Khánh Hòa: Thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế Vân Phong

10:00 | 17/07/2024

|
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đưa ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển KKT trong thời gian tới.

Tạo ra cực tăng trưởng

Ông Lê Hồng Phương - Phó Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, KKT Vân Phong đã thu hút mới được 5 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 25.158,7 tỷ đồng, đạt 16,8% so với mục tiêu nghị quyết; vốn thực hiện được gần 48.395,6 tỷ đồng, đạt khoảng 65% so với mục tiêu nghị quyết; đóng góp thu ngân sách tỉnh khoảng 8.703 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 48.813 tỷ đồng, vượt 14% so với mục tiêu nghị quyết.

Trong công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đã được phê duyệt. Đến nay, có 11/19 phân khu chức năng được UBND tỉnh phê duyệt, HĐND tỉnh thông qua, các phân khu còn lại tiếp tục được quan tâm triển khai. Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa, Khu Công nghiệp Ninh Hải, Khu Du lịch Đông Nam Ninh Phước và một số khu chức năng khác... đang được điều chỉnh, cập nhật tại các quy hoạch phân khu.

Hạ tầng giao thông ở khu vực Bắc Vân Phong được đầu tư đồng bộ.

Khu vực Bắc Vân Phong.

Giai đoạn này, tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển KKT Vân Phong. Qua đó, đã thu hút được khá nhiều dự án quy mô lớn, như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong (409ha, tổng vốn khoảng 2,58 tỷ USD) đã hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành từ tháng 1-2024, tổng công suất 1.320MW, dự kiến đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh Thủy (207,9ha, vốn 294,7 tỷ đồng) cũng thu hút được 25 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 113 triệu USD.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực, trọng tâm thu hút đầu tư vào Vân Phong; thực hiện ký kết 11 biên bản ghi nhớ, nâng tổng vốn đầu tư vào KKT khoảng 76.000 tỷ đồng. Hiện nay, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp Dốc Đá Trắng (tổng vốn khoảng 1.807 tỷ đồng) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; 3 dự án trọng điểm tại khu vực Bắc Vân Phong với tổng vốn khoảng 70.000 tỷ đồng đã được nhà đầu tư nộp hồ sơ để triển khai thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Sẽ là trụ cột kinh tế của tỉnh

Nhằm đưa KKT Vân Phong trở thành trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đề ra tại Nghị quyết số 05. Cụ thể, vốn đăng ký đầu tư mới vào KKT giai đoạn 2024 - 2025 đạt khoảng 125.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn lên 150.000 tỷ đồng; vốn giải ngân tối thiểu tăng thêm 27.000 tỷ đồng, đóng góp thu ngân sách trên địa bàn KKT chiếm từ 30 đến 40%; giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40% của tỉnh; giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 10.000 lao động. Đồng thời, phấn đấu xây dựng, phát triển huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa thành đô thị công nghiệp theo định hướng Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một góc Nam Vân Phong.

Một góc Nam Vân Phong.

Theo ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, để phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 05, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện nghị quyết và nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển KKT Vân Phong đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp, quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 05 phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý KKT Vân Phong thực hiện công tác quản lý nhà nước; rà soát, hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lập quy hoạch phân khu để có cơ sở thu hút đầu tư. Đồng thời, chủ động làm việc với các nhà đầu tư đã ký bản ghi nhớ, hỗ trợ, hướng dẫn lập hồ sơ đề xuất đầu tư ngay khi các quy hoạch phân khu được phê duyệt và đẩy nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư triển khai dự án; đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, chú trọng các ngành nghề ưu tiên vào Vân Phong.

Trong phương hướng, nhiệm vụ của thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đề ra việc hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, sớm đưa Khu Công nghiệp Ninh Thủy vào hoạt động trong năm 2024, tạo điều kiện thu hút các dự án thứ cấp, góp phần tăng vốn đầu tư mới. Đặc biệt, phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông trong KKT, tập trung triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm ưu tiên trong giai đoạn 2023 - 2025 theo nghị quyết của Tỉnh ủy, hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công xây dựng tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa và nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông chính. Bên cạnh đó, sớm nâng cấp mở rộng các khu tái định cư Vĩnh Yên, Xóm Quán... và quan tâm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, nhất là chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án…

Nguồn: Thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế Vân Phong

Đ. Lâm

baokhanhhoa.vn