Hà Giang: Hướng đến nền nông nghiệp xanh

14:00 | 05/08/2024

|
Tạo ra các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), phù hợp với các tiêu chuẩn tiên tiến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu – đó là mục tiêu được tỉnh ta quyết tâm triển khai để nâng tầm giá trị nông sản và hướng đến nền nông nghiệp xanh.

Xác định nông nghiệp là một trong những “trụ cột” của nền kinh tế, tỉnh ta chú trọng thúc đẩy sản xuất, phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cũng như tăng diện tích, chủng loại, số lượng sản phẩm nông sản bằng nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích, nhất là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, quy hoạch vùng, hỗ trợ đầu tư sản xuất, tạo điều kiện cho người dân vay các nguồn vốn ưu đãi, xây dựng thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; thông qua bảo đảm chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm… giúp tạo dựng uy tín trên thị trường và niềm tin với người tiêu dùng.

Hà Giang: Hướng đến nền nông nghiệp xanh
Trồng nho Hạ đen hữu cơ giúp người dân xã Xuân Giang (Quang Bình) có thu nhập ổn định. Ảnh: Kim Tiến

HTX dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc (Bắc Mê) là đơn vị có nhiều sản phẩm từ nghệ có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, HTX có dây chuyền chiết xuất tinh bột nghệ vàng, nghệ đen, viên nang Nano Curcumin được chứng nhận Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam; vinh danh sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia; sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh… Chị Trần Thị Sáu, Giám đốc HTX cho biết: Để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo ATTP và có tính cạnh tranh cao trên thị trường, đơn vị đã liên kết với người dân để thực hiện mô hình trồng nghệ tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, bón phân hữu cơ; quy trình sơ chế, chế biến và đầu tư dây chuyền chiết xuất, giải quyết tuần hoàn 100% nước thải trong sản xuất, không xả thải ra môi trường, góp phần hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Với đặc thù tiểu khí hậu từng vùng miền nên Hà Giang có nhiều đặc sản vang danh trong và ngoài nước. Hiện, toàn tỉnh có trên 100 nhãn hiệu được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu độc quyền đã và đang tạo dựng được uy tín trên thị trường, như: Mật ong Bạc hà, vải lanh Lùng Tám, Fìn Hò Trà, miến dong Gia Long. Đặc biệt, tỉnh được bảo hộ “chỉ dẫn địa lý” đối với các sản phẩm đặc sản, như: Mật ong Bạc hà, cam Sành, chè Shan tuyết, Hồng không hạt, gạo tẻ Già Dui và thịt bò vàng Hà Giang; có 3 nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, gồm: Chè Shan tuyết Hoàng Su Phì, Hồng không hạt Na Khê, huyện Yên Minh và sản phẩm Tam giác mạch huyện Đồng Văn.

Hà Giang: Hướng đến nền nông nghiệp xanh
Mô hình trồng rau chuyên canh ở xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì). Ảnh: PV

Nỗ lực nâng tầm giá trị nông sản, vì mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tỉnh ta phấn đấu 85% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc đối tượng quản lý được kiểm tra xếp loại; tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ thuộc đối tượng quản lý thực hiện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đạt trên 77%. Diện tích trồng trọt, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn ATTP (VietGAP, hữu cơ, tiêu chuẩn xuất khẩu…) trên 5%. Phấn đấu trong năm 2024, hoàn thiện 2 chuỗi giá trị: 1 chuỗi chè Shan tuyết Hà Giang; 1 chuỗi mật ong Bạc hà tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá; xây dựng 6 chuỗi giá trị mới: Chuỗi cây dược liệu Hà Giang; lúa đặc sản chất lượng cao tại 2 huyện phía Tây; cây Tam giác mạch; bò vàng; lợn đen tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá; cây ăn quả ôn đới. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng 2 cơ sở trong năm 2024; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông - lâm, thủy sản được giám sát vi phạm quy định về ATTP dưới 10%; bảo đảm 100% cán bộ quản lý chất lượng ATTP nông - lâm, thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật về chuyên môn nghiệp vụ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Nhị Sơn chia sẻ: Ngành đặt quyết tâm cao thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hoá chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; các nghị quyết, quyết định, nghị định của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nhất là về nông nghiệp hữu cơ và xây dựng mỗi xã một sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, HACCP, ISO 22000...) vào sản xuất; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng ATTP sản phẩm ngay từ gốc trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh như: Chè, cam Sành, mật ong Bạc hà, lúa đặc sản chất lượng cao, cây ăn quả ôn đới, Tam giác mạch, dược liệu Hà Giang, bò vàng, lợn đen.

Nguồn: Hướng đến nền nông nghiệp xanh

Kim Tiến

baohagiang.vn