Tuyển sinh đầu cấp còn những băn khoăn

10:34 | 17/07/2024

|
Nhiều trường học tại TPHCM không triển khai được lớp 2 buổi/ngày, đồng nghĩa không có bán trú, khiến phụ huynh đôn đáo tìm phương án lo cho con.
Tuyển sinh đầu cấp còn những băn khoăn
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (Quận 12). Ảnh: MA

Nỗi lo không bán trú

Đây là năm đầu tiên toàn TPHCM phân bổ chỗ học cho học sinh theo tiêu chí ưu tiên gần nơi cư trú. Căn cứ để phân bổ chỗ học là hệ thống thông tin địa lý (gọi tắt là bản đồ GIS) giúp học sinh được học gần nhà, thuận tiện đưa đón.

Thực tế, khi triển khai bản đồ GIS, kết quả tuyển sinh phản ánh tính công bằng, minh bạch, chia đều áp lực chỗ học giữa các địa bàn, khu vực. Tuy nhiên, kết quả xét tuyển giai đoạn 1 (từ 28/6 đến 7 giờ ngày 8/7) khiến không ít gia đình lo lắng do trường học không tổ chức bán trú.

Có con được phân tuyến vào lớp 6 Trường THCS Lương Thế Vinh (Quận 12), anh Trần Minh T. chưa kịp vui mừng khi nhà cách trường khoảng 2km, nỗi lo ập tới khi biết tin cơ sở này không tổ chức bán trú. Do đó, những ngày qua, vợ chồng anh hỏi han khắp nơi để tìm một ngôi trường có tổ chức bán trú nhằm thuận tiện cho việc đưa đón, nhưng kết quả không khả quan.

Anh T. cho biết: “Vợ chồng làm kinh doanh nên công việc rất bận rộn. Ngày xưa anh trai của cháu không có bán trú, việc đưa đón vất vả nên năm nay khi biết tin con gái vào trường không có bán trú, vợ chồng mới quyết định tìm trường có dịch vụ này và chấp nhận đi xa. Tôi có tìm hiểu một trường THCS tại Quận 12, cách nhà khoảng 6km, có tổ chức bán trú. Tuy nhiên, cơ sở này đã nhận đủ hồ sơ. Nếu tới đây không tìm được trường bán trú cho con, hai vợ chồng đành sắp xếp thời gian lo cho cháu”.

Khác với anh T., đầu tháng 6/2024, chị Nguyễn Thúy H., (trú tại quận Bình Tân) lên hội nhóm Facebook phụ huynh TPHCM để tìm hiểu những trường có tổ chức bán trú gần khu vực sinh sống. Lên lớp 6, dù đã tự lập hơn nhiều so với trước nhưng trẻ chưa thể tự lo cho bản thân khi không có bố mẹ.

Trong khi đó, công việc bận rộn, không có thời gian đưa đón vào buổi trưa, chị phải tìm trường có tổ chức bán trú. Tuy nhiên, theo danh sách phân tuyến, trường của con chị học không có dịch vụ này. Nếu tới đây, khi nộp hồ sơ xét tuyển đợt 2 không được vào trường bán trú, chị dự định thuê dịch vụ đưa đón và chăm sóc ngoài thời gian học chính thức ở trường.

Tuyển sinh đầu cấp năm học 2024 - 2025 tại TPHCM đã kết thúc giai đoạn 1 xét tuyển tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Nhiều phụ huynh đứng trước lựa chọn: Chấp nhận cho con học trường xa nhà hay tiếp tục tham gia xét tuyển đợt 2 với “rủi ro” cao hơn, bởi giai đoạn này chỉ áp dụng đối với trường còn chỉ tiêu xét tuyển.

Tuyển sinh đầu cấp còn những băn khoăn
Cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4) tư vấn cho phụ huynh trong quá trình làm hồ sơ nhập học.

Bài toán khó

Từ nhiều năm nay, Quận 12, quận Bình Tân, Tân Phú… là những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, chịu ảnh hưởng tình trạng nhập cư. Trong khi đó, cơ sở vật chất, trường lớp tăng không tương xứng với tốc độ tăng dân số cơ học nên tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp.

Là địa phương có tốc độ tăng dân số cơ học cao, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học của Quận 12 thấp so với bình quân chung của thành phố. Bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12 cho biết, riêng với cấp tiểu học, dự kiến năm học 2024 - 2025, địa phương tuyển sinh 228 lớp 1 vào 24 trường tiểu học công lập. Trong đó, 58 lớp học 2 buổi/ngày với tổng số 2.465 học sinh, đạt 22,6%.

“Quận 12 đã đặt ra nhiều tình huống có thể phát sinh trong công tác tuyển sinh năm nay để có thể chủ động. Sau khi công bố danh sách đợt 1, với những phụ huynh có mong muốn cho con học trường khác để phù hợp với điều kiện gia đình, địa phương sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp để trình Hội đồng tuyển sinh quận cho phép tuyển đợt 2 theo tình hình thực tế”, bà Châu chia sẻ.

Tương tự, ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho biết, năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh bán trú khoảng 62%, năm học tới đây có tăng lên nhưng không đáng kể. “Nếu không đồng ý với trường được phân tuyến trên hệ thống do không có bán trú, phụ huynh sẽ đăng ký xét đợt sau, xin vào trường có bán trú. Tuy nhiên còn tùy vào khả năng tiếp nhận học sinh của trường tổ chức bán trú, nếu đã tuyển đủ thì khó để tiếp nhận thêm”, ông Tuyên cho hay.

Tại quận Tân Phú, dù năm nay, học sinh đầu cấp tăng không nhiều nhưng dân số cơ học cao, nhiều trường không đủ phòng học để tổ chức bán trú. “Quận phấn đấu đủ chỗ học cho học sinh, còn với những cơ sở không đủ điều kiện để tổ chức bán trú mong phụ huynh sắp xếp công việc để lo cho trẻ”, ông Phan Sĩ Đạt - Trưởng phòng GD&ĐT nói.

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, nếu kết quả phân bổ chỗ học chưa phù hợp điều kiện đi lại hoặc đưa đón của gia đình, phụ huynh có thể liên hệ phòng GD&ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức để được hướng dẫn giải quyết. Sau khi có kết quả phân tuyến đợt 1, phụ huynh không đồng ý cho con học có thể không xác nhận nhập học để chờ tuyển sinh đợt 2.

“Tuy vậy, phụ huynh phải cân nhắc vì khi không nộp hồ sơ đợt 1 thì không quay lại được trường đó nữa. Tuyển sinh đợt 2 “căng” hơn đợt 1 vì còn ít chỉ tiêu hơn. Dù thuộc đối tượng nào thì ngành Giáo dục cũng đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh, không kể thường trú hay tạm trú. Tuy vậy, xét theo thứ tự ưu tiên thì một số học sinh có thể sẽ phải đi học xa hơn một chút”, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh.

Chị Hoàng Lâm Phượng, trú tại quận Bình Tân chia sẻ: “Trong 8 năm qua, tôi phải sắp xếp thời gian đưa đón và chăm sóc cho con vì trường không có bán trú. Học tiểu học khá vất vả, nhất là những hôm trời nắng nóng đón con giờ giữa trưa, nhiều hôm bận công việc phải nhờ người thân đưa đón và trông nom. Tuy nhiên, tôi xác định đây là khó khăn chung nên sẽ sắp xếp thời gian lo cho cháu. Đáng mừng năm lớp 8 vừa rồi cháu đã tự đi xe đạp đến trường và tự lo cho bản thân khi ở nhà một mình nên tôi cũng yên tâm với công việc”.

Khắc phục bất cập

Mới đây, TP Thủ Đức và các quận, huyện đã công bố kết quả đợt 1 tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, kết quả khiến nhiều gia đình lo lắng do con không được phân bổ chỗ học gần nhà.

Liên quan đến việc học sinh phải học xa nhà, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, xảy ra tình trạng này do trên địa bàn cư trú (phường, xã) không có trường tiểu học hoặc THCS, do đó học sinh phải di chuyển sang địa bàn lân cận - nơi có trường tiểu học, THCS.

Thêm vào đó, số dân trên địa bàn quá đông (nhiều người di cư), trường tiểu học hoặc THCS không có khả năng tiếp nhận. Mặt khác, năm nay do có việc sắp xếp lại khu phố nên sẽ có vài trường hợp phân bổ trường không phù hợp.

Việc phân bổ trường học theo GIS là hệ thống tự quét trường đến các vị trí gần nhà với học sinh nhất theo thứ tự ưu tiên. Bán kính xung quanh trường ưu tiên 1 đã hết chỉ tiêu tuyển sinh, GIS sẽ tự động xếp sang ưu tiên 2.

Vì thế, không hẳn “nhà gần trường” là học sinh có thể được học tại trường đó. Bởi trong khu vực, nhiều học sinh gần hơn và đã hết chỉ tiêu để tuyển sinh vào trường. “Chẳng hạn chỉ tiêu của trường chỉ có thể tiếp nhận 300 học sinh, trong khu vực gần trường có 350 học sinh ở thì những em ở xa hơn sẽ phải thực hiện ưu tiên 2 theo GIS”, ông Minh nêu ví dụ.

Trước tình hình trên, sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục phân công thành viên trong Hội đồng tuyển sinh tổ chức tiếp công dân để giải đáp những thắc mắc của người dân. Phụ huynh liên hệ với phòng GD&ĐT quận, huyện để được giải quyết điều chỉnh khi phân tuyến do sự sắp xếp lại khu phố.

Khi phụ huynh liên hệ với phòng GD&ĐT quận, huyện cần cung cấp các minh chứng do việc thay đổi khu phố dẫn đến việc được phân bổ trường chưa phù hợp. Bên cạnh hỗ trợ giải đáp lý do học sinh phải học xa nhà, ban chỉ đạo tuyển sinh quận huyện phải tạo điều kiện và hỗ trợ những em có hoàn cảnh hết sức đặc biệt.

Từ 19 đến 22/7, căn cứ vào thông tin các quận, huyện thông báo thực hiện tuyển sinh đợt 2, phụ huynh đăng ký trên trang tuyển sinh của thành phố. Từ 23/7 đến 1/8, ban tuyển sinh các địa phương xét và công bố kết quả tuyển sinh đợt 2. Phụ huynh cập nhật thông tin học sinh trúng tuyển và xác nhận kết quả nộp hồ sơ tại trang tuyển sinh đầu cấp.

Nguồn:Tuyển sinh đầu cấp còn những băn khoăn

Hồ Phúc

giaoducthoidai.vn