Bảo tồn và phát huy chuỗi giá trị từ hoa sen

08:57 | 13/07/2024

|
Thành phố Hà Nội hiện có nhiều đặc sản được chế biến từ sen, không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn thể hiện văn hóa đặc sắc của Thủ đô, trong đó có 18 sản phẩm từ cây sen là sản phẩm OCOP.
Khánh Hòa: Khánh Vĩnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóaKhánh Hòa: Khánh Vĩnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa
Hà Giang: Bảo tồn văn hóa gắn với đẩy lùi hủ tụcHà Giang: Bảo tồn văn hóa gắn với đẩy lùi hủ tục

Thông tin từ Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có 3 miền, vùng rõ rệt, cũng có 3 loại sen, đặc trưng cho mỗi vùng miền. Miền Nam có sen hồng Đồng Tháp; miền Trung có sen trắng Huế; miền Bắc có sen Bách Diệp hồ Tây. Đặc biệt, sen Bách Diệp hồ Tây (Hà Nội) được xếp vào nhóm nguồn gen đặc sản, quý hiếm cần được bảo tồn, phát triển.

Sen Bách Diệp có khoảng trăm cánh nở rất to, có màu hồng nhạt, hương thơm ngát; có màu sắc và hương thơm độc đáo, khác biệt so với hoa sen của các vùng đất khác. Tuy nhiên hiện nay, diện tích trồng sen Tây Hồ (Hà Nội) đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Chính vì vậy, năm 2017, các nhà khoa học của Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã nghiên cứu và đưa ra một số đặc điểm hình thái đặc trưng để nhận biết giống sen hồ Tây.

Đặc biệt, gần đây, các nhà khoa học đã sử dụng biện pháp nuôi cấy mô tế bào để tạo ra nguồn giống sen giữ nguyên đặc tính của Sen Bách Diệp, cây giống không bị sâu bệnh. Kết quả nghiên cứu invitro (trong ống nghiệm) đã thành công, khi có hơn 500 mẫu giống vừa được đưa ra vườn ươm để tiến hành đánh giá hiệu quả.

Nhằm khôi phục và bảo tồn giống Sen Bách Diệp nổi tiếng của Hồ Tây, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Tây Hồ triển khai việc trồng sen tại một số hồ nhỏ trên địa bàn. Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) đã hỗ trợ quận Tây Hồ 7.000 cây giống Sen Bách Diệp và vật tư trồng sen. Bước đầu, việc trồng sen tại các hồ ở quận Tây Hồ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái.

Bảo tồn và phát huy chuỗi giá trị từ hoa sen

Từ ngày 12-16/7, thành phố Hà Nội tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024. Ảnh: DK.

Nhằm nâng tầm thương hiệu, phát triển cây hoa sen gắn với nông nghiệp đô thị và du lịch, từ ngày 12-16/7, thành phố Hà Nội tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giới thiệu sản phẩm đặc sắc. Không gian Văn hóa-sáng tạo quận Tây Hồ được tổ chức thành các không gian giới thiệu trình diễn sản phẩm: Hoa sen, tơ sen, chè sen, xôi sen, giò sen, các món ăn từ sen, sản phẩm trang trí từ sen, thủ công mỹ nghệ về sen; trưng bày đại diện một số giống sen thuộc các vùng trong cả nước và một số giống sen quý của Việt Nam và Hà Nội...

Để bảo tồn và phát triển giống sen quý, lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, quận đang triển khai thực hiện Đề án khôi phục trồng sen bách diệp tại 18 hồ trên địa bàn. Bên cạnh đó, quận tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về tiềm năng, lợi thế, vai trò của việc trồng sen, qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa làng nghề trên địa bàn quận.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 600ha trồng sen, tập trung ở các địa phương, như Mỹ Đức 188 ha, Ba Vì 70ha, Mê Linh 65ha, Phúc Thọ 25ha, Ứng Hòa 25ha, Bắc Từ Liêm 25ha, Tây Hồ 19,6ha, Quốc Oai 18ha… Hà Nội cũng có nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà thành. Trong đó, có 18 sản phẩm từ cây sen được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đặc biệt, sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất. “Khăn lụa tơ sen” của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng nguyên thủ các quốc gia. Ngoài ra, còn có các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao, như: Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm...

Bảo tồn và phát huy chuỗi giá trị từ hoa sen

Thành phố Hà Nội mong muốn sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến bảo tồn và tôn vinh, phát triển sen Việt Nam trên địa bàn.

Trong khuôn khổ của Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công nghệ, xây dựng mô hình phát triển sen và hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân đại diện cho nhà khoa học, nhà quản lý và các hợp tác xã, doanh nghiệp trồng sen, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ sen. Sở NN&PTNT mong muốn sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến bảo tồn và tôn vinh, phát triển sen Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội, thúc đẩy ngành trồng sen gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương.

Hà Nội cũng sẽ xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách tham quan du lịch, trải nghiệm sen; bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm sen Việt Nam nói chung và sen Hà Nội nói riêng.../.

Nguồn: Bảo tồn và phát huy chuỗi giá trị từ hoa sen

Ngọc Khánh

thiennhienmoitruong.vn