Hà Giang: Người Pà Thẻn giữ rừng đầu nguồn My Bắc

15:00 | 16/07/2024

|
Những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình) là nơi lưu trữ nguồn nước dồi dào, dòng chảy quanh năm trong vắt, phục vụ đủ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho cộng đồng dân tộc Pà Thẻn sinh sống giữa điệp trùng, bao la núi rừng. Bởi thế, người Pà Thẻn có một bí quyết giữ rừng rất rõ theo hương ước, quy ước của bản làng, bất cứ ai vi phạm rừng cũng đều bị xử phạt nặng.

Thôn My Bắc có hơn 170 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Nơi đây có một khu rừng phòng hộ nguyên sinh trải dài vút tầm mắt với diện tích trên 1.400 ha. Những người già trong thôn cũng không biết đến tuổi của cây rừng. Có những cây gỗ thân đã phủ rêu xanh, cao hiên ngang, vời vợi giữa đất trời. Trong rừng có thảm thực vật phong phú, nhiều loại cây thuốc quý, nhiều động vật trú ngụ. Một số nơi có cây chè Shan tuyết, cam, quýt được trồng từ xa xưa vẫn phát triển dưới tán cây rừng. Nhờ có rừng che chắn, chưa bao giờ người dân trong thôn bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Quang Bình phối hợp chặt chẽ với thôn My Bắc kiểm tra, quản lý và bảo vệ rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Quang Bình phối hợp chặt chẽ với thôn My Bắc kiểm tra, quản lý và bảo vệ rừng.

Với trách nhiệm và tình yêu cây rừng, kể từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đến với người dân, thôn My Bắc là địa bàn đầu tiên của xã được thụ hưởng sớm nhất. Con số này không ngừng tăng lên qua các năm, cộng đồng thôn cũng được chi trả nhiều tiền nhất. Cuối năm 2023, thôn nhận được 246 triệu đồng tiền DVMTR theo kế hoạch của năm 2022. Từ nguồn tiền này, thôn đã triển khai được nhiều công trình cấp thiết, ý nghĩa như làm đường bê tông nông thôn, tu sửa nhà văn hóa, phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Bà con cũng có thêm một khoản để trang trải, mua lợn, gà về nuôi, tạo sinh kế lâu dài.

Để bảo vệ rừng, hơn 10 năm qua, thôn My Bắc đã duy trì, phát huy hiệu quả rất tốt vai trò của Tổ bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư. Tổ gồm 10 thành viên, họ đều là những người có uy tín của bản làng, có sức khỏe, tinh thần nhiệt huyết. Mỗi tháng, Tổ đi tuần rừng 2 - 3 lần và chia làm các tuyến khác nhau, đi theo đường tuần tra tiếp giáp xã Tiên Nguyên, xã Tân Trịnh và Nhà máy Thủy điện sông Bạc. Những người tuần rừng được trả công trung bình 600 nghìn đồng/tháng, số tiền này được trích ra từ tiền DVMTR của thôn hàng năm.

Anh Lừu Văn Cương hơn 10 năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng.  						Ảnh: MỘC LAN

Anh Lừu Văn Cương hơn 10 năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Anh Lừu Văn Cương, Tổ phó Tổ bảo vệ rừng thôn My Bắc cho biết: “Mỗi tuyến tuần rừng kéo dài ít nhất 2 ngày, đi bộ khoảng 10 - 15 km nên khi đi rừng chúng tôi phải xem dự báo thời tiết. Đi rừng cũng phải mang theo dao, thuốc, đèn pin, cơm nắm, thức ăn, võng để ngủ trong lán trại. Đường tuần rừng là đường mòn, đường đất, có những đoạn dốc thẳng đứng, treo leo nguy hiểm. Mùa này, sau cơn mưa, những con vắt rừng nhiều vô số, cách để tránh vắt cắn là dùng chanh, quả bồ kết rừng bôi vào chân, tay, ủng. Dù đã xem thời tiết kỹ nhưng ở rừng cũng không thể tránh được những cơn mưa đột ngột. Chúng tôi không thể nhớ hết có bao nhiêu chuyến tuần rừng, nhưng chuyến tuần rừng giáp Tết Nguyên đán năm 2022, Tổ phát hiện 1 người ở xã khác đến rừng xẻ gỗ dổi. Tổ đã lập biên bản, báo cáo UBND xã Tân Bắc xử lý, răn đe kịp thời”.

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của Tổ bảo vệ rừng, thôn My Bắc đã xây dựng hương ước, quy ước của bản làng, quy định về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nếu ai tự ý chặt cây, săn bắt động vật, xâm lấn đất rừng sẽ bị phạt rất nặng. Trong các buổi họp thôn được lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách bảo vệ, phát triển rừng và từng hộ gia đình đều phải ký cam kết thực hiện. Vì vậy, nhiều năm qua, trong thôn không có trường hợp nào vi phạm pháp luật về rừng. Nhờ có những tán rừng già bao bọc, bao đời nay, người Pà Thẻn bình yên, đoàn kết giữ rừng và bảo vệ màu xanh của sự sống.

Nguồn: Người Pà Thẻn giữ rừng đầu nguồn My Bắc

Mộc Lan

baohagiang.vn