương, với văn hóa tộc người. Từ đó, chị cống hiến tất cả tâm huyết, trí tuệ để tri ân và góp phần cùng đồng bào của mình gìn giữ những giá trị thiêng liêng tổ tiên xưa truyền lại.

Tôi chỉ là một lữ khách dạo bước chân qua miền Churu, được chứng kiến đời sống của đồng bào nơi đây, được nghe những câu chuyện của chị và những người đồng tộc, làm cho tôi chưa rời đã lại thấy nhớ vùng đất tươi đẹp và bình yên này. Chị là Ma Thuận, người thêm một lần dẫn tôi trải nghiệm plei Ma Bó trong một ngày tràn đầy cảm xúc…

Chị Ma Thuận trò chuyện cùng bà con

Chị Ma Thuận (bìa phải) trò chuyện cùng bà con

GIỮA BUÔN LÀNG, GẶP LẠI “CỐ NHÂN”

Lần trước, tôi đã từng đặt chân đến plei Ma Bó - Đa Quyn, được gặp gỡ những người đồng bào dân tộc Churu; được nghe những câu chuyện huyền thoại, giữa thăm thẳm rừng đêm vang vọng trong tôi tiếng cồng, tiếng chiêng. Tôi cũng từng được say đắm thưởng lãm những vũ điệu tamya và cùng những người anh em đại ngàn hòa quyện cảm xúc lâng lâng bên ché rượu cần. Chẳng biết tự bao giờ, Tây Nguyên đã khắc sâu trong tâm hồn tôi nên đến với Ma Bó tôi không hề thấy có gì lạ lẫm. Cũng đúng thôi, tôi sinh ra từ vùng đất này, vùng đất của những sử thi Đăm Săn, Xing Nhã hay chuyện tình huyền sử chàng K’Lang và nàng Ha Biang, vùng đất của những nét văn hoá vô cùng đặc sắc và hấp dẫn…

Chị Ma Thuận, người con của núi rừng Tây Nguyên, yêu say đắm những giá trị di sản tộc người Churu của mình. Trở lại Ma Bó, tôi lại được “trở về” theo dòng cảm xúc cùng chị. Tôi lại được hoà mình với thiên nhiên hữu tình, được quan sát những nghệ nhân như Ya Tim, Ya Bọ say sưa đan gùi, tấu chiêng trong không gian núi rừng hùng vĩ, trong xào xạc tiếng gió, tiếng thú hoang vọng từ triền núi xa. Một cảm xúc chất chứa những da diết, yêu thương thẳm sâu trỗi dậy trong tôi. Trong mọi câu chuyện, Ma Thuận luôn dành cho tôi những nụ cười hiền, khiến tôi cảm giác như một người em xa được về với chị, như một đứa con xa về với buôn làng. Còn nhớ dịp trước, tôi ấn tượng mỗi lần trò chuyện cùng tôi, đôi mắt chị lại sáng lên khi kể về “câu lạc bộ cồng chiêng xã Đa Quyn” - một minh chứng về tình yêu và tâm huyết trở thành hiện thực. Chính lòng ngưỡng mộ của tôi với chị, chính nụ cười hiền chị dành cho tôi đã kết nối cảm xúc của hai người khác tộc…

Ma Thuận là con đầu lòng trong một gia đình thuần nông, cuộc sống ngày trước khá nghèo, khi cha mẹ chị sinh tới 10 con. Chị kể, từ thuở ấu thơ, tiếng ru của mẹ, lời dạy của cha về quê hương, về tộc người đã thấm sâu trong con người chị để không biết từ bao giờ, chị đã yêu tha thiết vùng đất và những con người ở nơi chốn này. Bởi vậy nên, khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, Ma Thuận đã quyết định theo học ngành Văn hoá các dân tộc thiểu số tại Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh. Chị nói, được học ngành mà mình thích, được hiểu biết thêm văn hoá tộc người mình và những tộc người anh em khác là ước mơ từ thuở thiếu thời. Đối với chị, tình yêu là vô cùng nhưng chỉ khi thấu hiểu, được giao lưu với những người anh em khắp mọi miền Tổ quốc thì mới có thể thấm thía được những giá trị thiêng liêng của dân tộc, của quê hương nơi cắt rốn chôn rau. Churu, một trong những tộc người là chứng nhân của hành trình thăng trầm của vùng đất Tây Nguyên, từ bao đời qua vẫn lưu giữ những nét đặc trưng văn hóa tộc người. “Tôi yêu quê hương, yêu tộc người Churu của mình nên luôn nỗ lực để tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị ấy. Cố gắng từng chút, từng chút một!” Chị Ma Thuận chia sẻ. Nói cũng như làm, Ma Thuận cùng những người trẻ ở Đa Quyn, ở plei Ma Bó tự nhận trách nhiệm kế thừa, truyền lửa; chị đã dành tất cả những tâm huyết cho sứ mệnh bảo tồn các giá trị văn hóa.

Tại xã Đa Quyn, chị Ma Thuận được biết đến với vai trò Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Tuy không gắn liền với vị trí công tác nhưng với những kiến thức từ giảng đường đại học hòa quyện trong niềm tự hào, chị thường xuyên nắm vai trò cốt cán trong công việc bảo tồn văn hóa; tập hợp, tổ chức, động viên những người trẻ bảo tồn di sản. Chị bộc bạch: “Những người am hiểu nhất về văn hóa truyền thống địa phương là các già làng, nghệ nhân. Hiện nay, hầu hết các ông bà đều đã tuổi cao, sức yếu, nếu không tổ chức để họ truyền dạy kịp thời, sự mai một văn hóa sẽ dần hiển lộ”. Cũng chính vì sự lo lắng như vậy, chị đã dành nhiều thời gian, sức lực để tiếp xúc, học hỏi trực tiếp từ các già làng, nghệ nhân; đồng thời sử dụng những kiến thức đã được lĩnh hội thời sinh viên, chị Thuận đã thực hiện nhiều cách làm tạo nên sự ảnh hưởng, khơi gợi tình yêu, niềm tự hào dân tộc đối với đồng bào, nhất là lớp trẻ nơi đây…

DẠO BƯỚC GIỮA PLEI…

Tôi nhớ mãi những khoảnh khắc được rảo bước cùng chị Ma Thuận giữa plei Ma Bó. Dưới cái nắng, cái gió của xứ sở đại ngàn, chúng tôi được đi thăm từng nhà, hỏi chuyện từng người. Tuy không am hiểu ngôn ngữ bản địa, tôi vẫn có thể cảm nhận được mối thân tình và xúc cảm mà mọi người dành cho các giá trị truyền thống và tình yêu dành cho vùng đất nơi họ sinh ra và gắn bỏ từ đời này qua đời khác. Giữa không gian chủ khách hòa làm một, tôi như quên mất bản thân mình chỉ là một lữ khách may mắn được ghé thăm nơi chốn thân thương này.

Chị Ma Thuận cùng nghệ nhân đan gùi

Chị Ma Thuận và nghệ nhân đan gùi Ya Tim

“Dạo này cuộc sống bà con thế nào? Cháu mới đi công tác về, nay mới có dịp ghé thăm!…”, chị Ma Thuận cất tiếng. Đáp lời chị là những người bà, người mẹ địu con, địu cháu trên lưng. Họ trò chuyện, nói cười rôm rả với chị như thể người thân trong nhà. Sự chia sẻ, yêu thương đã gắn kết những con người đồng tộc này với nhau. Cùng theo chân Ma Thuận, tôi bất giác trở thành một phần của câu chuyện, vừa được lắng nghe, vừa quan sát vừa khẽ… mỉm cười thú vị. Xã nghèo hay thôn nghèo? Những gì tôi cảm nhận lại là “sự giàu có của những vốn quý”. Sự giàu có của mối giao tình chân thành và nguồn vốn quý giá của kho tàng di sản văn hóa. Rời xa chốn thành thị náo nhiệt, có lẽ sự yên bình, hấp dẫn của plei Ma Bó đã phần nào xoa dịu những cảm xúc đôi phần mệt mỏi. Giữa nơi chốn này, còn lại trong tôi sự thanh thản, thăng hoa với cảnh sắc thiên nhiên và ấm áp tình người…

“Thương lắm!...”. Đó là câu nói của Ma Thuận khi cùng tôi rảo bước đi bộ đến làng cũ, chốn sinh sống của những hộ gia đình xa nhất, còn khó khăn nhất của plei Ma Bó, nơi mà điện thoại của tôi không thể bắt sóng. Chị Ma Thuận kể nhiều câu chuyện về đời sống của những người dân, nhất là những đứa trẻ nơi đây. Có lẽ cuộc sống hiện đại đã không ảnh hưởng nhiều đến những con người này. Họ trồng tỉa cây trồng, hòa mình với thiên nhiên, họ nghe tiếng suối chảy, du dương khúc hát với gió núi, mưa rừng. Ừ thì… còn nhiều thiếu thốn! Nhưng dõi theo những ánh mắt ấy, những câu chuyện ấy, tôi cảm nhận như cuộc sống của họ đã rất đủ đầy. Tự do phiêu bồng giữa sơn nguyên bao la, những người con của núi luôn nở tươi nụ cười hạnh phúc. Dù còn nhiều khó khăn nhưng họ lạc quan làm chủ cuộc sống của chính mình. Những đứa trẻ Churu ngây thơ nói rồi cười với tôi: “Chúng em rất thích ở đây! Xa xe cộ ồn ào, xa những nhà máy khói bụi, chúng em có cỏ cây, sông suối. Nóng thì tắm suối, lạnh thì nhóm lửa, ôm nhau truyền hơi ấm…”. Tôi chợt nghĩ, người dân Churu plei Ma Bó sinh ra từ núi, lớn lên từ rừng, chừng nào tiếng mẹ đẻ vẫn được nói cùng nhau, chừng nào những nhịp dân vũ, những làn điệu dân ca còn cất lên trong những đêm rừng, thì họ vẫn là những con người ngập tràn hạnh phúc!

Chứng kiến cuộc sống của những người con đại ngàn, tôi chợt ước một ngày nào đó không phải cầm trên tay chiếc điện thoại hay máy vi tính…, được về với “miền Churu” ấy để học cách canh nông, hái lượm, lùa trâu lên núi hay đan gùi, nung gốm. Có lẽ, tôi cũng sẽ quên đi những muộn phiền, được hòa vào âm thanh của rừng, được hát ca cùng dòng suối chảy. Ôi Ma Bó, dù chưa rời mà sao tôi đã nhớ. Vùng đất của những người anh em dân tộc thiểu số. Họ cười với tôi, họ nói với tôi, họ trao gửi với tôi những suy nghĩ chân thành nhất, những lời nói hồn nhiên nhất. Chỉ khi một lần được đắm say trải nghiệm, ta mới thấu hiểu về sự “không thể quên”.

“Em sẽ trở lại!”. Tôi đã nói vậy với chị Ma Thuận. Tôi sẽ về thăm lại chị, thăm lại buôn làng. Tôi sẽ trở lại nơi này để được gặp lại những con người thật thà, dễ mến, những nét văn hoá đặc trưng mà khó tìm ở nơi nào khác. Dù chỉ là một lữ khách từ đường xa tới, tôi đã thấy yêu lắm mảnh đất này!

Hãy chờ tôi, Ma Bó!

Nguồn: Dạo bước giữa plei Ma Bó

Tường San

baolamdong.vn