Khánh Hòa: Khánh Sơn lợi ích kép từ giao khoán bảo vệ rừng

10:00 | 18/07/2024

|
Chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), người Kinh nghèo được huyện Khánh Sơn nỗ lực triển khai bước đầu đã đem lại hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn có 222 hộ nhận khoán bảo vệ hơn 6.260ha rừng tự nhiên, với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng/năm.

Nhiều diện tích rừng được giao khoán bảo vệ

Tại Khánh Sơn, đa phần diện tích rừng được Nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa quản lý, bảo vệ với hơn 16.764ha, chiếm 55,49% trong tổng số hơn 30.212ha diện tích rừng và đất rừng trong toàn lâm phận. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị gặp khá nhiều khó khăn khi lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách mỏng, trong khi diện tích rừng của đơn vị trải rộng trên địa bàn 8 xã, thị trấn của huyện. Nhiều diện tích rừng thường xuyên bị các đối tượng nhòm ngó để khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm để lấy đất sản xuất. Đơn cử như tại Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Sơn Bình, với 5 nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng, trạm rất khó khăn trong việc bảo vệ diện tích rừng, đất rừng được giao lên đến hơn 12.680ha.

Ông Phan Văn Phương - Trạm trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Sơn Bình cho biết: “Với những khó khăn trong việc bảo vệ rừng, từ đầu năm 2024, trong lâm phận của trạm có 3.750ha rừng tự nhiên ở xã Thành Sơn và 1.350ha ở xã Sơn Hiệp đã được giao khoán cho 170 hộ ĐBDTTS nghèo ở 2 xã này bảo vệ. Nhờ thực hiện chủ trương giao khoán bảo vệ rừng, trạm có thêm nhân lực để thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng. Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng khi phát hiện rừng bị tác động sẽ báo ngay về trạm để kịp thời kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, còn có 900ha rừng tự nhiên khác của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa ở các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam và thị trấn Tô Hạp cũng được giao cho 34 hộ ĐBDTTS nghèo ở các địa phương này bảo vệ”.

Lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa và người dân nhận khoán bảo vệ rừng đi tuần tra ở xã Thành Sơn. Ảnh do đơn vị cung cấp

Lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa và người dân nhận khoán bảo vệ rừng đi tuần tra ở xã Thành Sơn. Ảnh do đơn vị cung cấp

Tương tự, những diện tích rừng do UBND một số địa phương trên địa bàn huyện quản lý cũng đã thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng cho người dân. Theo lãnh đạo UBND huyện, trong nỗ lực triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng, các địa phương trên địa bàn huyện đã rà soát và xác định có hơn 230,5ha rừng tự nhiên tại 2 xã Thành Sơn, Ba Cụm Nam và thị trấn Tô Hạp đủ điều kiện để giao khoán bảo vệ rừng cho ĐBDTTS nghèo. Đến nay, cả 3 địa phương trên đã triển khai hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 18 hộ dân. Cụ thể, xã Thành Sơn có 11 hộ dân nhận khoán gần 188,8ha, xã Ba Cụm Nam có 6 hộ dân nhận khoán bảo vệ 31ha, thị trấn Tô Hạp có 1 hộ dân nhận khoán bảo vệ hơn 10,7ha.

Cải thiện thu nhập cho hộ nghèo

Theo ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, từ đầu năm 2024, 45 hộ dân trên địa bàn xã đã ký kết hợp đồng và thực hiện việc tuần tra, bảo vệ 1.350ha rừng tự nhiên nhận khoán bảo vệ từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa. Các hộ đã tích cực tuần tra, kịp thời phát hiện những hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng như: Khai thác lâm sản, phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm rừng, săn bắt động vật rừng trái phép tại khu vực rừng tự nhiên nhận bảo vệ để kịp thời báo ngay cho Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Bình, lực lượng kiểm lâm... Nhờ đó, hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn được tốt hơn. Các hộ nhận khoán đều là ĐBDTTS nghèo nên nguồn thu nhập 400.000 đồng/ha/năm từ nhận khoán bảo vệ rừng đã góp phần giúp các hộ có thêm thu nhập.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thực hiện giao khoán bảo vệ rừng thời gian đầu triển khai còn gặp một số khó khăn như: Diện tích rừng tự nhiên đủ điều kiện giao khoán tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện còn manh mún, đan xen giữa các loại diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất nên khó khăn cho công tác khảo sát, thiết kế lập hồ sơ giao khoán. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên đủ điều kiện giao khoán cho người dân đa phần ở đồi núi cao, xa khu dân cư, đường đi lại khó khăn; người dân sợ trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng; định mức nhận khoán thấp… nên không mặn mà tham gia. Tuy nhiên, nhờ các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động phổ biến chính sách này nên nhiều hộ đã mạnh dạn nhận khoán bảo vệ rừng. Ông Bo Bo Thành Phố (thôn Tà Giang 2, xã Thành Sơn) nhận khoán bảo vệ hơn 14ha diện tích rừng tự nhiên tại lô 1, khoảnh 3, tiểu khu 267 do UBND xã Thành Sơn quản lý cho biết: “Gia đình tôi là hộ cận nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào rẫy chuối 0,4ha, làm thuê, làm mướn nên khi Nhà nước có chủ trương giao khoán bảo vệ rừng, tôi đã đăng ký nhận khoán bảo vệ. Trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng, tôi còn được địa phương hướng dẫn, hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Với hơn 14ha nhận khoán, mỗi năm, tôi có thêm 5,6 triệu đồng để cải thiện đời sống”.

Theo ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện, chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho hộ ĐBDTTS, người Kinh nghèo ở các địa phương miền núi, vùng ĐBDTTS đã được huyện nỗ lực triển khai và cho thấy hiệu quả kép khi các đơn vị chủ rừng có thêm nhân lực để tuần tra, bảo vệ rừng, rừng được giữ tốt hơn. Bên cạnh đó, các hộ nghèo trên địa bàn cũng có thêm nguồn thu nhập. Từ đó, góp phần giảm nghèo cho ĐBDTTS tại địa phương.

Nguồn: Khánh Sơn lợi ích kép từ giao khoán bảo vệ rừng

Hải Lăng

baokhanhhoa.vn